Bị tảng đá lăn trúng, bệnh nhân bí tiểu suốt 4 năm

01/03/2017 - 18:13

PNO - Trong một lần đi du lịch đến đồi Mộng Mơ (Đà Lạt), anh Nguyễn Cẩm Nhường bị tảng đá nhân tạo lăn trúng khiến không thể đi tiểu như người bình thường suốt 4 năm nay.

Sau vụ tai nạn hy hữu, anh Nguyễn Cẩm Nhường (32 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) liên tiếp trải qua nhiều lần phẫu thuật nối niệu đạo nhưng không thành công.

Tháng 10/2009, chuyến du lịch ở đồi Mộng Mơ, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) không ngờ lại bắt đầu cho những chuỗi ngày dài đầy ám ảnh của anh Nhường. Một tảng đá nhân tạo ở khu du lịch bất ngờ lăn xuống đồi và khiến anh bị chấn thương nặng: thủng bàng quang, gãy xương chậu, đứt đường tiểu.

Liên tiếp sau đó là những ca mổ cấp cứu, mổ phục hồi bàng quang, phục hồi xương chậu, nối đường tiểu. Trong khi các bộ phận khác đều đã lành lặn thì đường tiểu của anh vẫn liên tục mổ ra rồi khâu lại. Mỗi lần phẫu thuật là mỗi lần anh hy vọng rồi lại thất vọng.

Sau mỗi ca phẫu thuật, anh được rút ống thông tiểu để sinh hoạt như bình thường trong vài tuần. Trong khoảng thời gian ấy, có khi ngồi uống bia hay uống cà phê với bạn bè là nước tiểu trong người lại tự động rỉ ra, không thể nào kìm chế được. Sau đó lại là quãng thời gian anh phải kè kè theo bên người bịch đựng nước tiểu.

Nhiều lần thất vọng như vậy khiến ước mơ trở lại như người bình thường trở nên quá xa vời, nhất là về một mái ấm gia đình cũng không thể thực hiện được với anh. Anh đi khắp nơi tìm một bệnh viện có thể chữa  lành vết thương cho mình.

Bi tang da lan trung, benh nhan bi tieu suot 4 nam
N. C. Nhường gặp lại chuyên gia nước ngoài đã giúp anh hồi phục sức khỏe

Tháng 11/2015, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) chẩn đoán trường hợp của anh Nhường là một ca khó. Kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị hẹp tắc niệu đạo sau khoảng 2cm. Đường tiểu bị di lệch do biến chứng từ quá nhiều lần phẫu thuật trước đó. Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân nhận định tình trạng đặt ống thông tiểu trong một thời gian dài nếu cứ tiếp tục sẽ dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu hoặc kích thích tạo sỏi đường tiết niệu, suy thận và có thể là hiếm muộn. Việc phẫu thuật do đó là phương án phải được tiến hành.

Bi tang da lan trung, benh nhan bi tieu suot 4 nam
Trường hợp hi hữu của anh Nhường được gíới thiệu tại hội thảo về hẹp niệu đạo

Ca mổ kéo dài gần 7 giờ đồng hồ đã tái tạo đường niệu đạo cho anh Nhường. Ê kíp phẫu thuật vẫn chọn phương pháp cổ điển là nối niệu đạo tận – tận nhưng sử dụng thiết bị hiện đại là máy soi dây mềm. Thiết bị này có đường ống kích thước khoảng 5.3mm luồn vào niệu đạo, uốn dễ dàng qua các góc cong của cơ thể mà không gây tổn thương. Nhờ đó, các phẫu thuật viên xác định chính xác đường đi của niệu đạo.

Bác sĩ Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng đơn vị niệu đạo, Bệnh viện Bình Dân cho biết các phẫu thuật viên đã cắt bỏ đoạn niệu đạo bị hẹp, làm rộng hai đầu niệu đạo còn lại sau đó nối 2 đầu lại với nhau.

Một cái kết như mơ đã đến với anh Nhường. Một tuần sau ca mổ, anh được rút ông thông tiểu. Nhưng khác với lần trước, lần này là rút hoàn toàn. Sau đó, anh lập gia đình và hiện nay có bé trai 1 tuổi.

Bi tang da lan trung, benh nhan bi tieu suot 4 nam
Người dân đến nội soi niệu tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Lệnh Hùng cho rằng phương pháp nối niệu đạo tận – tận không mới nhưng để thực hiện hiệu quả không đơn giản. Tỷ lệ thành công phụ thuộc vào bàn tay khéo léo của phẫu thuật viên, thời điểm thực hiện ca mổ và cả vào thiết bị dẫn đường máy soi mềm.

Hiện nay, trung bình mỗi năm có khoảng 250 trường hợp bị hẹp niệu đạo được phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân, trong đó, hơn 90% là nam giới. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn trong sinh hoạt, tai nạn giao thông, do bệnh lậu hoặc do thủ thuật y tế không đúng dẫn đến hẹp niệu đạo.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI