Bị quấy rối và sự quay lưng đáng sợ của đồng nghiệp

23/04/2018 - 19:00

PNO - Tôi muốn kể với đồng nghiệp hoặc mail nặc danh cho sếp tổng báo cáo sự việc. Nhưng tôi lại sợ, họ sẽ nghĩ tôi mới chính là đứa hư hỏng, mồi chài sếp.

Dạo trên mạng xã hội, tôi vô tình đọc được bài báo . Đọc bài viết mà tôi thấy rùng mình vì những gì đề cập quá chân thực. Đó là 1 trong những góc khuất ở nhiều tòa soạn báo trước đây và hiện nay. Và đó cũng chính là một phần câu chuyện mà tôi đã từng trải qua trong cuộc đời làm báo “sớm nở tối tàn” của mình.

Các bạn ạ, thời sinh viên tôi khao khát được bước vào nghề báo, khao khát được khổ luyện trong những chuyến đi viết bao nhiêu thì sau khi mới chỉ vào nghề và vấp phải cú sốc dưới đây, tôi đã quyết rời bỏ nghề này cho dù vẫn còn yêu nghề rất nhiều.

Tôi chợt nhận ra, nghề báo chỉ mang lại cho tôi những vất vả, tai tiếng xấu và cả một quá khứ nhơ nhớp trong mắt đồng nghiệp mà tôi chưa bao giờ quên được.

5 năm trước, tôi là một cô phóng viên trẻ mới 25 tuổi. Mới ra trường nên tôi mon men xin được vào tập sự tại một tòa soạn báo. Có thể nói, nhân sự tập sự việc gì cũng đến tay, bị cướp công sức nhưng tôi không nề hà mọi việc. Cũng chính sự năng nổ, chịu khó của mình, tôi đã được các anh chị trưởng ban đề xuất ký hợp đồng 3 tháng, 6 tháng rồi ký hợp đồng 1 năm.

Bi quay roi va su quay lung dang so cua dong nghiep

Những lần bị sếp gọi vào như vậy, tôi rất sợ. Ảnh minh họa.

Cuộc sống của một phóng viên trẻ dù thân gái phải đi xa tác nghiệp đêm hôm hoặc xa nhà nhưng tôi không nản chí. Chỉ tới một ngày, một vị sếp phó tuổi ngũ tuần đột nhiên được phân về công tác tại tòa soạn thì mọi chuyện bị đảo lộn hết.

Là người nghiêm túc và chưa bao giờ “thả thính” bất cứ sếp nào tại tòa soạn, nhưng chẳng hiểu sao từ lúc vị sếp phó này cứ chú ý đến tôi, quan tâm đến tôi. Nhiều khi đang mải miết làm việc, tôi lại bị sếp phó cho người gọi vào phòng riêng chẳng vì lý do gì chính đáng. Khi thì vào phòng sếp hỏi tôi vài câu về công việc hôm nay. Khi thì sếp gọi vào phòng sếp chỉ để hỏi tôi nghĩ gì về bức tranh sếp mới mua hay bài viết sếp vừa hoàn thành…

Những lần bị sếp gọi vào như vậy, tôi rất sợ. Nhưng tôi vẫn phải miễn cưỡng đi vào phòng sếp vì không dám trái lời. Và lần nào vào phòng, tôi cũng run bần bật. Bởi sếp bắt tôi đứng gần sếp, ngồi gần sếp. Hoặc có lúc sếp chủ động sờ tay, sờ chân, sờ soạng cơ thể tôi. Sếp còn bảo, có khó khăn gì trong công việc cứ nói với sếp, sếp sẽ tạo điều kiện và giúp đỡ hết sức.

Thật sự, thấy sếp sàm sỡ và “dê già” nhân viên ngay tại tòa soạn như vậy, một cô phóng viên non nớt như tôi rất sợ hãi mà chẳng biết làm sao. Tôi muốn kể với đồng nghiệp hoặc mail nặc danh cho sếp tổng báo cáo sự việc. Nhưng tôi lại sợ, họ sẽ nghĩ tôi mới chính là đứa hư hỏng, mồi chài sếp. Vì sếp nhìn bên ngoài đứng đắn, chững trạc như vậy thì không thể nào có hành vi đồi bại như mỗi lúc gọi tôi vào phòng riêng được.

Biết tôi còn độc thân, sếp còn thường xuyên nhắn tin buổi tối cho tôi bằng những lời dâm dục. Hay những đợt cả tòa soạn đi hát karaoke, liên hoan, sếp đều nhắn tin bảo tôi chờ ở đâu đó rồi đi cùng sếp qua đêm. Vì sợ mọi người phát hiện, tôi phải tắt điện thoại đi, coi như tôi không biết tin nhắn trên sếp gửi đến.

Nhưng vì nhiều lần thấy tôi luống cuống, sợ hãi như vậy nên đồng nghiệp cũng để ý. Trước mặt sếp, họ khen tôi là phóng viên năng động, chăm chỉ, sáng tạo. Sau lưng tôi, họ thêu dệt tôi cặp kè với sếp khắp tòa soạn, chửi rủa, chê bai tôi là quý phi riêng của sếp.

Còn với sếp phó kia, khi không sai khiến được tôi làm theo ý muốn của sếp, không làm theo lời sếp sai bảo, sếp “trở mặt” với tôi nhanh hơn gió. Trong cuộc họp giao ban nào vào sáng thứ 3 hàng tuần ở tòa soạn, sếp cũng soi mói, bới móc bằng được 1 lỗi nào đó của tôi trong công việc để “hạ bệ”, sẵn sàng nói tôi chẳng ra gì. Vì điều này mà cuộc sống của tôi thời điểm đó vô cùng ngột ngạt. 

Mỗi khi đến tòa soạn, tôi chỉ muốn làm xong việc để trở về nhà mà chẳng được yên thân. Tôi mệt mỏi, mất phương hướng vì quá nhiều lời xì xào sau lưng của các đồng nghiệp. Họ thản nhiên buông những lời phán xét sau lưng hoặc nói thẳng vào mặt tôi những từ ngữ ghê tởm “ai bảo làm phòng nhì của sếp không thành”, “Trèo cao ngã đau”, “chắc nó cũng thích”, “sao đổi ngôi rồi”, “tham vọng nhiều thì ráng chịu”… Nói chung, họ chẳng cần biết tôi và sếp xảy ra chuyện gì hay tôi mới chính là nạn nhân quấy rối của sếp. Họ cứ nói những lời như sát muối vào lòng tôi.

Quá ngột ngạt khi bị mọi người ở tòa soạn “tình quay gót” và xa lánh, khinh rẻ, tôi quyết định nghỉ việc đột ngột trong sự im lặng đáng sợ ở tòa soạn. Không một ai đứng về phía tôi ngoài những phóng viên trẻ thấp cổ bé họng.

Đến nỗi, phải sau 3 tháng nghỉ việc, tôi mới dần quên đi ám ảnh bị sếp quấy rối và những lời cay nghiệt, sự quay lưng của đồng nghiệp. Tôi bắt đầu lại ở lĩnh vực hoàn toàn mới – lĩnh vực marketing vì không muốn bước tiếp vào vết nhơ bẩn thỉu vừa trải qua.

Bi quay roi va su quay lung dang so cua dong nghiep

 Tôi quyết định nghỉ việc đột ngột trong sự im lặng đáng sợ ở tòa soạn. Ảnh minh họa.

Hiện, quá khứ ấy đã trôi qua được 5 năm nay nhưng mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn kinh tởm. Cũng may ngày đó, tôi chưa sợ hãi và yếu mềm đến mức chịu làm theo mệnh lệnh “lên giường” với lão sếp già ấy. Lúc này, tôi đang làm trợ lý đắc lực của một ông sếp nước ngoài. Nhưng tôi vui vì công việc là công việc, không có liên quan gì đến quần áo son phấn, gia đình nhà cửa hay sợ hãi vì bị sếp quấy rối tình dục như trước.

Sau công việc, thời gian hoàn toàn là của tôi, tôi thích làm gì làm, sếp hay đồng nghiệp bất khả xâm phạm... Tôi cũng không bị sếp soi mói, dèm pha, lo bị đồng nghiệp chơi đểu, nói xấu mặc dù công việc rất áp lực. Tôi vui vì thu nhập xứng đáng với những gì mình làm và có môi trường làm việc tốt chứ không phải đi làm ở tòa soạn lương ba cọc ba đồng mà ngày nào cũng lo bị sếp gọi vào phòng riêng...

Vân Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI