Tiểu thương nói đã đóng thuế đầy đủ
Gửi đơn đến Báo Phụ nữ TPHCM, bà Ái Oanh cho biết, đã kinh doanh ở chợ An Đông từ năm 1980 và ký hợp đồng từ năm 1991, tái ký năm 2013. Theo các quy định hiện hành, An Đông là chợ truyền thống loại I chứ không phải trung tâm thương mại. Do đó, bà cho rằng nếu ký "hợp đồng thuê sạp của trung tâm thương mại An Đông” mới giữa bà và ban quản lý (BQL) chợ là sai quy định nên bà không ký. Bà đã khiếu kiện ra tòa án, yêu cầu giải quyết các nội dung: được ký hợp đồng nhận quyền sử dụng quầy sạp; thời hạn hợp đồng là từ năm 2021 đến 2031 (theo thông báo về quy định ký hợp đồng 10 năm dành cho tiểu thương các chợ truyền thống); số tiền đã đóng phải được thể hiện nối tiếp trong bản hợp đồng mới; BQL thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tùy tiện, có dấu hiệu tham ô. Hằng tháng, tiểu thương phải đóng 5 loại phí và bà đồng ý đóng 4 loại phí trong số đó. Riêng phí sử dụng diện tích bán hàng là chưa đồng ý đóng do đang tranh chấp.
|
Sạp kinh doanh của bà Sử Thị Ái Oanh bị niêm phong |
Ngày 27/10/2023, người của BQL chợ gọi điện thoại, yêu cầu bà Ái Oanh phải thanh toán các loại phí. Bà nói: “Tôi trả lời đồng ý đóng tất cả loại phí, trừ loại đang tranh chấp, chờ phán quyết của tòa án. Nhưng lúc 16g cùng ngày, BQL cắt điện, niêm phong sạp. Tôi đến gặp BQL để giải quyết thì BQL không gặp, cho rằng tôi kinh doanh không có giấy phép, trong khi tôi vẫn đang đóng thuế đầy đủ. Gia đình tôi rất khó khăn. Từ sau đợt dịch COVID-19 đến nay, việc kinh doanh ế ẩm. Nay BQL làm vậy, hàng hóa bị giữ hết trong sạp, cuộc sống của cả gia đình tôi càng thêm khó khăn”.
Các tiểu thương Lý Cẩm Vân, Phùng Thị Lựu, Trịnh Đôn Hán, Võ Thị Thùy Hưởng, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Văn Lợi, Trần Thị Thu Thùy… cũng đang tranh chấp hợp đồng với BQL và đang lo sạp của mình cũng có thể bị niêm phong bất cứ lúc nào. Họ cho biết trong nhiều lần đối thoại, các cán bộ BQL có hành vi không tôn trọng họ.
Cán bộ ban quản lý nói “làm đúng luật”
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Đinh Hồ Duy Ngọc - Trưởng BQL chợ An Đông - cho biết, BQL luôn thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của UBND quận 5.
Theo ông, hợp đồng kinh doanh của bà Sử Thị Ái Oanh đã hết hạn vào ngày 31/12/2021. Từ đầu năm 2022 đến nay, BQL nhiều lần nhắc nhở, mời bà ký lại hợp đồng mới nhưng bà không ký mà vẫn sử dụng sạp để kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Biện pháp niêm phong sạp hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nội quy của BQL đã được UBND quận 5 phê duyệt.
Ông Đinh Hồ Duy Ngọc nói: “Việc tranh chấp, khiếu kiện ra tòa án là quyền của công dân. Trong quá trình tranh chấp, chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền mà tiểu thương vẫn liên tục sử dụng sạp để kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ hành chính hằng tháng. Còn trong trường hợp này, tòa án đã bác đơn của bà Oanh và một số tiểu thương khác, nên bà càng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình khi kinh doanh trong chợ này”.
Theo ông Ngọc, 5 loại phí quản lý được áp dụng chung cho hơn 2.300 quầy sạp. Tiểu thương không thể chỉ đóng loại phí mà mình muốn. Bà Oanh không chịu đóng phí dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng. Đây là loại phí BQL thu theo văn bản của cấp có thẩm quyền chứ không phải là loại phí đang tranh chấp.
Về thông tin BQL niêm phong sạp mà không thông báo với tiểu thương, ông Ngọc cho rằng, bà Oanh sử dụng sạp khi không có giấy tờ hợp pháp, không chứng minh được có quyền sử dụng sạp: “Với các tiểu thương đang tranh chấp hợp đồng, BQL đã hoàn tất các thủ tục kết thúc hợp đồng cũ, triển khai kế hoạch mời ký hợp đồng mới nhưng họ từ chối ký hợp đồng mới, BQL phải ra thông báo chấm dứt hợp đồng, đề nghị hoàn trả sạp kinh doanh cho BQL. Các tiểu thương này vẫn tiếp tục kinh doanh nên BQL đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận 5 về hành vi không trả lại tài sản thuê đã hết hạn hợp đồng. Hiện tòa đang thụ lý”.
Ban quản lý không nên niêm phong tài sản bên trong sạp Khoản 5, điều 2, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ quy định, sạp chợ là một trong những “điểm kinh doanh tại chợ” thuộc sự điều chỉnh của nghị định này. Điều 8 nghị định này quy định, BQL chợ có quyền ký hợp đồng với thương nhân về thuê, sử dụng điểm kinh doanh, quyền này của BQL chợ cũng được quy định rõ trong Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2003 của Bộ Thương mại về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của BQL chợ. Về bản chất, hợp đồng thuê, sử dụng sạp chợ giữa BQL chợ và tiểu thương trong vụ việc trên như một hợp đồng thuê khoán tài sản, trong đó BQL chợ giao tài sản là sạp chợ cho tiểu thương sử dụng và thu hoa lợi, tiểu thương sẽ có trách nhiệm thanh toán tiền thuê theo thỏa thuận và bảo quản, bảo dưỡng tài sản đang thuê. Theo thông tin từ phía BQL chợ thì do hợp đồng ký với tiểu thương đã hết thời hạn nhưng tiểu thương không ký hợp đồng mới mà vẫn tiếp tục kinh doanh nên BQL niêm phong sạp. Vụ việc hiện đang thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án và tiểu thương cho rằng BQL chỉ được đóng sạp khi có kết luận của tòa. Nếu thông tin từ BQL chợ là đúng thì việc BQL thu hồi sạp chợ, không cho tiểu thương tiếp tục kinh doanh là có căn cứ. Bởi trong hợp đồng ký kết giữa các bên, chắc chắn có quy định về trách nhiệm hoàn trả tài sản khi chấm dứt hợp đồng thuê, điều khoản này là không thể thiếu đối với bất kỳ hợp đồng thuê nào. Nếu căn cứ vào thông tin của BQL chợ thì có thể thấy tiểu thương đang vi phạm về thời hạn hợp đồng của các bên, đang có hành vi sử dụng quá hạn so với thời hạn thỏa thuận ban đầu. Thông thường, khi bên thuê có hành vi sử dụng quá hạn so với thỏa thuận ban đầu thì bên cho thuê khởi kiện bên thuê nhưng vẫn sẽ để cho bên thuê sử dụng tài sản thuê và yêu cầu bên thuê thanh toán khoản phí thuê quá hạn tính đến thời điểm khởi kiện. Trong trường hợp này, có thể do sự kiện khách quan mà BQL chợ nhận thấy không thể để cho tiểu thương tiếp tục sử dụng sạp chợ nên đã niêm phong sạp chứ không sử dụng phương án tính tiền thuê quá hạn. Với tư cách là đơn vị có trách nhiệm quản lý và là bên cho thuê, quy định pháp luật cho phép BQL chợ có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo hoạt động của chợ được thuận lợi. Về vấn đề thông báo, xét ý kiến của tiểu thương về các trường hợp trước đây, có thể thấy BQL chợ có trách nhiệm thông báo khi tiến hành niêm phong sạp chợ. Điều này có thể được quy định trong nội quy chợ hoặc được thỏa thuận trong hợp đồng ký kết giữa các bên. Trong vụ việc này, tiểu thương cần rà soát lại các nội dung này, từ đó mới có thể xác định rõ BQL chợ có vi phạm về trách nhiệm thông báo hay không. Việc niêm phong sạp chợ cần đảm bảo quyền lợi của tiểu thương đang sử dụng. Nếu niêm phong sạp khi toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của tiểu thương vẫn còn bên trong là xâm phạm đến quyền lợi của họ, bởi theo thỏa thuận thì BQL chợ chỉ có thẩm quyền cho thuê đối với sạp chợ, nên không thể niêm phong sạp chợ khi tiểu thương chưa lấy tài sản ra ngoài. Luật sư Nguyễn Văn Hậu Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM |
Thanh Hoa