Bị nhiễm cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với bò sữa

02/04/2024 - 12:07

PNO - Một người ở bang Texas, Mỹ đang điều trị bệnh cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với bò sữa, giữa bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về khả năng chủng virus lây lan sang các loài mới.

Ca nhiễm cúm gia cầm từ bò ở Mỹ khiến các chuyên gia lo ngại về khả năng virus lây lan cho người - Ảnh:Monty Rakusen/Getty Images

Ca nhiễm cúm gia cầm từ bò ở Mỹ khiến các chuyên gia lo ngại về khả năng virus lây lan cho người - Ảnh: Monty Rakusen/Getty Images

Đây là trường hợp thứ 2 có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm ở Mỹ, xảy ra sau khi các đàn gia cầm ở Texas, Kansas và một số bang khác nhiễm bệnh trong tuần qua.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết: “Bệnh nhân chỉ thể hiện triệu chứng duy nhất là đỏ mắt (giống với viêm kết mạc) và đang hồi phục. Người này được yêu cầu cách ly và điều trị bằng thuốc kháng virus dùng cho bệnh cúm”.

Đợt bùng phát cúm gia cầm hiện nay tại Mỹ bắt đầu từ năm 2020, dẫn đến cái chết của hàng chục triệu gia cầm, các loài chim hoang dã, và thậm chí lây lan sang các động vật có vú trên cạn và dưới biển.

Bò và dê đã lọt vào danh sách động vật nhiễm cúm gia cầm vào cuối tháng 3, trong một diễn biến đáng ngạc nhiên đối với các chuyên gia vì chúng được cho là không nhạy cảm với loại cúm này.

Louise Moncla - nhà sinh vật học tại Trường Thú y thuộc Đại học Pennsylvania – tiết lộ, người nhiễm bệnh có thể là một công nhân nông trại.

Bà Moncla nói thêm: “Nếu chúng tôi tiếp tục phát hiện các cụm lây nhiễm ở bò, điều đó có nghĩa là chúng tôi cần bắt đầu giám sát bò. Đó sẽ là một thay đổi lớn trong cách chúng ta nghĩ về những loại virus này”.

CDC cho biết việc lây nhiễm không làm thay đổi đánh giá rủi ro sức khỏe con người về bệnh cúm gia cầm ở Mỹ, hiện được đánh giá ở mức nguy cơ thấp.

Trường hợp người nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở Mỹ được ghi nhận tại bang Colorado vào năm 2022. Bệnh nhân, một tù nhân, được cho là đã tiếp xúc gia cầm mắc bệnh.

Các chuyên gia đang lo lắng về số lượng ngày càng tăng các động vật có vú nhiễm chủng cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao (HPAI) H5N1.

Bộ Nông nghiệp Mỹ, CDC và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết trong một tuyên bố chung vào tuần trước: “Thử nghiệm ban đầu không tìm thấy những thay đổi giúp virus dễ lây sang người hơn”.

Tuyên bố cho biết thêm, chủng virus này dường như đã được các loài chim hoang dã lan truyền, nhưng họ chưa thể loại trừ khả năng lây lan giữa các con bò.

Bà Moncla cho biết một cậu bé chín tuổi đã chết vì virus ở Campuchia vào tháng 2, thêm vào 3 trường hợp tử vong tại nước này vào năm 2023. Riêng chủng cúm gia cầm lây lan ở châu Âu và Bắc Mỹ dường như dẫn đến những ca nhiễm nhẹ hơn.

Theo Ủy ban Khoa học về Nghiên cứu Nam Cực, cúm gia cầm đã giết chết hàng chục nghìn động vật có vú ở biển kể từ khi bệnh lây lan ở Nam Mỹ. Theo một đánh giá tác động gần đây, quần thể chim biển ở Anh đang phải hứng chịu "sự suy giảm trên diện rộng" do cúm gia cầm.

Căn bệnh này cũng đã tấn công mạnh vào các trang trại ở châu Âu, với việc chính quyền Pháp nâng mức rủi ro lên "tối đa" vào tháng 12/2023 và các quan chức Séc báo cáo vào tháng 2 rằng họ đã tiêu hủy 140.000 con gia cầm chỉ trong năm 2024.

Linh La (theo AFP, Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI