Bị phỏng đến mức nào thì cần đi bệnh viện?

13/01/2025 - 06:55

PNO - Phỏng được chia thành 3 cấp độ là nhẹ, trung bình và nặng.

Em gái tôi mới bị phỏng khi vô tình đưa tay vào vòi nước nóng. Vết phỏng gây ra tình trạng đỏ rát ở mu bàn tay và mặt ngoài của ngón tay. Tôi phân vân không biết nên đưa em đi bác sĩ khám hay tự điều trị tại nhà. Tôi cũng muốn biết cách nhận biết mức độ phỏng thế nào là nghiêm trọng, cần được chăm sóc tại cơ sở y tế.

Nguyễn Thảo Vy (TPHCM)

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - trả lời: Khi bị phỏng, việc sơ cứu và đưa đến bệnh viện kịp thời vô cùng quan trọng. Nếu vết phỏng chiếm hơn 10% diện tích cơ thể hoặc ở những vị trí nhạy cảm như mặt, tay, chân, khớp, bẹn thì bạn cần đưa người bị nạn đến bệnh viện ngay. Việc này giúp ngăn ngừa biến chứng như sẹo lồi, co rút, ảnh hưởng đến vận động, thậm chí là mất thị lực nếu bị phỏng ở mắt. Khi sơ cứu, hãy làm mát vết phỏng bằng nước sạch trong khoảng 15 phút. Tuyệt đối không bôi các chất như lòng trắng trứng, nha đam, nước mắm, kem đánh răng… lên vết thương vì có thể gây nhiễm trùng. Sau đó, đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.

Phỏng được chia thành 3 cấp độ là nhẹ, trung bình và nặng. Phỏng nhẹ chỉ gây đỏ rát bề mặt da, sau 1 tuần là hồi phục và có thể chăm sóc ở nhà. Phỏng mức độ trung bình gây phồng rộp, bóng nước và có thể để lại sẹo. Còn phỏng mức độ nặng gây tổn thương sâu. Lúc này, da bị trắng hoặc đen, mất cảm giác, tổn thương sâu vào các lớp mô bên trong, cần điều trị tích cực và thường để lại sẹo lớn, gây biến dạng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Trâm Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI