Bí quyết xua tan cơn giận dữ

26/07/2020 - 06:13

PNO - Khi bắt đầu cảm thấy giận dữ, chúng ta có thể áp dụng vài bí quyết để vượt qua nó.

Chị Hà Phương (Q.10, TP.HCM) tâm sự rằng chị thường nổi nóng khi điều mình đang rất muốn lại không được người khác thực hiện đúng ý. Nhưng mỗi lần nổi nóng xong, thấy mọi người xa lánh mình, thấy tức ngực, khó thở, chị lại ân hận. Chị hoàn toàn không muốn nổi nóng, nhưng vẫn chưa chiến thắng được bản thân.

Rồi chị áp dụng một vài cách sau đây và kiểm soát được cơn giận của mình. 

Chẳng hạn, chị có thể rời khỏi hiện trường đang xảy ra tình huống một cách bình thường nhất có thể, tức là không dập cửa, không giậm mạnh chân… Sau đó chị uống nước, hoặc có thể ngồi xuống nghe một đoạn nhạc mình yêu thích, cho phép mình thư giãn, thả lỏng, trấn tĩnh lại. Bước tiếp theo, chị thực hành thiền định ngắn trong vài phút, bằng cách hình dung mình đang ở trong một khung cảnh bình an, hạnh phúc. Đó có thể là giữa cánh đồng, bên bờ biển hay đứng trước một dòng sông. Khi chìm đắm trong sự bình an của khung cảnh trong tâm trí, thì sự bình an bên trong mình sẽ được đánh thức.

Bước kế tiếp, chị đặt mình vào vị trí của người có liên quan đến tình huống vừa xảy ra để thấu hiểu hơn vì sao người ấy hành động như vậy. Sau đó chị đưa ra các giải pháp và rồi quay lại với tình huống để giải quyết nó.

Với những tình huống phức tạp hơn, chị dành thời gian thư giãn lâu hơn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Thu Phương (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thì chia sẻ rằng khi chị đặt mình vào vị trí của con gái, chị mới nhận ra con cảm thấy như thế nào khi bị ba mẹ kỳ vọng quá nhiều. Còn chị Thanh Thy (Q.7, TP.HCM) thì hiểu chồng hơn, khi đặt mình vào vị trí của chồng, và nhận ra mình đã quá cứng nhắc khi cứ muốn chồng làm theo ý mình thay vì tìm cách để cả hai đều cảm thấy hài lòng. 

Bạn Hồng Châu (Q.1, TP.HCM) chia sẻ: một lần, bạn không tìm cách giải quyết vấn đề phức tạp đang xảy ra, cứ để nguyên tình huống như vậy, rồi tìm bình an cho mình. Một tuần sau, khi bạn quay lại, bạn ngạc nhiên rằng vấn đề đã được giải quyết ổn thỏa. Bạn rất mừng là mình đã không để mất trạng thái cân bằng trước những gì xảy ra. Bởi cuối cùng mọi gút mắc, mâu thuẫn cũng đã đi qua, như cơn mưa dù lớn đến đâu cũng đến lúc phải tạnh. 

Cơn giận gây ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể chúng ta. Khi chúng ta giận, não tiết ra các chất hóa học khiến tim đập nhanh, hơi thở gấp, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến huyết áp và hệ miễn dịch… Thậm chí nếu trong lúc giận, nhìn mình trong gương, chúng ta sẽ thấy cơn giận gây tác hại đến diện mạo của chúng ta kinh hoàng thế nào.

Cơn giận còn gây hủy hoại mối quan hệ và công việc. Vì vậy, khi bắt đầu cảm thấy giận dữ, chúng ta có thể áp dụng một cách nào đó phù hợp với mình để vượt qua nó. Đó là cách bạn gìn giữ bình an, hạnh phúc của chính mình, gìn giữ mối quan hệ và khiến cho công việc diễn ra trôi chảy hơn. 

Phương Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI