edf40wrjww2tblPage:Content
Thực tế cho thấy, QRTD gây không ít thảm cảnh cho nạn nhân. Hành vi đồi bại này xảy ra khắp nơi, mọi lĩnh vực, từ công sở, công trường, nhà máy sản xuất, cơ sở khám chữa bệnh, đến trường học, nơi công cộng...
Chị H.T.N. (Q.12) đang bị thầy lang sờ ngực “trị bệnh” đau nhức
ĐỦ KIỂU QUẤY RỐI
Chiều 22/5, chị H.T.N. (ngụ KP.7, P.Thới An, Q.12, TP.HCM) cho hay, chị vừa gửi đơn tố giác đến Công an P.8, Q.Gò Vấp - nơi xảy ra vụ việc về hành vi QRTD của một thầy lang tại phòng khám bệnh từ thiện.
Chị N. kể: “Do lao động tay chân mỗi ngày nên các ngón tay của tôi thường tê cứng. Đến bệnh viện khám, bác sĩ bảo bị viêm ống cổ tay khiến các dây thần kinh chèn nhau cần phẫu thuật. Vì ngại phải mổ, nghe lời một người quen giới thiệu, khoảng 12g ngày 20/4, tôi tìm đến nhà ông T.X.Tr. (nằm trong con hẻm đường Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp).
Nơi đây là cơ sở khám chữa bệnh từ thiện, với tấm bảng ghi chữa bệnh miễn phí từ đau xương, khớp đến tiểu đường, ung thư… Lúc tôi đến, nhà chẳng có ai, ông Tr. mời vào phòng hỏi han rồi dùng tay ấn huyệt từ chân, tay, vai đến đầu, cổ, lưng và ấn rất mạnh. Ấn đến phần vai, ông đột ngột dùng hai tay sờ vào phần ngực, tôi hoảng hồn đẩy ông ra và vội lấy xe ra về”.
Vì bức xúc và lo ngại ông Tr. sẽ tái diễn hành vi này với nhiều bệnh nhân nữ khác, chiều 22/4, chị N. quay lại, tiếp tục nhờ ông Tr. chữa bệnh. Lần này, ông Tr. không chỉ tái diễn hành vi sờ ngực mà còn “tích cực” hơn. Cả quá trình quấy rối ấy được chị N. dùng điện thoại quay lại. Băn khoăn gần một tháng trời, chiều 22/5, chị N. quyết định mang chứng cứ đi tố giác.
“Khả năng nhiều phụ nữ khác khi đến đấy cũng bị ông Tr. sàm sỡ, nhưng vì ngại và không có chứng cứ nên họ đành im lặng. Bản thân tôi cũng cân nhắc nhiều, nhưng nếu im lặng mãi chẳng khác nào dung dưỡng cho hành vi xấu trên nên tôi quyết định tố giác”, chị N. chia sẻ.
Nói về hiện tượng QRTD trên xe buýt, anh V. - cán bộ của Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM, cho biết: Liên hiệp từng nhận nhiều cuộc điện thoại phản ánh tình trạng nữ sinh bị QRTD. Các đối tượng lợi dụng tình trạng đông đúc, chen lấn để cọ xát cơ thể hoặc ôm eo, sờ mông các nữ sinh khiến các em rất sợ, nhưng lại không dám lên tiếng. Ngay khi nhận thông tin, Liên hiệp đã yêu cầu tài xế, tiếp viên một số tuyến có đông sinh viên cần tuyên truyền và giúp các em cảnh giác khi khách đông.
Không chỉ vậy, tình trạng QRTD thường xuyên xảy ra ở các hồ bơi. Tại các phòng thay đồ dành cho nam, đối tượng đồng tính thường lảng vảng, đưa mắt nhìn chăm chú vào cơ thể người khác, thậm chí nhiều đối tượng còn tiếp cận, tấn công ngay trong phòng thay đồ.
Nhắc lại chuyện bị người đồng tính QRTD, anh N.V.H. (ngụ H.Hóc Môn) sởn gai ốc, kể: “Một lần đi bơi tại hồ bơi thuộc Q. Tân Bình, đang loay hoay trong phòng thay đồ, tôi bất ngờ bị một thanh niên thân hình vạm vỡ xông vào và bất ngờ sờ bóp hạ bộ. Chưa kịp phản ứng thì tôi bị thanh niên này bóp miệng, may mà tôi kịp thời đạp mạnh anh ta rồi vùng chạy”.
BÍ LỐI KIỆN THƯA
Nước mắt sụt sùi, chị Nguyễn Tú A., sinh năm 1980, ngụ Q.7, TP.HCM níu tay phóng viên hỏi với cảm giác tuyệt vọng: “Bây giờ em phải làm sao?”. Năm 2013, khi chuyển từ công ty cũ về một tập đoàn đa quốc gia làm việc, chị A. chưa kịp vui mừng thì ngay ngày đầu tiên đi làm, đã bị N.H.N. (32 tuổi, trưởng phòng kinh doanh của tập đoàn) kéo vào lòng hôn lên tóc. Sững sờ, A. đẩy N. ra và từ đó hễ thấy anh ta ở đâu, A. đều tránh né.
Chị lo sợ nhất khi phải vào phòng sếp trình giấy tờ vì những lần như vậy N. đều kéo tay A., sàm sỡ đủ kiểu. Điều khiến A. bất ngờ nhất là khi chị phản kháng, anh này lại lấy máy di động, mở hình ảnh đã sờ soạng người A. những lần trước để khống chế cô. A. đau khổ, đi tố cáo, công an hỏi về bằng chứng, cô không có gì chứng minh.
Sau đó chị A. được bạn bè “bày mưu” ghi âm lại các cuộc trò chuyện giữa hai người, ghi hình cảnh N. quấy rối. Nhưng lần nào A. mang máy điện thoại bên người đều bị N. phát hiện. Anh ta toàn ra tay lúc bất ngờ và chẳng ai nhìn thấy. Chỉ trong vòng hai năm làm việc ở nơi mới, A. suy sụp sức khỏe, tinh thần. Điều khiến A. khổ tâm nhất là không thể rời bỏ công việc bởi thu nhập tại tập đoàn này khá cao. Chị lại vừa ly hôn, một mình nuôi con nhỏ, ba mẹ chị đang gặp khó khăn.
Cô L.M.T., giáo viên tiểu học thì khốn khổ bởi một đồng nghiệp với đủ chiêu “xuất quỷ nhập thần”. Cũng như A., cô T. chẳng thể nào tìm được bằng chứng để tố cáo. Ba năm sống trong nỗi ê chề, nhục nhã, cô T. đành viết đơn xin nghỉ việc, chuyển ngành bởi nỗi uất ức. Cô kể: “Ban đầu tôi kể chuyện này với chị hiệu phó, chị không tin vì nói anh ta đàng hoàng. Sau đó tôi tìm đến vợ anh ta để yêu cầu chị này nhắc nhở chồng thì chị này còn thách đố thưa kiện, cho rằng chồng chị ấy không làm chuyện đó…”.
Có nguyên đoạn clip trong tay ghi rõ hình ảnh người giám đốc nhào vô vuốt ve, sục sạo khắp cơ thể, còn lật tung váy áo mình lên, nhưng chị Như Th., nhân viên kế toán của một công ty ở Long An không dám tố cáo vì chị sợ với bản tính “nóng như Trương Phi” của chồng chị sẽ gây họa vì bênh vực chị.
Chị khóc: “Nghĩ mình cắn răng chịu đựng nhục quá. Nhưng làm chủ tịch công đoàn của công ty, tôi cũng xem kỹ luật pháp về vấn đề này rồi, chẳng có chương nào, điều nào bảo vệ những nạn nhân bị QRTD tới nơi tới chốn. Khiếu kiện chỉ làm vụ việc ầm ĩ, xấu hổ chính mình”.
BỘ QUY TẮC: KHÔNG PHẢI CHÌA KHÓA VẠN NĂNG!
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân nói: “Bộ quy tắc nhằm mục đích giúp người sử dụng lao động và người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng chống QRTD tại nơi làm việc, giúp phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chất lượng cao”.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Duyên, Đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định: “Đây là tín hiệu ban đầu, chưa thể mừng vui bởi hành lang pháp lý để bảo vệ các nạn nhân bị QRTD vẫn chưa có”.
Đồng tình với quan điểm này, thạc sĩ Phan Thanh Minh, Câu lạc bộ Nữ trí thức Q.3, TP.HCM cho biết: “Ngay trước khi bộ quy tắc ứng xử này ra đời, một vài văn bản pháp luật đã thể hiện tinh thần nghiêm cấm hành vi QRTD như Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; điều 75.1 Luật Giáo dục 2005 nghiêm cấm giáo viên xâm phạm danh dự, nhân phẩm hoặc thân thể người học.
Đặc biệt, Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 được quy định qua bốn điều khoản: điều 8 quy định nghiêm cấm “ngược đãi người lao động, QRTD tại nơi làm việc”; điều 37 quy định “người lao động bị QRTD có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”; điều 182 quy định người lao động giúp việc gia đình có nghĩa vụ “tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi QRTD” và điều 183 nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động giúp việc gia đình “ngược đãi, QRTD đối với lao động là người giúp việc gia đình”.
Tuy nhiên, những điều khoản của pháp luật liên quan đến QRTD tại nơi làm việc sẽ không được thực hiện hiệu quả và không đi vào cuộc sống nếu không có sự giải thích rõ ràng “QRTD là gì” và phải hiểu “tại nơi làm việc” như thế nào… Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với quy định người lao động giúp việc gia đình có nghĩa vụ tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi QRTD (Bộ LĐ-TB-XH và ILO, 2012).
Luật sư Nguyễn Thị Duyên cho biết, bộ quy tắc có điểm tiến bộ là đưa ra định nghĩa thế nào là QRTD, phân loại hành vi QRTD thể chất, QRTD bằng lời nói, hay QRTD bằng cử chỉ, điệu bộ, tin nhắn điện thoại, thư điện tử, hình ảnh, tài liệu khiêu dâm… Tuy nhiên, đây chỉ là quy tắc, hơn nữa các định nghĩa cũng chỉ “quanh quẩn” ở “nơi làm việc” mà không đề cập đến yếu tố cộng đồng, trong khi thực tế hành vi này diễn ra ở khắp nơi. Người có hành vi QRTD cũng khó bị “ghép tội”, và dù có bộ quy tắc hỗ trợ như vậy, nạn nhân vẫn chưa thật sự được bảo vệ.
Trong khi đó, thực tế, hành vi QRTD ít nhiều đều có mức độ nguy hiểm cho xã hội, thậm chí để lại nhiều hậu quả đau lòng. Theo ghi nhận, gần đây, thông qua các diễn đàn góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, rất nhiều luật sư, những người nghiên cứu về pháp luật đã kiến nghị, cần có quy định về tội danh QRTD, sửa đổi điều 143 về tội dâm ô với trẻ em (trong dự thảo Bộ luật Hình sự đang được đưa ra trưng cầu ý dân, hoặc điều 116 Bộ luật Hình sự hiện hành) theo hướng có thể áp dụng để xử lý những hành vi QRTD vì bản chất của hành vi QRTD cũng tương tự hành vi dâm ô là có những thủ đoạn kích động dâm dục với nạn nhân nhằm thỏa mãn nhu cầu bản thân, nhưng không thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân.
HẠNH CHI - THU HỒNG - HUYỀN ANH
Kể chuyện cười gợi ý về tình dục là hành vi Quấy rối tình dục Theo bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc, QRTD bao gồm hành vi mang tính thể chất, lời nói và không dùng lời nói. Cụ thể, hành vi mang tính chất thể chất là những hành động tiếp xúc, cố tình động chạm, tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm… QRTD bằng lời nói được xác định là những lời nhận xét không phù hợp, ngụ ý tình dục. Ví như việc kể chuyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ; liên tục mời đi chơi mang tính cá nhân… QRTD bằng hành vi phi lời nói, bao gồm các hành động không mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, gợi tình, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm… Bộ quy tắc khuyến nghị tất cả các doanh nghiệp nên có trách nhiệm xây dựng và ban hành nội quy, quy chế về phòng chống QRTD tại nơi làm việc. Trong đó, cần đảm bảo các nội dung như khái niệm về QRTD; quy trình khiếu nại, tố cáo rõ ràng, dễ hiểu, quy định việc áp dụng kỷ luật với người vi phạm, biện pháp bảo vệ và khắc phục cho nạn nhân… Tuy nhiên, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH) khẳng định, bộ quy tắc chưa phải là văn bản luật mà chỉ là căn cứ để Chính phủ, các tổ chức sử dụng lao động, công đoàn và người lao động hiểu cụ thể thế nào là QRTD tại nơi làm việc, nhằm phòng ngừa hành vi này. HUYỀN ANH |