Bị rắn cắn, nhiều người phải tháo khớp vì chữa thầy lang

20/07/2023 - 06:32

PNO - Rắn đang vào mùa sinh sản. Nhiều bệnh viện đã phải liên tục tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng đau đớn, hoại tử chân, tay… do rắn độc cắn.

Đang dọn rơm trong sân vườn, ông N.Đ.T. (54 tuổi, tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ bị một con rắn hổ mang tấn công, cắn vào ngón tay trỏ. Sau đó, toàn thân ông đau đớn, tê dại. Ông nhanh chóng được gia đình đưa tới bệnh viện (BV) tỉnh cấp cứu, rồi chuyển lên Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai). Lúc đó, ngón trỏ của bệnh nhân đã bị hoại tử đen tím. Các bác sĩ phải truyền huyết thanh chống độc và cho uống kháng sinh, tiếp tục điều trị với hy vọng giữ được ngón tay cho bệnh nhân. 

Bệnh nhân bị hoại tử ngón tay vì rắn hổ mang cắn đang được điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân bị hoại tử ngón tay vì rắn hổ mang cắn đang được điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai

Nằm cạnh giường của bệnh nhân T., bà Đ.T.L. (49 tuổi, Hà Nội) nhắm nghiền 2 mắt, miệng rên nhẹ, phần tay bị rắn cắn sưng nề. Người nhà cho biết, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn khi đang dọn cỏ ngoài ruộng. Sau nhập viện gần 1 ngày, được truyền huyết thanh, bệnh nhân vẫn trong tình trạng toàn thân đau đớn, phát sốt… 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) - cho biết, đó là 2 trong số nhiều ca bệnh bị rắn độc cắn mà trung tâm tiếp nhận gần đây. Các bệnh nhân thường bị tấn công bởi rắn hổ mang, rắn lục, một số ít gặp phải rắn cạp nong, cạp nia… Nhiều trường hợp bị hoại tử tay hoặc chân, nguy cơ phải tháo đốt ngón tay, ngón chân, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Tại BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, hồi đầu tháng Bảy, các bác sĩ đã phải dùng 70 lọ huyết thanh giải độc cho 3 bệnh nhân vào cấp cứu. BV Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng cảnh báo tình trạng rắn cắn khi tiếp nhận nhiều ca trong tháng Bảy. Như trường hợp anh N.V.T. (38 tuổi, Quảng Ninh), trước khi vào viện 6 ngày, anh bị rắn lục cắn vào mắt cá ngoài chân phải. Khi nhập viện, bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông máu kèm theo sưng nề, phỏng nước cẳng bàn chân phải nên được chuyển lên Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai cấp cứu. Sau khi sức khỏe được cải thiện, bệnh nhân được chuyển về BV Bãi Cháy tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ Hà Thị Bích Vân - Trưởng khoa Cấp cứu (BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ) - hiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, điều kiện thuận lợi để rắn sinh sản, phát triển, nhất là rắn độc. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu và đô thị hóa đã phá vỡ môi trường sống hoang dã của rắn nên chúng trú ẩn và kiếm ăn trong các khu vườn, tán cây, bụi cỏ, gần dân cư và bò vào nhà cắn người. Rắn hổ mang là loài có thói quen sống xen kẽ với môi trường sống của con người, bởi chúng thích ăn cóc, trứng, gà con… Vì vậy, tỉ lệ người bị rắn hổ mang cắn khá cao trong số các loài rắn độc khác. 

Các chuyên gia cảnh báo, mỗi loại rắn thường có độc tính của nọc khác nhau. Triệu chứng, tình trạng ngộ độc của người bị rắn cắn phụ thuộc vào loài rắn, vị trí vết cắn. Điều trị hữu hiệu nhất là dùng huyết thanh kháng nọc rắn, thời điểm tốt nhất là 6 giờ đầu, chậm nhất trong 24 giờ. 

“Hiện nay, thuốc giải độc rắn có nhiều loại tốt, đặc biệt với các loại rắn phổ biến như rắn hổ mang, rắn lục. Các loại thuốc này giúp giải độc, ngăn chặn hoại tử sắp xuất hiện hoặc cứu vùng cơ thể đang bị hoại tử. Từ đó, bệnh nhân giảm nguy cơ để lại các di chứng như cụt tay, cụt chân, thậm chí nguy hiểm tính mạng” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói. Ông cũng cho biết thời gian qua, đơn vị này tiếp nhận không ít bệnh nhân phải điều trị kéo dài, tháo ngón tay, khớp tay… do bị rắn cắn nhưng lại “loay hoay” đi tìm thầy lang, đắp lá thuốc. Khi tới BV, do qua thời gian vàng nên các bác sĩ không còn cơ hội cứu chữa. 

Các bước sơ cứu khi bị rắn cắn

Các chuyên gia cho biết, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần bất động tay chân bằng nẹp để nọc độc không xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn. Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay nơi bị cắn, bởi có thể gây chèn ép khi sưng nề. Băng ép bất động với một số loại rắn hổ nhưng không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm. Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.

Nếu bệnh nhân khó thở nên được hô hấp nhân tạo. Khi vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế, lưu ý để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim. Nếu vết cắn ở chân, tay có thể để thõng chân, tay…

Không nên garo khi bị rắn cắn vì dễ tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, dẫn tới chân, tay bị thiếu máu. Ngoài ra, khi đến BV, bác sĩ tháo băng garo thì chất độc sẽ ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng. Một số biện pháp khác cũng không có hiệu quả như trích rạch tại vết cắn, chườm đá, hút nọc độc…

Huyền Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI