Bốn lần chuyển hồ sơ
Ngày 20/12, ông Nguyễn Văn Tiền - 56 tuổi, quê ở tỉnh Hậu Giang - đã gửi đơn đến Báo Phụ Nữ TPHCM vì sau 2 năm đòi bồi thường thiệt hại do tai nạn cho con trai, đến nay vẫn chưa có kết quả. Suốt 2 năm qua, hồ sơ khởi kiện cứ liên tục bị chuyển qua, chuyển lại giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 27/10/2017, anh Nguyễn Hoàng Sơn - sinh năm 1989, con trai ông Tiền - được ông Nguyễn Hữu Nam tuyển vào làm việc tại một công trình xây dựng ở đường Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM nhưng không ký hợp đồng lao động.
Lúc 7g ngày 14/11/2017, anh Nam được phân công tháo dỡ cốt pha. Khi anh Sơn đứng trên cao để gỡ cây xà gồ thì bị ngã, rơi xuống đất, đập đầu trúng cây xà gồ đang đặt ở nền bê tông.
Theo ông Tiền, anh Sơn ngã do không được thông báo mối hàn cây xà gồ đã bị cắt nên đã nắm vào. Dù thi công ở công trình lớn nhưng Sơn không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động.
Sau đó, anh Sơn được chuyển đến bệnh viện cấp cứu, điều trị nhưng đến ngày 7/1/2019, anh đột ngột lên cơn co giật và tử vong tại nhà. Theo gia đình, chi phí điều trị cho anh Sơn từ khi bị tai nạn đến lúc tử vong lên đến 650 triệu đồng.
Sau khi anh Sơn bị tai nạn, nằm viện, gia đình anh đã làm đơn khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại, gửi đến Tòa án nhân dân (TAND) Q.1, TPHCM. Sau đó, gia đình anh Sơn được tòa án mời lên, hướng dẫn làm đơn xin rút hồ sơ và hướng dẫn làm đơn khởi kiện ông Nguyễn Hữu Nam đến TAND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, nơi ông Nam sinh sống.
Theo hướng dẫn, ông Tiền đã chuyển hồ sơ khởi kiện đến TAND thị xã Thuận An và sau đó nhiều lần bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của tòa án và TAND thị xã Thuận An đã mời hai bên lên hòa giải.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, thẩm phán ở TAND thị xã Thuận An lại mời ông Tiền lên hướng dẫn viết đơn xin chuyển về TAND Q.1. “Khi tôi chuyển hồ sơ khởi kiện về lại TAND Q.1 thì họ có mời gia đình tôi và bị đơn lên nhưng ông Nam không đến. Sau đó, TAND Q.1 lại mời gia đình tôi lên và nói sẽ chuyển hồ sơ về TAND thị xã Thuận An để giải quyết theo thẩm quyền” - ông Tiền kể.
|
Hồ sơ khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động của gia đình anh Sơn đã bị tòa án chuyển qua chuyển lại bốn lần |
Khởi kiện ở nơi nào là đúng?
Được biết, mới đây, TAND Q.1 đã chuyển hồ sơ vụ án đến TAND thị xã Thuận An. Trong quyết định chuyển hồ sơ vụ án dân sự, TAND Q.1 cho biết, anh Nguyễn Hoàng Sơn được ông Nguyễn Hữu Nam tuyển dụng và đưa vào làm việc không ký hợp đồng để thi công công trình tại đường Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM.
Biên bản ngày 24/8/2018 của TAND Q.1 lấy lời khai của ông Nguyễn Hữu Nam có nội dung: “Khi đưa Nguyễn Hoàng Sơn vào làm việc, tôi là người thanh toán tiền lương cho Sơn, mức lương 300.000 đồng/ngày. Giữa tôi và Sơn thỏa thuận, khi nào công ty trả tiền cho tôi thì tôi sẽ trả lương cho Sơn... Công việc Sơn phải làm là đóng cốt pha công trình, công việc này do tôi nhận từ Công ty T&A và ông Ánh là người giao việc cho tôi”.
Từ đó, TAND Q.1 cho rằng, ông Nguyễn Hữu Nam là người cai thầu hoặc là người có vai trò trung gian trong quan hệ lao động giữa Nguyễn Hoàng Sơn và Công ty TNHH Xây dựng công trình T&A.
Điểm e, khoản 1, điều 40, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết”.
Trong trường hợp này, bị đơn là ông Nguyễn Hữu Nam - có địa chỉ ở thị xã Thuận An - nên TAND Q.1 đã chuyển hồ sơ đến TAND thị xã Thuận An giải quyết theo thẩm quyền.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM), căn cứ vào lời khai của ông Nguyễn Hữu Nam thì ông này là người trực tiếp giao việc cho anh Sơn và công việc nhận từ Công ty T&A. Vì vậy, mối quan hệ này là mối quan hệ giữa ông Nam (người sử dụng lao động) và anh Sơn (người lao động). Do đó, ông Nam có nghĩa vụ bồi thường.
Cũng theo luật sư Hùng, TAND thị xã Thuận An có thẩm quyền giải quyết vụ này. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 203, Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án quy định tại điều 26 và điều 28 của bộ luật này là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ án có thể kéo dài từ 4-6 tháng. Đối với vấn đề chuyển hồ sơ, gia đình anh Sơn đã rút đơn (lần 1), đã yêu cầu chuyển hồ sơ (lần 2).
Do đó, để xác định đúng tòa án có thẩm quyền giải quyết, gia đình anh Sơn cần nhờ luật sư tư vấn và tìm hiểu các quy định của pháp luật khi tòa án hướng dẫn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. “Qua vụ án này, có thể thấy, tòa án hai địa phương chưa làm hết trách nhiệm” - luật sư Hùng nhận định.
Luật sư Hùng tư vấn, nếu gặp các trường hợp tương tự, người dân nên nhờ luật sư tư vấn để nắm rõ các quy định của pháp luật. Trong trường hợp tòa án có quyết định chuyển hồ sơ vụ án, đương sự có quyền yêu cầu tòa cung cấp quyết định và có thể khiếu nại nếu quyết định đó trái quy định của pháp luật.
Sơn Vinh