Bí quyết trường thọ của người Nhật

13/10/2018 - 11:30

PNO - Trong một ngôi nhà chăm sóc cuối đời ở thành phố Hiratsuka (Nhật Bản), bốn mùa chừng như thay đổi nhanh hơn so với những nơi khác...

Bên ngoài trời vừa chớm xuân, trong nhà đã có những tranh phong cảnh xanh um. Khi thu vừa đến, tranh cây phủ tuyết trắng được treo dọc hành lang hay mùa đông chạm ngõ thì tranh hoa anh đào đã phủ kín các bức tường… Những bức tranh gieo cho mỗi bệnh nhân niềm hy vọng sống lớn lao với mong mỏi được ngắm những chiếc lá đỏ mùa thu, hoa anh đào nở rộ thêm lần nữa.

Bi quyet truong tho cua nguoi Nhat

Từng trang trong cuốn sách Bí quyết trường thọ của người Nhật do bác sĩ Shigeaki Hinohara viết mang đến cảm giác bình yên, thanh thản. Quyển sách chủ yếu dành tặng cho người đọc sự an lạc trong tinh thần để bước vào giây phút cuối.

Nhiều người bệnh của vị bác sĩ huyền thoại này đã thay đổi cuộc đời, rẽ sang một hướng khác trong những năm tháng cuối cùng; từ một doanh nhân trở thành một họa sĩ tài danh, một người vượt qua bệnh tật để được trở về với phím đàn…

Hàng ngàn cụ ông, cụ bà trong tổ chức “Người già thời đại mới” do ông sáng lập hoạt động sôi nổi trong phong trào tình nguyện mỗi ngày để trao truyền văn hóa cho thế hệ trẻ. Trong giờ phút lâm chung của người bệnh, bác sĩ Hinohara mở những bản nhạc đã gắn với cuộc đời họ như một sự an ủi, bản thân ông cũng yêu cầu bản Requiem của Gabriel Urbain Fauré khi bước vào ga cuối cuộc đời. 

“Con người cần phải được hỗ trợ bằng hy vọng sống cho đến khoảnh khắc cuối cùng” - những dòng chữ viết năm 90 tuổi của bác sĩ Hinohara nhắc nhở mọi người dù là bác sĩ, người bệnh hay thân nhân, rằng hy vọng sống là điều duy nhất có thể chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn cho con người.

Khánh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI