Bí quyết “sống sót” qua COVID-19

10/04/2020 - 08:03

PNO - COVID-19 là đòn trí mạng song cũng là cơ hội, nếu không thì chẳng biết đến bao giờ mới có thể chuyển đổi thành trường học trực tuyến kiểu Mỹ được.

Ngay từ lúc mới bắt đầu lệnh tạm thời đóng cửa trường học, chúng tôi đã cảm nhận tình hình không ổn nên triển khai ngay lập tức mấy việc:

- Đàm phán trì hoãn việc trả tiền thuê cơ sở. Những ông bà chủ nào không đồng ý thì phải kiên quyết thương lượng. Đây có lẽ là quyết định sáng suốt nhất của ban lãnh đạo từ đầu năm đến giờ. Những chủ nhà nào không đồng ý giảm tiền nhà và miễn luôn đợt này thì quyết tâm đóng cửa ngay lập tức. Đằng nào thì trung bình mỗi tháng cũng phải “đốt’ ít nhất 300-400 triệu đồng/trung tâm. Không ai sống nổi sáu tháng không doanh thu. Giờ mà không đàm phán được thì hết dịch cũng không đàm phán được. Lúc khó khăn nhất của mình mà họ không hỗ trợ thì đừng trông mong gì sau này. Thế là đóng cửa luôn bốn trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM.

- Cắt những bộ phận không hiệu quả và tối ưu hóa nhân sự bằng cách cho kiêm nhiệm ngay lập tức, mỗi người phụ trách thêm một vị trí. Làm thế vừa giữ được nhân viên giỏi, vừa giữ được thu nhập của mọi người không tụt thấp quá. 

- Giữ và tạo mọi điều kiện cho học sinh học được, bằng mọi giá. 

- Chuyển mô hình tối ưu sử dụng cơ sở vật chất. Tận dụng được cơ sở vật chất cả ngày và đêm nên chi phí mặt bằng đỡ được một phần. 

- Chuyển ngay sang học trực tuyến và tối ưu hóa các lớp học. Hệ thống bắt buộc phải nhanh chóng ứng phó bằng cách thay đổi mô hình dạy học từ “offline” sang “online”. Với các chương trình bản quyền học trực tuyến được kiểm định từ Mỹ, chúng tôi đã chính thức chuyển đổi mô hình từ trường học truyền thống thành một trường học trực tuyến kiểu Mỹ. Vì vậy, chúng tôi không chỉ duy trì học viên mà còn có thêm học viên mới.

Trong những tháng mà nhiều nơi giảng viên và cả người học phải ngồi chơi thì mấy ngàn học sinh sắp học xong khóa đầu. Để triển khai mô hình trường học trực tuyến thì bộ phận quản lý và trợ giảng đóng vai trò quan trọng, luôn sát cánh cùng người học để bảo đảm học sinh học nổi và học hiệu quả. Chia sẻ một chút, tôi cũng là phụ huynh, mỗi ngày nhận được 5-10 cuộc gọi nhắc con học đúng giờ, làm bài đúng giờ cũng phát điên lên, nhưng sau lại trân trọng vì con mình cũng như bao đứa trẻ khác, không giục thì không làm.

Kết quả là chúng tôi sống sót. Có người học - có nguồn thu, tiền đã bắt đầu cân bằng đủ trả lương cho nhân viên, chỉ còn bù lỗ một phần tiền nhà và phát triển thị trường. Và quan trọng nhất, bài học từ trận dịch này giúp hệ thống nhận ra và đoạn tuyệt với mô hình truyền thống tốn kém, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chủ nhà.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, CEO Tổ hợp giáo dục EQuest Group

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI