Chuyên mục: Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19:

Bị rối loạn kinh nguyệt sau khi khỏi COVID-19

17/11/2021 - 06:36

PNO - Rối loạn kinh nguyệt có thể do căng thẳng, lo lắng.

* Tôi là F0 đã khỏi bệnh bốn tháng nay nhưng lại bị kinh nguyệt thất thường. Tôi thường mệt mỏi và khó chịu. Đây có phải là triệu chứng của hậu COVID-19 không? Tình trạng của tôi có cần đến bệnh viện điều trị không? Khoảng bao lâu tôi sẽ hết tình trạng này?

Q.H. (Q.5, TPHCM)

PGS.TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, trả lời: Hiện nay, triệu chứng hậu COVID-19 còn rất mơ hồ vì bệnh còn mới. Thế giới đang tiếp tục ghi nhận các biểu hiện. Rối loạn kinh nguyệt có thể do căng thẳng, lo lắng. Mệt mỏi, khó chịu có thể biểu hiện suy tim, là biến chứng được đề cập nhiều đối với hậu COVID-19. Bệnh nhân nên đi khám sớm để có can thiệp kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Huỳnh Hoa, phụ trách Khoa Phụ sản Bệnh viện Q.11, trả lời: Rối loạn kinh nguyệt có hai dạng: rong kinh - cường kinh và vô kinh - thiểu kinh. Rối loạn kinh nguyệt liên quan đến COVID-19 chưa xác định được, vì gần đây lượng bệnh nhân đến khám rối loạn kinh nguyệt không tăng. Cũng có trường hợp nhiễm COVID-19 nặng ảnh hưởng toàn thân gây rối loạn đông máu trong lúc đang hành kinh thì có thể bị rối loạn kinh nguyệt gây cường kinh, rong kinh. Khi ra huyết kéo dài gây thiếu máu, ảnh hưởng thể trạng, làm mệt mỏi. 

Hậu COVID-19 còn vấn đề của bệnh lý nội khoa khác, nên người bị rối loạn kinh nguyệt tiền căn COVID-19 nên đến bệnh viện có đủ chuyên khoa: phụ khoa, nội khoa để phối hợp kiểm tra xác định nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị, bổ sung cần thiết. Vì rối loạn kinh nguyệt có nhiều nguyên nhân: rối loạn nội tiết (thường ở tuổi dậy thì hoặc tuổi tiền mãn kinh), có thể do tổn thương thực thể cơ quan sinh dục nữ như nhân xơ, Polyp, tốn thương niêm mạc tử cung - âm đạo - cổ tử cung hoặc bệnh lý ác tính sinh dục nữ. Nếu người ra huyết âm đạo kéo dài hơn bảy ngày hoặc lượng huyết ra nhiều hơn bình thường thì nên đi khám. Trong lúc hành kinh, nếu chóng mặt hoặc té xỉu thì cũng cần đến bệnh viện khám. Ngoài ra, các trường hợp căng thẳng - stress thường gây vô kinh và thiểu kinh, ít khi gây rong kinh.  

 Gia Nhi (ghi)

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0966 18 27 27, 0913 15 93 15; hoặc gửi câu hỏi qua email: 

toasoan@baophunu.org.vn để được tư vấn. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI