Bí quyết nuôi dưỡng mối quan hệ

24/06/2024 - 12:36

PNO - Con người luôn sống trong các mối quan hệ - mối quan hệ với chính bản thân mình, với người thân trong gia đình, với bạn đời, bạn bè và cả các mối quan hệ nơi học tập, công tác… Có một số bí quyết để bạn nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh với người xung quanh.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngày nay, việc kêu gọi “quay về bên trong”, “hãy biết yêu thương chính mình để sống hạnh phúc” có lẽ đã dần trở nên quá quen thuộc. Hành trình sống thật, sống an vui là điều không ít người theo đuổi. Thế nhưng, trên hành trình ấy, có bao giờ ta tự hỏi, khi yêu thương chính mình, phải chăng ta có thể bỏ qua những người xung quanh, mặc kệ, không cần quan tâm? Không phải vậy.

Con người luôn sống trong các mối quan hệ - mối quan hệ với chính bản thân mình, với người thân trong gia đình, với bạn đời, bạn bè và cả các mối quan hệ nơi học tập, công tác… Chất lượng của các mối quan hệ này ảnh hưởng sâu sắc đến hạnh phúc của mỗi người. Khi chúng ta có mối quan hệ lành mạnh với những người thương yêu, với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, chúng ta càng có khả năng phục hồi, kiên định và bền chí cao hơn, từ đó, chúng ta an lạc hơn.

Thông thường, chúng ta có xu hướng nghĩ, để xây dựng và nuôi dưỡng một mối quan hệ, ta cần phải có mặt mỗi khi người đó gặp chuyện bất như ý. Khi người thương gặp thất bại, khi con cái không đạt thành tích tốt, khi nhân viên gặp khó khăn trong công việc, khi sếp bị cấp trên la mắng… ta nghĩ đó là những lúc ta nên ở bên họ. Phải, nhưng chưa đủ.

Tiến sĩ tâm lý Shelly Gable của Đại học California Santa Barbara đã chỉ ra rằng, việc ta ở bên cạnh những người quan trọng của mình khi họ gặp chuyện vui cũng quan trọng không kém. “Bạn có ở cạnh tôi khi mọi việc suôn sẻ thuận lợi không?”. Thoạt nghe, đáp án cho câu hỏi này tưởng chừng đã khá rõ ràng. Ở bên cạnh người khác khi mọi sự như ý chẳng phải quá dễ dàng sao? Bạn hãy thử nhớ lại lần gần nhất khi người khác chia sẻ chuyện vui với bạn, bạn đã phản ứng như thế nào?

Qua nghiên cứu của tiến sĩ Shelly, có 4 cách mọi người thường phản hồi trong các cuộc hội thoại, tôi tạm gọi là “3 đừng - 1 nên để nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh với người xung quanh”.

Đừng làm kẻ giết chết cuộc hội thoại

Đi làm về, người thân của bạn hăm hở định kể cho bạn nghe một chuyện vui trong ngày. Do còn bận việc riêng hoặc đang mệt, đang chán, bạn đáp lại cho qua chuyện. Câu chuyện cũng vì thế ngưng lại, người kể mất hứng để kể tiếp.

Đôi khi chúng ta rơi vào trường hợp này bởi ta tin rằng mình có thể tập trung lắng nghe sau vài phút, vài giờ hoặc thậm chí vài ngày. Thế nhưng, khi ta sẵn sàng thì người kia đã không còn hào hứng để chia sẻ nữa và họ cũng không còn nhu cầu. Điều quan trọng ta đã bỏ lỡ chính là giây phút họ cần ta để cùng chia sẻ niềm vui và việc “bỏ lỡ” những phút giây quan trọng ấy, khi tích tụ lại, có thể sẽ xây nên bức tường ngăn trở đôi bên thân thiết.

Đừng cướp cuộc hội thoại

Khác với cách phản hồi kể trên, người nghe trong trường hợp này không “giết chết” cuộc hội thoại mà họ chỉ cướp “spotlight” của người chia sẻ niềm vui thôi. Khi ai đó mang chuyện vui đến kể cho ta nghe, thay vì lắng nghe và khơi gợi cho người kể nói tiếp, ta lại nhân dịp này để thao thao về chuyện vui của mình.

Đôi khi không phải ta cố tình làm vậy. Có thể chuyện vui của người ta làm ta nhớ đến chuyện tương tự của chính mình và ta cũng có nhu cầu chia sẻ. Đôi khi điều người ấy đang kể khiến ta ghen tị và ta muốn chứng tỏ mình cũng không hề thua kém bằng cách kể câu chuyện khác. Kết quả là ta có thể nhất thời thỏa mãn vì kể được câu chuyện của mình, nhưng người kia sẽ dần mất đi hứng thú chia sẻ niềm vui cùng ta nếu điều tương tự cứ lặp lại.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Đừng làm kẻ trộm niềm vui

Không giống cách phản ứng trong 2 trường hợp trên, “kẻ trộm niềm vui” thường làm cho người kể mất hứng hoặc lo lắng bằng cách đưa ra những mặt tiêu cực của vấn đề họ vừa chia sẻ. Xuất phát điểm của cách phản ứng này có thể do ta cho rằng mình phải có trách nhiệm bảo vệ người kia, cần giúp họ nhìn rõ hết thảy các khía cạnh của vấn đề, rằng mình không muốn họ phải thất vọng về sau, nên ngay lúc này đây, mình cần hạn chế việc họ quá vui vẻ. Hậu quả của cách phản ứng này có thể dẫn đến sự ngờ vực, hờn giận và mất kết nối giữa người nói và người nghe.

Nên làm người nhân lên niềm vui

Từ tên gọi “người nhân thêm niềm vui” đã thể hiện đây chính là “chân ái” trong hội thoại. Khi người kể mang đến chuyện vui, ta gạt sang bên những gì mình đang làm và tập trung 100% cho câu chuyện của họ. Hơn thế nữa, ta không chỉ nghe thụ động mà còn chủ động đóng góp, khơi gợi để họ chia sẻ thêm. Bằng cách lắng nghe chú tâm, ta góp phần làm nhân đôi, nhân ba, nhân n lần niềm vui, vì thế đôi bên càng vui và càng gắn kết.

Quay trở lại câu hỏi của tiến sĩ Shelly - “Bạn có ở cạnh tôi khi niềm vui đến?”, chúng ta hãy thử rà lại xem, ta thường phản ứng trước những tin vui của người khác như thế nào. Hãy thử dành ít thời gian để xem bản thân đang nằm trong nhóm nào và cùng cố gắng hướng đến cách phản hồi phù hợp để yêu thương chính mình đúng cách và củng cố, nuôi dưỡng những mối quan hệ ta quý trọng ngày càng vững bền, nhé.

Trang Phùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI