Bị phạt oan

22/04/2021 - 09:31

PNO - Làm không xong, bỏ sót việc hoặc bị điểm thấp ở trường, thế nào Thảo cũng “ăn” roi. Bố có sẵn cây roi treo trên vách. Thảo sợ, vì bố đánh mạnh tay, rất đau.


Chị Hà nghỉ việc, ở nhà đưa rước con đi học. Chị tranh thủ may gia công quần áo để kiếm thêm thu nhập. Ban ngày, người lớn trong xóm đều đi làm nên hầu như chỉ có nhà chị mở rộng cổng. Vì vậy, buổi chiều tan trường, bọn trẻ thường tụ tập ở đây chơi.

Thảo đang học lớp năm. Chị Hà để ý, Thảo ít đến tham gia hơn những đứa trẻ khác. Mỗi lần ghé qua, cô bé chỉ hòa vào bạn một chút, có vẻ không nhiều hứng thú. Sau đó Thảo sẽ lân la bên cạnh chị Hà, phụ cắt chỉ, gom vải vụn, sắp xếp thành phẩm, hỏi và kể chuyện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thảo kể về gia đình. Mỗi ngày, trước khi đi làm, bố mẹ dặn Thảo rất nhiều việc phải thực hiện. Ngoài những công việc hằng ngày như rửa chén, quét nhà, phơi quần áo, chăm sóc em và cho đàn heo ăn đúng giờ, chưa kể vài việc đột xuất khác. Thảo chỉ có khoảng hơn một giờ rảnh buổi trưa, sau khi mệt mỏi đạp xe từ trường về. Con hầu như không đủ thời gian để hoàn thành công việc được giao.

Thay vội bộ đồng phục, Thảo đổ thức ăn vào máng cho heo, quơ lấy vòi nước xịt chuồng trại sạch sẽ, lấy quần áo từ máy giặt ra phơi; tranh thủ ăn uống vội vàng sau khi quét nhà. Chưa kịp mặc lại đồng phục đã nghe các bạn dừng xe gọi í ới ngoài cổng để cùng đến lớp buổi chiều. Không được nghỉ trưa nên đôi khi con ngủ gục trong lớp, xấu hổ khi bị cô kêu đi rửa mặt cho tỉnh táo.

Buổi chiều về, Thảo tiếp tục lo bữa ăn cho đàn gia súc, vệ sinh chuồng trại, buông màn chống muỗi. Sau đó con nấu cơm, tắm em, dọn dẹp mọi thứ gọn gàng trước khi bố mẹ về đến nhà. Đôi khi Thảo không kịp làm hết việc hoặc không thể nhớ hết những việc cần phải làm, thế là bị bố mẹ phạt.

Mẹ mắng, bảo Thảo lỳ, ham chơi, có tí việc dặn đi dặn lại cũng không nhớ. Không trách mắng nhiều như mẹ, nhưng hễ bực mình là bố đánh. Làm không xong, bỏ sót việc hoặc bị điểm thấp ở trường, thế nào Thảo cũng “ăn” roi. Bố có sẵn cây roi treo trên vách. Thảo sợ vì bố đánh mạnh tay, rất đau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Buồn nhất là bố mẹ luôn nghĩ Thảo lười và trách phạt oan trong khi con tự cảm thấy mình rất ngoan. Thảo nói: “Con cố gắng làm việc nhưng nhiều khi con cũng mệt lắm. Vì việc nhà quá nhiều, nên năm nay con xin cô cho nghỉ chức lớp trưởng. Con xin đến lần thứ tư, cô mới chịu hứa sẽ tìm bạn khác thay thế”.

Mỗi ngày Thảo kể một ít, chị Hà cố gắng chắp nối mọi thứ để hình dung cuộc sống của cô bé. Càng gần Thảo, chị càng thấy thương. Một đứa trẻ ngoan và giỏi như thế này tại sao không được bố mẹ đánh giá đúng mực? Chị muốn làm nhịp cầu, sang nhà bên ấy nói chuyện với gia đình bé Thảo, cho họ biết những suy nghĩ và nỗi buồn của đứa con gái nhỏ. Mẹ của Thảo vui vẻ dễ gần và cùng trang lứa, nên chị Hà hy vọng họ sẽ lắng nghe.

Chồng chị Hà bảo vợ đừng xen vào chuyện gia đình người khác: “Con của người ta sinh ra, người ta không rành chúng hơn em à?”. Không được chồng ủng hộ nên chị Hà chưa dám hành động. Đêm nào chị cũng khó ngủ vì cứ nghĩ hoài về Thảo. Con bé đã hồn nhiên kéo trễ lưng quần xuống cho chị xem vết bầm trên mông vì đòn roi của bố. Có lẽ chị phải can đảm mở lời với mẹ của Thảo một lần.

Thương bé Thảo, chị Hà lại nghĩ đến hai đứa con của mình, tự hỏi chẳng biết chúng có bất mãn điều gì ở cha mẹ hay không? Ai làm cha mẹ cũng tưởng mình hiểu con cái của mình nhất. Nhưng bọn trẻ có cách nghĩ và những nỗi niềm thầm kín riêng của chúng. Đôi khi sự răn dạy ít nhiều áp đặt từ người lớn khiến các con chịu đựng rồi thu mình cô độc. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI