Tại hội nghị, bà Trần Thị Bình Minh - Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP cho biết, sự hợp tác của hai địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực. Được lãnh đạo hai địa phương đặc biệt quan tâm, chủ động trao đổi thông tin, kết nối doanh nghiệp (DN)… giúp DN và các nhà đầu tư của TP.HCM và ngược lại biết được các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
|
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị. |
Đến nay, đã có 23 DN của TP và tỉnh Gia Lai triển khai 35 dự án đầu tư trên địa bàn của hai địa phương với tổng vốn đăng ký lên đến gần 18.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư chủ yếu vào bất động sản, nông- lâm nghiệp, thủy điện, khu dân cư, khu bán lẻ, khai thác khoáng sản…
Cũng theo bà Minh, lĩnh vực y tế và GD-ĐT của hai bên đã có sự phối hợp rất tích cực trong việc tổ chức thức hiện các chương trình hợp tác, đem lại hiệu quả tốt như: chuyển giao kỹ thuật mỗ chấn thương sọ não; hướng dẫn thao tác trong hồi sức cấp cứu, tim mạch, bệnh phổi, phòng chống thảm họa; trường ĐH Nông Lâm TP đã thành lập phân hiệu ĐH tại Gia Lai, tỉnh bố trí CSVC, trường- lớp tại trường CĐSP Gia Lai và hỗ trợ kinh phí ban đầu để Phân hiệu hoạt động. Đến nay, đã tuyển sinh ĐH được 11 khóa với gần 2.700 sinh viên…
Bên cạnh những thuận lợi, hai bên cũng chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng thế mạnh của nhau. Việc hợp tác mới chỉ triển khai tốt giai đoạn đầu (2003-2009), giai đoạn sau (2009- 2016) tiến triển chậm. Các dự án đầu tư của TP vào Gia Lai chưa có định hướng của tỉnh, nên ngành nghề đầu tư còn dàn trải trên nhiều lĩnh vực, chưa có sức lan tỏa, ảnh hưởng chưa nhiều đến phát triển kinh tế của tỉnh…
Phó giám đốc Sở NN&PTNN TP.HCM cho rằng, TP.HCM và Gia Lai có điều kiện phát triển nông nghiệp khác nhau, tuy nhiên lĩnh vực hợp tác giữa hai địa phương còn hạn chế do chủ yếu hợp tác ở lĩnh vực lâm nghiệp và trồng rừng, cây tiêu nhưng chưa nhiều, trong khi đó, tiềm năng Gia Lai lớn, có thế mạnh là cao su và cà phê.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh- Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng, việc hợp tác về lĩnh vực y tế của 2 địa phương chưa được như mong đợi. Theo GS.TS Bỉnh, Gia Lai là một tỉnh lớn nên không vì lý do gì mà không đầu tư cho y tế. Vì vậy, phải phát triển được nguồn nhân lực về ngành y là quan trọng nhất, sau đó là đầu tư trang thiết bị.
“Mỗi năm, Gia Lai có khoảng 30 bác sỹ tốt nghiệp các trường ĐH Y, như vậy là quá ít, muốn nâng chất đội ngũ này thì ngành y tế Gia Lai phải lựa chọn được đội ngũ cán bộ y, tạo nguồn và đưa về TP học tập trong thời gian ngắn hạn, TP sẽ giúp đào tạo chuyên khoa và cử thầy cô về tỉnh để đào tạo, nâng cao tay nghề nhất là những lĩnh vực chuyên sâu… Muốn làm được chuyện này, phải có sự hợp tác thật chặt chẽ nhất là giữa các trường ĐH Y của TP”- GS.TS Bỉnh mong muốn.
Nghe đến đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt câu hỏi : “Hai địa phương đã hợp tác mười mấy năm, TP HCM đầu tư tại Gia Lai khoảng 1.800 tỉ đồng, còn Gia Lai đầu tư tại TP HCM khoảng 16.000 tỉ đồng, gấp gần 10 lần.
“Chúng ta phải suy nghĩ về con số này. Hợp tác phải thiết thực, đi vào chiều sâu chứ không phải vui vẻ, có phong trào, người ta hợp tác mình cũng hợp tác. Gặp nhau vui vẻ, mời rượu xong rồi về, mấy năm sau gặp nhau nữa. Lần nào gặp cũng nói tiềm năng thế mạnh còn nhiều nhưng vẫn chưa khai thác được” – ông Thăng nói.
Ông Thăng cho rằng hai bên phải trao đổi kỹ, tìm rõ nguyên nhân, có phải là môi trường đầu tư của Gia Lai chưa tốt hay sự hỗ trợ của TP.HCM cho doanh nghiệp chưa nhiều, thuần túy doanh nghiệp tự bươn chải…
Bí thư Đinh La Thăng nói: “Tôi đọc trong báo cáo chủ yếu hoạt động xã hội là chính. Vấn đề là chúng ta phải làm thế nào cho hiệu quả chứ không phải hợp tác để thỉnh thoảng gặp nhau. Hai bên cố gắng tìm ra giải pháp đích thực để thực hiện trong thời gian tới. Hợp tác gần 3 nhiệm kỳ nhưng kết quả cũng chỉ vậy. Giờ giao thông đã thuận tiện mà vì sao chưa bật lên được”.
Trả lời vấn đề này, đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP cho rằng, con số DN Gia Lai đầu tư về TP là đầu tư về bất động sản nên nguồn vốn lớn còn ngược lại, DN của TP đầu tư về Gia Lai là nông- lâm nghiệp. Cách đầu tư này là cả hai cùng thắng và quan trọng là thắng hàng ngoại.
|
Lãnh đạo hai địa phương ký kết chương trình hợp tác Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2017-2020. |
Ông Dương Văn Trang- Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai chia sẻ, Gia Lai là tỉnh nông nghiệp, đất đai phì nhiêu, màu mỡ phù hợp với cây cao su, tiêu và có nhiều tìm năng phát triển du lịch. Bên cạnh đó, có 3 tồn tại hạn chế mà tỉnh này mong TP hỗ trợ, đó là du lịch sinh thái, du lịch dân tộc và du lịch lịch sử.
“Rừng- thác- suối hồ đó là thế mạnh mà không tỉnh nào của Tây Nguyên có lợi thế bằng tỉnh Gia Lai. Đây là tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của tỉnh đang đợi chờ các DN, sở- ngành của TP.HCM hỗ trợ, đầu tư và khai thác”- ông Trang nói.
Bí thư Đinh La Thăng ghi nhận những kết quả tích cực trong hợp tác, đầu tư của hai địa phương thời gian qua. Giúp cho cả hai “cùng thắng”. Tuy nhiên, theo ông Thăng việc khai thác hết tiềm năng thế mạnh của hai địa phương nhất là việc các DN của TP chưa tận dụng hết lợi thế về tiềm lực kinh tế, công nghệ, trình độ khoa học để khai thác những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai cần sớm được khắc phục.
“Tỉnh Gia Lai phải phối hợp với TP.HCM sớm tổ chức Hội nghị xúc tiến- đầu tư tại TP. Rà soát lại cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh thật sự đã thông thoáng, cởi mở. Đối với TP với vai trò đầu tầu kinh tế của cả nước nhưng đã thể hiện được vai trò “đầu tàu hạt nhân” nhằm hỗ trợ cho các tỉnh, thành hay chưa?
Cần tổ chức, thực hiện và thành lập tổ công tác của từng sở- ngành với nhau thì mới đi vào hiệu quả, thiết thực. Còn để họ “tự bơi” sẽ không bao giờ khắc phục được những tồn tại”- Ông Thăng nói.
Dịp này, hai bên cũng đã tiến hành ký kết chương trình hợp tác Kinh tế- Xã hội giai đoạn 2017-2020.
Quỳnh Mai