Bí quyết sống thủy chung của người Gia Rai

26/01/2021 - 09:23

PNO - Tỷ lệ ly hôn của gia đình người Gia Rai cực kỳ hiếm, phải chăng do “chế tài” phạt luôn treo trước mắt người dân ý thức về hậu quả, và cái giá phải trả ứng với từng hành động sai trái.

Đừng có giẫm lên chiếu/ Đừng có bước qua cửa phòng người ta/ Cốc nước phải cầm, cái bến phải giữ” - luật tục dân tộc Gia Rai nhắc nhở dân làng gìn giữ mái ấm gia đình như gìn giữ chính nguồn nước, bến nước hết sức quý giá, thiêng liêng.

Câu truyền từ xưa: “Mỗi người đã có một đống củi để sưởi/ một con vẹt để nhìn”. Ham mê sắc dục, vong phụ vợ chồng, ngó nghiêng tơ tưởng hạnh phúc của người khác, nhà khác là một trong những điều cấm kỵ.

Hương ước, quy ước được dân làng - mà đại diện tối cao là già làng lưu truyền, chọn lọc, vận dụng, thực thi như tường rào ngăn chắn những hành động sai trái ngay từ trong suy nghĩ.

Về Chư Prông, Gia Lai những ngày cuối đông mù sương, đã thấy mùa xuân chớm nở trong những tia nắng vàng, và trong nụ cười ấm áp của các già làng người Gia Rai thân thiện, đáng kính. 

Vợ chồng già làng Rơ Mah Chuyn sống hạnh phúc bên nhau và chung tay xây dựng buôn làng thêm đẹp giàu, khởi sắc
Vợ chồng già làng Rơ Mah Chuyn sống hạnh phúc bên nhau và chung tay xây dựng buôn làng thêm đẹp giàu, khởi sắc

“Chế tài” cho họ Sở: heo 40 ký lô

Khi kể về “danh mục” mức phạt cho các vi phạm của dân làng, già làng Kpă Alét (làng Tnao, xã Ia Boòng, H.Chư Prông) cho biết ngày nay pháp luật không cho phép phạt giá trị quá cao như xưa.

Già làng Alét hồn nhiên, hóm hỉnh ví dụ: “Anh kia có vợ rồi, mà thấy cô gái đẹp, rồi thích và theo thì sẽ bị bắt phạt. Như vậy sẽ không dám thích nữa, nếu tái phạm, bị phạt lần thứ hai sẽ nặng hơn. Tùy nơi, tùy làng, mức phạt không đồng nhất nhau, có thể phạt bò, heo, nếp, rượu ghè, ché chiêng… Phạt khiến dân làng “biết sợ”, từ đó sống đàng hoàng, thủy chung. Phong tục tập quán góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Cũng có nơi vợ ngoại tình không bị phạt, chồng ngoại tình sẽ bị trả về nhà mẹ ruột. Những nơi có tục “mua vợ/chồng” thì kẻ thứ ba phải đền bù cho vợ/chồng chính thức một số tiền, miếng đất hoặc con bò…

Trai làng trêu ghẹo gái làng đến có bầu mà “quăng cục lơ”, làng sẽ buộc chàng “Sở Khanh” ấy chịu trách nhiệm, nếu chối bỏ thì bị phạt heo 40 ký, thậm chí phạt bò…

Theo già làng, việc phạt công khai là để “ăn cho hết tức”, sau đó bắt tay, xí xóa chuyện cũ. Thực chất phạt bò, heo đãi liên hoan là dịp tuyên truyền cho cả làng biết đấy là việc xấu, nên tránh xa và khuyến khích những việc tốt, nên làm.

Chế độ mẫu hệ không có nghĩa người phụ nữ Gia Rai không bị chồng bạo hành. Già làng Alét luôn gần gũi khuyên răn người đàn ông trong làng bỏ bớt thói quen uống rượu, cư xử thiếu kiềm chế; khuyên người vợ lựa lời, lựa lúc mà nhẹ nhàng bảo ban, tránh xảy ra căng thẳng, xung đột.

Mô hình gia đình lý tưởng già làng Alét phác họa là: “Vợ chồng ở rẫy về, vợ nấu cơm, chồng quét nhà, ăn cơm xong nằm ngủ bình yên”. Nếp sống êm ấm, thuận hòa của gia đình ông cũng là tấm gương cho dân làng soi vào. Vợ cũ mất vì bệnh phổi, mấy năm sau, ông có vợ mới, các thành viên gia đình vẫn luôn gắn kết, đùm bọc nhau. Vợ chồng ông thỏa thuận chia đất cho các con, cả con riêng của ông, không phân biệt trai gái.

Già làng Kpă Alét với thâm niên làm già làng trên 20 năm bộc bạch, làm già làng phải biết luật và kiên nhẫn phân tích cho dân làng hiểu, giải quyết từ những mâu thuẫn nhỏ. Ông thường xuyên vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, dần xóa bỏ hủ tục lạc hậu: chết chôn chung (đào mồ lên tiếp tục chôn người thân mới chết xuống), thách cưới cao hay tổ chức cưới hỏi, ma chay kéo dài gây tốn kém.

Già làng vận động từng hộ gia đình đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà để giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ sức khỏe… Nhiều năm gần đây, trong làng không còn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; các hủ tục như nghi kỵ ma lai, thuốc thư… được xóa bỏ. 

Già làng và các thầy cô giáo buổi tối đến từng nhà thuyết phục bố mẹ cho con cái tới trường học lấy cái chữ để thay đổi nhận thức, biết cách làm ăn thoát nghèo, không bỏ học theo bố mẹ ra rẫy thu hoạch mì, cà phê… 5 năm trước, cả làng có 41 hộ nghèo và cận nghèo, đến cuối năm 2020 chỉ còn 26 hộ, giảm được 15 hộ. Trong đời sống ổn định, bình an của các gia đình có sự vun đắp nhẫn nại, bền bỉ của vị già làng. Cuối năm 2020, già làng Kpă Alét vinh dự đại diện tỉnh Gia Lai tham dự hội nghị tổng kết phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2015-2020 tại thủ đô Hà Nội.

Vợ chồng già làng Rơ Mah Chuyn là tấm gương sáng về hạnh phúc gia đình cho bà con trong bản
Vợ chồng già làng Rơ Mah Chuyn là tấm gương sáng về hạnh phúc gia đình cho bà con trong bản

Già làng không giữ mình cũng bị phạt 

Không thực hiện hủ tục nối dây (vợ chết, chồng lấy tiếp chị/ em vợ còn độc thân), được nhà vợ đồng ý “bỏ nhà mồ” người vợ quá cố, đại tá Rơ Mah Chuyn (sinh năm 1954, Phó trưởng Công an huyện Chư Prông) đi bước nữa với một cô gái sinh năm 1983, bằng tuổi con thứ hai của ông. Mối lương duyên này do các con chọn lựa cho ông. Nghỉ hưu năm 2014, ông Chuyn được dân làng Xung O - Boong Nga, xã Ia O tín nhiệm bầu làm già làng. 

Già làng không có lương và không ngày nghỉ. Có khi già làng Chuyn vừa đi hòa giải ở xóm trên về lại được tin báo xóm dưới có vụ chồng say xỉn đánh vợ, ông liền đi hỏi han, xác minh. Dù công việc của già làng Chuyn vất vả ngược xuôi, nhưng vợ ông rất tự hào và ủng hộ. Thậm chí, hòa giải xa, đêm hôm, vợ trẻ còn xung phong chở già làng đi tiếp cận.

Người Gia Rai có tính cộng đồng rất cao, không có việc gì là việc riêng của nhà nào. Họ hàng, láng giềng luôn giám sát, nhắc nhở nhau như thể việc của mình. Nên không có vi phạm nào qua được hàng trăm con mắt dân làng. Ví như một vụ lén lút ngoại tình bị phanh phui, người chồng không thể chối tội, phải chịu phạt và ra đi chỉ với “cái quần đùi” nếu vợ không chấp nhận cho cơ hội quay lại. Con cái cũng ở lại với mẹ. Chưa kể kẻ thứ ba cũng phải đền bù theo yêu cầu của vợ chính thức.

Việc “kiểm soát chéo” mới thật lợi hại. Già làng Chuyn đặt trường hợp, nếu mình làm điều gì sai quấy, dù là già làng, vợ vẫn có quyền phạt. Ngược lại, nếu vợ ngược đãi, bỏ bê, đuổi mình đi vô cớ, thì các con của mình có quyền bắt phạt vợ vì không làm tròn trách nhiệm chăm lo cho chồng mà các con đã giao phó.

Tỷ lệ ly hôn của gia đình người Gia Rai cực kỳ hiếm, phải chăng do “chế tài” phạt luôn treo trước mắt người dân ý thức về hậu quả, và cái giá phải trả ứng với từng hành động sai trái. Điều đặc biệt là tính cách vô tư, phóng khoáng, vị tha và không so đo của người Gia Rai cũng làm nền cho cuộc sống tự tại, bình yên, gắn kết. Người phụ nữ thường nắm giữ tiền nong trong nhà, rất dễ đưa tiền cho chồng mà không cần hỏi chồng xài vào việc gì, đem cho ai…

Khi được hỏi: “Trước đây không tìm hiểu, chưa yêu nhau, làm sao già làng và vợ có thể sống hợp khi về một nhà, nhất là với sự cách biệt tuổi tác khá lớn?”, vợ chồng già làng Chuyn đều bất ngờ, bối rối. Bởi với hai người, chẳng có gì gọi là hợp hay không hợp.

“Đơn giản, hai vợ chồng phải đoàn kết, nhượng bộ, cùng nhau lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; kế hoạch trong nhà phải cụ thể, thống nhất cao, chưa đủ khả năng thì làm từng bước, không vội vàng. Muốn làng xóm và gia đình mình hạnh phúc, ổn thỏa thì phải giữ an ninh trật tự; giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là các lễ hội rình rang, tốn kém, hao tổn nặng nề tiền bạc của gia đình rồi dễ gây bất hòa, xáo trộn” - già làng Chuyn đúc kết.

Già làng Kpă Alét chuyện trò cùng dân làng với nụ cười thường trực trên môi
Già làng Kpă Alét chuyện trò cùng dân làng với nụ cười thường trực trên môi

Là người từng nắm giữ vị trí cao trong xã hội, có kinh nghiệm sống, và còn là già làng đầy uy quyền, nhưng bí quyết hạnh phúc của ông cũng tuân thủ nguyên tắc đoàn kết, nhất trí. Ông không lạm quyền mà thường xuyên bàn bạc, trao đổi cùng vợ với tinh thần tôn trọng. Kể cả những tình huống hòa giải rắc rối, đau đầu, ông cũng đem về chia sẻ, hỏi ý kiến vợ để có góc nhìn toàn diện, đa chiều. Lẽ khác, ông mong vợ nghe để tránh xảy ra điều đáng tiếc tương tự. Nhà mình có an vui, bền vững thì tiếng nói của già làng mới thực sự thuyết phục. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI