Bí quyết bất ngờ giúp bữa cơm không còn là áp lực

16/02/2022 - 06:00

PNO - Từ ngày có chiếc bảng, không khí bữa cơm khác hẳn vì mỗi người đều chờ đợi để thưởng thức món ăn mình chọn, không có tiếng mè nheo than thở.

Có một thời gian, tôi không còn cảm hứng để vào bếp nấu ăn. Nghĩ đến công sức mình bỏ ra để chuẩn bị một bữa cơm tươm tất cho gia đình lại nhận được thái độ thờ ơ của chồng con, tôi ngán ngẩm. Bữa ăn thường bắt đầu bằng tiếng thở dài của đứa trai lớn: “Lại ăn trứng nữa” và tiếng mè nheo của con út: “Con không ăn cá đâu”, kèm theo đó là tiếng chồng uể oải: “Không có rau gì ngoài rau cải hả em”. 

Tôi không biết phải nấu món gì để hợp ý mọi người, trong khi tính toán cân bằng tỷ lệ rau củ, cá, thịt trong mỗi bữa đã rất đau đầu. Nhiều lúc, không kiềm chế được, tôi bật ra lời trách móc chồng con vô ơn, đã nấu cho ăn rồi còn đòi hỏi. Ba bố con nghe thế, không ai nói gì, lặng lẽ ăn cơm thật nhanh để rời bàn. Sau bữa cơm, một mình tôi loay hoay dọn dẹp thức ăn thừa, vừa bực vừa tiếc của. Cái vòng lẩn quẩn của bữa cơm gia đình khiến niềm vui vào bếp của tôi bị dập tắt.

Khi tôi chia sẻ tâm sự của mình lên nhóm các chị em thích nấu nướng, hóa ra nhiều gia đình cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngoài các bình luận than thở chung nỗi niềm thì có một ý kiến ngược chiều: “Đôi lúc phải nhìn lại mình, nếu như các món ăn mình nấu không hợp khẩu vị mà ép người khác ăn là một cực hình đó”. Nhiều người tranh cãi gay gắt, cho rằng phụ nữ đã vất vả nấu nướng cho gia đình thì đáng nhận được lời khen hơn là chê trách. Nhưng tôi lại nghĩ khác, đúng là chưa bao giờ tôi chiều theo ý chồng con trong chuyện ăn uống.

Bởi những món chồng con ưa thích đều trái ngược với tiêu chuẩn sức khỏe dinh dưỡng mà tôi đang áp dụng. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Các con tôi thích ăn món nướng, chiên, rán trong khi tôi chỉ luộc, hấp. Chồng tôi ưng ăn các món kho đậm đà, cay nóng, nhưng tôi chỉ nấu đơn giản, hạn chế gia vị mặn và cay vì sợ không tốt cho sức khỏe. Gia đình tôi ăn hoàn toàn ở nhà cả ba bữa, hiếm khi đi ăn ngoài trừ trường hợp mời khách. Mỗi lần được ra ngoài ăn, chồng và con tỏ ra hào hứng trong khi tôi băn khoăn dò xét về chất lượng vệ sinh thực phẩm. 

Chồng bảo: “Cái gì cũng phiên phiến thôi, cả ăn uống cũng vậy, cơ bản là ăn ngon đã, tốt tính sau”. Ngẫm nghĩ lại lời chồng cũng có phần đúng, muốn ăn ngon miệng thì phải thích đã. Tôi tính sẽ họp gia đình để lắng nghe ý kiến của ba bố con về chuyện ăn uống nhưng nghĩ lại làm thế thì căng thẳng quá, khó có thể nói thành lời, mà cũng chưa chắc đã nghĩ ra thích ăn món gì cụ thể.

Cuối cùng, tôi quyết định mua một chiếc bảng trắng nhỏ treo ở bếp, tôi ghi tiêu đề thực đơn của một tuần sắp tới nhưng để trống rồi ghi chú: “Ai muốn ăn gì thì tự điền nhé”. Ba bố con háo hức đề xuất món yêu thích để mẹ “xét duyệt”, tùy vào từng ngày tôi sẽ thêm những món còn lại. Hôm nay ăn món gà chiên mắm tỏi yêu thích của con lớn, thì hôm sau sẽ ăn món tôm chiên xù do con út lựa chọn. Đặc biệt, bữa sáng không còn điệp khúc “cháo, bún, phở, xôi” mà đan xen vào các món được yêu cầu như mì Ý, bánh hamburger, cơm cuộn, mì cay…

Từ ngày có chiếc bảng, không khí bữa cơm khác hẳn vì mỗi người đều chờ đợi để thưởng thức món ăn mình chọn, không có tiếng mè nheo than thở. Chiếc bảng nhỏ còn là nơi thổ lộ cảm xúc khó nói của ba bố con, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy những dòng chữ “món gà nướng ngon tuyệt”, “cảm ơn mẹ nhiều”, “mẹ ơi, con muốn ăn pizza”… Chiếc bảng cũng ghi những lời nhắn, nhắc nhở của cả nhà, thật dễ thương. 

Buổi sáng cuối tuần, ba mẹ con ngủ dậy muộn, bố đi ra ngoài, không quên viết lên bảng: “Bố đi đám cưới, trưa không ăn cơm”. Hay cậu út nhắn anh cả: “Trưa nay Minh đi học sớm, anh Hai rửa bát nhé”. Ngày nào tôi đi làm về muộn sẽ ghi chú cách nấu món mới lên bảng để ba bố con tự nấu. Nhờ chiếc bảng tôi biết được sở thích của chồng con để cân bằng việc ăn uống của cả nhà. Giờ đây mỗi bữa cơm không còn là một trận chiến cảm xúc, chỉ có tiếng cười vui vẻ. 

Nguyên An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI