Môn Toán: Dễ làm trước, khó làm sau
Thầy Kiều Tuấn Hưng - Tổ trưởng tổ toán - tin Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) - lưu ý: lỗi cơ bản mà thí sinh hay mắc phải khi làm bài thi là đọc đề không kỹ, dẫn đến thiếu thông tin hoặc sót dữ kiện cho sẵn. Những lỗi nhẹ như thiếu đơn vị thường chỉ bị trừ 0,25 điểm nhưng nếu thiếu dữ kiện sẽ không làm được bài và mất điểm của câu đó.
Trong 120 phút, thí sinh phải có cách làm hợp lý để tối ưu số điểm. Đó là chọn những câu dễ, có thể làm nhanh để làm trước, đạt khoảng điểm chắc chắn. Những câu khó hơn, cần phân tích sâu, kỹ càng thì để lại cuối cùng. Nếu vẫn không làm được thì mới chấp nhận mất điểm.
Việc này cần thực hiện ngay khi đọc đề. Thí sinh chọn câu hỏi và làm nháp trong vòng 5 phút vẫn chưa có hướng giải quyết khả quan thì nên gác lại.
Để tránh tình trạng tập trung vào câu khó nên mất nhiều thời gian, mất số điểm mà đáng lẽ nên có, thí sinh nên dành khoảng 40-50 phút cho câu hình học - câu hỏi phân loại và khoảng 20 phút cho các câu hỏi thực tế khó. Thời gian 50-60 phút là giải quyết những bài dễ, mỗi câu giải quyết trong khoảng 5-10 phút.
Bởi với cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT TPHCM, có khoảng 50% số điểm dành cho những câu hỏi dễ, đề rõ ràng để thí sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được. Nhưng để đạt từ 6 điểm trở lên, thí sinh cần đọc kỹ đề, ghi chú số liệu rõ ràng để tránh nhầm lẫn qua lại trong khi thực hiện những câu hỏi khó như câu hình học và câu thực tế.
Thời điểm này, thí sinh nên thực hành giải đề để quen với các dạng bài của đề thi. Sở GD-ĐT TPHCM đã gửi bộ đề ôn tập về cho tất cả các trường, thí sinh chỉ cần bám sát để luyện tập. Lưu ý, thí sinh nên canh giờ như lúc thi để phân bố thời gian hợp lý giữa các phần, biết mình đang yếu phần nào để bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho kỳ thi.
Mặt khác, đề thi cũng bao gồm một số ít nội dung thuộc chương trình lớp Sáu, Bảy, Tám nên khi luyện đề, thí sinh sẽ quen mà không cần dành thời gian để học hay ôn lại.
Ngoài đề ôn tập của sở, nếu có nhu cầu, thí sinh nên làm lại đề tuyển sinh của những năm trước hoặc những bài thi học kỳ II của các quận, huyện khác, đã được kiểm chứng về tính chính xác, hợp lý và khá sát với kỳ tuyển sinh.
Mặt khác, thí sinh nên sắp xếp thời gian hợp lý cho 3 môn thi để đảm bảo sức khỏe, số điểm ngang nhau. Môn nào yếu thì luyện tập nhiều hơn chứ không nên quá tập trung vào 1 môn, bởi điểm số của 1 môn không “kéo” được 2 môn còn lại.
Môn Ngữ Văn: Đọc kỹ đề, rõ bố cục
Cô Phan Thị Xuân Hồng - Tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình) - chia sẻ: khi tiếp cận với các tác phẩm văn học, thí sinh phải nắm phương pháp của thể loại, sau đó mới tiếp xúc từng văn bản cụ thể.
Ví dụ, khi học văn bản truyện thì phải nắm được đặc thù của thể loại truyện (tình huống truyện, tình tiết nổi bật, sự việc câu chuyện…). Sau đó mới tìm vẻ đẹp của nhân vật qua những phẩm chất, tình tiết truyện. Cuối cùng là tìm ra tư tưởng, tình cảm, thông điệp mà nhà văn gửi gắm và rút ra những trải nghiệm, bài học cho bản thân.
Nguyên tắc học môn ngữ văn là khích lệ tình yêu gia đình, quê hương, đất nước nên thí sinh có thể đọc thêm những loại sách này để mở rộng kiến thức.
Với nghị luận xã hội, tất cả vấn đề đều xoay quanh một quan điểm cá nhân trong cuộc sống. Từ đó rút ra cách ứng xử, điều chỉnh hành vi, cảm xúc hướng đến giá trị tốt đẹp.
Để làm tốt phần này, thí sinh không chỉ cần đọc sách mà phải xem thông tin thời sự, đọc báo, theo dõi những vấn đề đang xảy ra trong nước hay cả quốc tế, những câu chuyện phù hợp với độ tuổi THCS.
Những lỗi mà thí sinh hay mắc phải khi làm bài thi môn ngữ văn là: đọc đề không kỹ nên không nhận ra nội dung câu hỏi; phần đọc hiểu dễ lấy điểm cao nhưng được dành thời gian quá ít; phần nghị luận xã hội thì phân tích, nhận diện vấn đề không chính xác; phần nghị luận văn học thì đọc không hết đề nên chọn nhầm tác phẩm để phân tích.
Hoặc có thí sinh dồn thời gian cho nghị luận xã hội nhiều, dẫn đến không đủ thời gian giải quyết vấn đề của nghị luận văn học. Phần đọc hiểu là bao gồm cả phần đọc đề mà đề gồm 2 trang nên thí sinh nên dành 20-25 phút để thực hiện, 35-40 phút cho nghị luận xã hội, riêng nghị luận văn học thì dành 60 phút mới kịp nội dung yêu cầu.
Thí sinh nhớ rõ 2 nguyên tắc khi làm bài: làm hết 3 phần của đề thi, làm rõ bố cục của phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nếu muốn nâng lên khung điểm 8, thí sinh cần xây dựng các đoạn văn rõ ràng, có câu chủ đề, câu triển khai, câu chốt đoạn, giữa các đoạn phải có câu chuyển.
Đồng thời thể hiện được hiểu biết sâu rộng của mình. Với nghị luận văn học, khi phân tích phải chú ý đến nghệ thuật. Với nghị luận xã hội, chú ý cách xử lý vấn đề.
Thạc sĩ Võ Kim Bảo - Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - gợi ý: những năm gần đây, đề thi rất mở, mang tính ứng dụng thực tế cao nên văn mẫu không đáp ứng được.
Đề thi đã có sẵn ngữ liệu nên thí sinh không lo phải học thuộc mà chỉ cần làm theo phương pháp, kiến thức đã có thể đạt 8-9 điểm. Với môn ngữ văn, nếu viết dài thí sinh rất dễ lan man, khó đạt điểm cao.
Đặc biệt, thí sinh không nên học theo hay lệ thuộc vào văn mẫu. Khi làm bài thi, nhiều thí sinh không đọc kỹ đề nên lạc đề, viết nguyên theo văn đã học nên điểm cực kỳ thấp.
Đồng thời, thí sinh nên cố gắng làm bài theo thứ tự từ trên xuống dưới, vì đề thi đã sắp xếp các câu từ dễ đến khó, việc đảo vị trí các câu cũng dễ khiến giám khảo chấm sót.
Thí sinh nên ôn tập theo chủ đề, chủ điểm để có thể liên hệ mở rộng sang những bài chung chủ đề khi làm văn để tăng điểm cho bài làm.
Môn Tiếng Anh: Hệ thống hóa kiến thức
Cô Phạm Thị Xuân Oanh - Tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) - khuyên: trong giai đoạn này, thí sinh nên dành thời gian tự học, hệ thống hóa kiến thức thay vì chạy đua học thêm. Việc tự học lại, giải đề sẽ giúp thí sinh nhớ lâu hơn, phát hiện ra những lỗi sai bản thân thường gặp, biết bản thân còn hổng kiến thức chỗ nào để xem lại.
Để học hiệu quả, thí sinh cần phân chia thời gian biểu thông minh. Phương pháp ôn phải đảm bảo theo chương trình trọng tâm lớp Chín.
Trong đó, tập trung đầu tư học từ vựng vì đây là phần rất quan trọng, giúp thí sinh biết cách dùng từ trong từng ngữ cảnh khác nhau. Các em nên học từ vựng theo chủ đề sẽ dễ nhớ hơn.
Khi làm bài thi, thí sinh lưu ý phải viết nét chữ rõ ràng, không được mất nét, không tô xóa, hay viết đè chữ lên nhau, không viết tắt… Đây là những lỗi sai rất phổ biến, dễ khiến thí sinh mất điểm oan uổng.
|
Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười năm 2023 tại điểm Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp) - ẢNH: NGUYỄN LOAN |
Vì là kỳ thi đại trà nên đề thi tập trung nhiều vào kiến thức của chương trình học, phần vận dụng nâng cao rất ít và rải đều từ trên xuống dưới. Thí sinh chỉ cần cẩn thận, đọc kỹ đề hoàn toàn có thể đạt điểm cao. Không được bỏ bất cứ câu nào của đề. 90 phút với môn tiếng Anh rất dài, khi làm bài cần đọc lướt qua toàn bộ đề thi 1 lượt, sau đó làm từng phần.
Nếu gặp câu nào còn phân vân hãy ghi ra giấy nháp rồi tiếp tục làm câu khác. Ở mỗi câu hỏi đều phải đọc thật kỹ và đọc tất cả 4 đáp án, rồi dùng phương pháp loại suy để chọn đáp án đúng nhất, không chọn ngay đáp án nào đó chỉ vì thấy quen mắt.
Với phần đọc hiểu, thí sinh cần đọc lướt qua toàn bộ bài để nắm nội dung chính, sau đó dùng phương pháp loại suy, phân tích và làm từng câu hỏi. Sau khi làm xong, thí sinh nên dành thời gian dò lại toàn bộ bài làm để kiểm tra lại đáp án, cũng như đảm bảo không bỏ sót câu nào.
Lưu ý, sau mỗi môn thi, thí sinh không nên xem đáp án vì dễ làm bản thân mất tập trung cho những môn sau.
Nguyễn Loan - Trang Thư (ghi)