Bí quyết giữ hôn nhân hơn 10 năm luôn tươi mới của giám đốc phu nhân "mát tay" nội trợ

04/11/2016 - 11:30

PNO - Nhiều người cho rằng ở nhà làm nội trợ là tẻ nhạt, nhưng chị lại thấy đó là một "nghề" thú vị và rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại.

Chị quan niệm, chỉ cần khéo sắp xếp, người phụ nữ có thể chăm lo tốt cho gia đình mà bản thân vẫn còn có những khoảng trời riêng, luôn tươi mới.

“Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp...”

Bạn bè chung lớp thường bảo anh Trần Phước Ngọc và chị Dương Lê Như (Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) có tướng… phu thê. Hai người quen nhau trong một lớp ngoại ngữ. Chị nổi bật nhờ gương mặt phúc hậu, đôi mắt bồ câu trong vắt, nụ cười rạng ngời, đôi má lúm đồng tiền rất duyên. Anh khôi ngô, học giỏi, chững chạc cũng được không ít cô để ý.

Vậy mà chị phớt lờ anh. Trong mắt cô nữ sinh 17 tuổi ngày đó, những anh chàng có vẻ nghệ sĩ, lãng tử mới đáng để con tim người đẹp “rung rinh”. Quyết theo đuổi bằng được, anh tìm mọi cách tiếp cận. “Mưa dầm thấm sâu”, chị dần cảm mến rồi yêu anh lúc nào không hay.

Chưa kịp mừng thì anh đã vấp ngay một thử thách khác khi ra mắt cha mẹ chị, vì ông bà vốn rất khó tính. Những ngày đầu, sau giờ tan sở là anh ghé nhà chị, ngồi nói chuyện với… hai bác. Sự căng thẳng ban đầu dần cũng qua, anh xem việc đó là niềm vui, ngày nào không ghé cũng… bồn chồn. Thay vì sốt ruột tìm cách “giải cứu” người yêu, chị lại để mặc anh chịu trận, vì cha mẹ vốn nhiều trải nghiệm, nhìn người cũng chính xác, sâu sắc hơn.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, anh “trồng cây si” hơn bốn tháng mới được cha mẹ chị chấp nhận, hai người chính thức hẹn hò, đưa đón nhau mỗi ngày. Gần một năm sau anh cầu hôn, chị gật đầu cái rụp, dù không ít bạn bè ngạc nhiên vì chị lấy chồng quá sớm (chị 18, anh 27). Chị lém lỉnh giải thích: “Đơn giản là thấy người đàn ông tốt như anh mà từ chối thì uổng phí!”.

Bi quyet giu hon nhan hon 10 nam luon tuoi moi cua giam doc phu nhan
Ba cha con cùng nhau làm bánh.

Về chung một nhà, có con, bao điều mới mẻ khiến vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn, phát sinh mâu thuẫn. Chị ở nhà làm nội trợ, đồng thời mở một cửa hàng kinh doanh nhỏ. Anh làm trong ngành hàng không, thường đi sớm về khuya, tiếp xúc toàn các nàng xinh đẹp nên không ít lần chị nổi máu Hoạn Thư.

Không khí gia đình thường xuyên căng thẳng. Đáp lại, anh chỉ im lặng hoặc tránh đi nơi khác; đợi vợ nguôi mới tìm cách giải thích và phân tích cho vợ hiểu. Ngoài giờ đi làm, anh tranh thủ phụ vợ việc nhà, chăm con hoặc đưa cả nhà đi ăn, dạo phố. Theo thời gian, vợ chồng hiểu nhau hơn, xung đột dần tiêu tán. Nghĩ lại, chị cũng công nhận cách cư xử của anh rất khéo, nếu không có lẽ vợ chồng đã chẳng sống được với nhau đến giờ.

Anh chia sẻ: “Trong gia đình, vợ hoặc chồng phải có người nhu, nếu cả hai đều cương thì sẽ đổ vỡ. Tôi trải nghiệm nhiều nên phải giúp vợ trưởng thành hơn”. Sau hai năm kết hôn, anh thành lập công ty riêng tên Như Ngọc, chuyên lĩnh vực bất động sản và thương mại. Từ một gian phòng làm việc nhỏ ban đầu, đến nay công ty đã lớn mạnh, chuyển cơ ngơi về Phú Mỹ Hưng, cách nhà anh chị chỉ khoảng 1km.

Bếp ấm, vườn vui

Làm ông chủ, tuy bận rộn nhưng anh vẫn chủ động sắp xếp thời gian dành cho gia đình. Từ ngày sinh thêm bé nhỏ, chị “khoán” luôn con trai lớn cho chồng từ chuyện vệ sinh cá nhân, ăn uống đến vui chơi giải trí. Nhiều việc tưởng chừng làm không xuể nhưng anh làm cứ… “gọn ơ”.

Anh giao kèo với vợ , dù bận rộn mấy cũng phải về ăn cơm nhà. “Cơm vợ ngon quá mà! Ngày xưa tôi nghĩ cô ấy là tiểu thư, không giỏi việc nhà, ai ngờ hẹn hò rồi mới biết nàng nấu ăn ngon lại rất đảm đang. Thế là cưới ngay, kẻo mất” - anh nháy mắt.

Không chỉ là người chồng giỏi giang, anh còn rất tâm lý, luôn khuyến khích vợ theo đuổi đam mê. Được chồng hỗ trợ, chị tự tin thực hiện những dự định từng ấp ủ của mình. Chị hướng đến mẫu người phụ nữ nội trợ hiện đại, không chỉ vùi đầu vào căn bế p mà phải ra ngoài để mở mang hiểu biết.

Khéo tay, tỉ mỉ, chị học nghệ thuật làm hoa rồi mở một cửa hàng chuyên về hoa đất sét Nhật Bản. Bên cạnh đó, tay nghề nấu ăn của chị cũng ngày càng được nâng cao. Mỗi lần “ra lò” món mới, chị chụp hình đăng lên một album riêng trên trang cá nhân khiến nhiều người không khỏi xuýt xoa, hào hứng đặt hàng.

Có những ngày, chị “tối mắt tối mũi” trong bếp để kịp làm đồ ăn giao cho khách. Trước tình trạng an toàn thực phẩm hiện nay, chị cố gắng học hỏi và tự làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho cả nhà.

Bi quyet giu hon nhan hon 10 nam luon tuoi moi cua giam doc phu nhan
Chị Lê Như thu hoạch rau quả trên sân thượng

Chị mát tay trồng trọt. Hơn tám năm nay, sân thượng rộng hơn 300m2 ở nhà chị là khu vườn “thập cẩm” rau, củ, quả. Chị trồng cây từ mô hình chuyên nghiệp đến thô sơ, chai nước suối, lon bia cũng được tận dụng để trồng hành, ngò, ớt. Vườn nhỏ, thiếu đất nhưng chị vẫn cố trồng bằng được những loại cây chị thích: khế, ổi, cóc, mận.

Đây cũng là góc giải trí của cả nhà. Chiều chiều, ông bà ngoại, mấy cha con lên vun tưới và bắt sâu; ngẫu hứng còn bày tiệc nướng rồi mang guitar ra, cha đàn, con hát. Hỏi bí quyết giữ hôn nhân hơn 10 năm qua của vợ chồng luôn tươi mới, chị tự hào nói về cuộc hôn nhân hạnh phúc của cha mẹ như tấm gương sáng cho vợ chồng chị.

Thời hiện đại, rất khó để con cái chấp nhận sống cùng cha mẹ, nhưng anh Ngọc lại chọn sống nhà vợ. Nguyên do, chị là con một. Ngoài ra, theo anh, sống chung với cha mẹ vợ, anh học được nhiều điều từ công việc, cách đối nhân xử thế… Hễ vợ chồng có chuyện lục đục là cha mẹ đứng ra hòa giải, tìm cách để hai con giải quyết vấn đề sao cho tốt nhất.

Tam đại đồng đường có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn vì khoảng cách thế hệ. Chị phân tích, so sánh các phương pháp để tìm tiếng nói chung với ông bà. Vợ chồng chị cũng thường xuyên thảo luận cách dạy con ở từng độ tuổi, từng tình huống cụ thể.

Mỗi tuần, anh chị còn dành thời gian đưa các con tham gia những buổi dã ngoại. Về quê nội, các bé được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như câu cá, soi ếch, bắt còng, lùa vịt ngoài đồng. Thi thoảng, cả nhà du lịch xa, chị cho các bé học về địa lý, du lịch và ẩm thực từng vùng miền. “Không nhất thiết là đi đâu, chỉ cần được đi cùng nhau và sau mỗi chuyến đi, các bé mở mang thêm được kiến thức thì ông bà, cha mẹ chẳng mong gì hơn” - chị chia sẻ.

Kim Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI