Bị nêu tên “tai tiếng”, tiểu thương chợ Bến Thành nói gì?

08/03/2021 - 07:26

PNO - Rất nhiều tiểu thương chợ Bến Thành không biết thông tin Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) liệt chợ vào nhóm “bán hàng nhái khét tiếng”, song họ cũng thừa nhận “có những con sâu làm rầu nồi canh”.

Biết thông tin báo cáo của USTR qua phóng viên, một tiểu thương (đề nghị không nêu tên) chuyên doanh quần áo, túi xách, tranh sơn mài, cho biết, những gì cơ quan này phản ánh không hẳn sai, nhưng cũng không đúng hoàn toàn. “Những tiểu thương buôn bán chân chính, đúng luật vẫn chiếm số đông… Nếu chỉ căn cứ những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” như vậy mà đánh giá cả khu chợ có truyền thống cả trăm năm sẽ không công bằng”, chị này bày tỏ. 

Đối với nhiều tiểu thương, chợ Bến Thành như ngôi nhà thứ hai và họ luôn cố gắng làm tốt để bảo vệ ngôi nhà này
Đối với nhiều tiểu thương, chợ Bến Thành như ngôi nhà thứ hai và họ luôn cố gắng làm tốt để bảo vệ ngôi nhà này

Rất nhiều tiểu thương ngành hàng quần áo, túi xách… khi được hỏi đều tỏ vẻ lo lắng, bởi tình hình buôn bán hơn một năm nay đã quá ế ẩm, nhiều sạp đã hoặc chuẩn bị đóng cửa. Thông tin trên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh chợ trong mắt du khách quốc tế khi dịch bệnh được đẩy lùi và ngành du lịch được đón khách trở lại.

“Chúng tôi không thấy có cơ quan, tổ chức nào của nước ngoài đến hỏi, điều tra gì về hoạt động buôn bán trong năm qua, không rõ USTR dựa trên những căn cứ nào?”, chị Lan, tiểu thương ngành hàng túi xách thời trang, cho hay. 

Chị Trương Thị Tuyết Trinh, chủ sạp Bé Chè, tổ phó ngành hàng ăn uống, có hơn 40 năm bán hàng tại chợ, nói: “Tôi không hề biết hay nghe thông tin liên quan đến báo cáo trên. Thông tin này quá đột ngột, ảnh hưởng đến hình ảnh chợ Bến Thành nổi tiếng lâu nay. Đối với tôi và nhiều tiểu thương khác, chợ Bến Thành là ngôi nhà thứ hai và chúng tôi luôn cố gắng làm tốt để bảo vệ ngôi nhà này”. 

Dù không hoàn toàn đồng ý những thông tin của USTR, nhưng nữ tiểu thương này cho rằng, những người kinh doanh tại chợ Bến Thành cần xem báo cáo đó như lời cảnh báo, nhắc nhở để tự chấn chỉnh, tuân thủ đúng các quy định để giữ uy tín của thương hiệu cửa hàng nói riêng và uy tín, thương hiệu chợ Bến Thành nói chung. Từ đó, mới thu hút được khách đến chợ và giữ được khách lâu dài. Chợ có 1.442 hộ kinh doanh nhưng sau tết chỉ có 660 hộ mở bán và giảm dần hiện chỉ còn 550 hộ, lượng khách thưa thớt… 

Lạc quan hơn, chị Quyên, chủ gian hàng thực phẩm Mỹ Quyên, cho rằng, để kinh doanh được lâu dài ở ngôi chợ truyền thống nổi tiếng nhất nhì TP.HCM thì bắt buộc các chủ hàng phải đặt yếu tố chữ tín lên hàng đầu. “Bây giờ công nghệ phát triển, khách hàng trong nước hay nước ngoài cũng đều chia sẻ trải nghiệm khi đến chợ, nên chắc chắn những sạp kinh doanh gian lận cũng bị chính khách hàng đào thải…”, chị Quyên cho hay. 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, phó giáo sư - tiến sĩ Dương Anh Sơn, Trưởng khoa Luật Kinh tế Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM); trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nêu quan điểm: “Không thể nói báo cáo của USTR không đáng tin cậy nhưng báo cáo này có cơ sở hay không thì mình không can thiệp được. Chính phủ Mỹ sẽ dựa trên báo cáo để có những chính sách hợp lý. Theo tôi, báo cáo này không ảnh hưởng đến các chợ được nói đến và kinh tế Việt Nam, khách hàng của chợ không quan tâm đến báo cáo này. Tuy nhiên, chúng ta hãy coi báo cáo đó là sự cảnh báo cho chúng ta và cơ quan hữu trách của Việt Nam”. 

USTR xếp chợ Bến Thành, Đồng Xuân vào nhóm các chợ nổi tiếng bán hàng nhái
Trong báo cáo “Xem xét các thị trường có tình trạng buôn bán hàng giả và tiêu thụ sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2020” được USTR công bố đầu năm 2021. Ba website thương mại điện tử và hai khu chợ truyền thống tại thị trường Việt Nam: shopee.vn (Shopee), phimmoi, phimmoizz; chợ Bến Thành (TP.HCM) và chợ Đồng Xuân (Hà Nội) bị USTR bêu tên trong báo cáo. Với chợ Bến Thành, USTR nêu rõ tình trạng kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra khá phổ biến, trong đó chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch nước ngoài. Trong năm 2020 đã có một đợt truy quét hàng giả được các cơ quan chức năng tại TP.HCM thực hiện, thu giữ 1.276 món hàng giả trị giá 5.000 USD (khoảng 116 triệu đồng). “Tuy nhiên, động thái này của cơ quan hữu trách vẫn chưa tương xứng với tình trạng buôn bán hàng giả ở đây”, báo cáo của USTR nhận xét.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương Việt Nam) đánh giá báo cáo được xây dựng công phu, nghiêm túc và mang tính xây dựng. Các bên liên quan có thể tham khảo báo cáo nhằm thúc đẩy cả khu vực tư nhân và các chính phủ đưa ra hành động thích hợp để giảm nạn vi phạm bản quyền và hàng giả. Tuy vậy, danh sách các chợ có tai tiếng về hàng giả và đánh cắp bản quyền (gọi tắt là NML) không đưa ra các bằng chứng cụ thể về vi phạm pháp luật cũng như không phản ánh quan điểm chính thức của Chính phủ Mỹ về môi trường thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chung ở các quốc gia có liên quan. NML được xây dựng chủ yếu dựa trên các thông tin đại chúng công khai.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI