Trong cuộc gặp với người đồng cấp Lào Saleumxay Kommasith ở thủ đô Viêng Chăn, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã bày tỏ lập trường của Tokyo về vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp tại vùng biển này.
|
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) giải thích lập trường của Tokyo về biển Đông tại cuộc gặp người đồng cấp Lào Saleumxay Kommasith hôm 24-7. |
Theo Kyodo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 24/7 cho biết, trong cuộc gặp với người đồng cấp Lào Saleumxay Kommasith, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông là mang tính ràng buộc với tất cả các bên.
Ngoại trưởng Kishida cũng kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế đối với các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn rằng Lào, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, sẽ góp phần tích cực vào việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Mặc dù không tiết lộ thông tin chi tiết về phát biểu của ông Kishida tại Lào nhưng Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định Ngoại trưởng Kishida đã bày tỏ rõ ràng quan điểm của Tokyo về vấn đề Biển Đông. Trước đó, Nhật Bản cũng từng lên tiếng về kết quả vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại tòa trọng tài quốc tế hôm 12/7, theo đó tòa đã tuyên bố bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tokyo nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng và các bên nên tôn trọng phán quyết cuối cùng của tòa.
Về phía Mỹ, ngày 20/7, Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, đưa ra một tuyên bố nhân chuyến thăm một căn cứ hải quân của Trung Quốc rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Ông Richardson nói: “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động định kỳ và hợp pháp trên khắp thế giới, trong đó có Biển Đông để bảo vệ quyền và tự do hàng hải cũng như việc sử dụng hợp pháp vùng biển, vùng trời với tất cả các bên. Điều này sẽ không thay đổi".
"Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra hàng hải, hàng không, hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép", ông Richardson nhấn mạnh.
|
Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ có tuyên bố "dằn mặt" TQ ngay tại Bắc Kinh |
Trong một diễn biến khác cùng ngày, phát biểu trong chuyến công du Australia hôm nay, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh rằng, bất kể tổng thống Mỹ tiếp theo là ai thì Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương.
Không những thế, mới đây, báo Mỹ đã có một bài viết vạch trần âm mưu nham hiểm của Trung Quốc trong tương lai trên Biển Đông. Tạp chí The National Interest (Mỹ) đánh giá "Trung Quốc sẽ không lùi bước ở biển Đông", ít nhất trong thời gian từ nay đến cuối năm 2016.
NI khẳng định tranh chấp trên biển Đông chỉ là một phần trong tham vọng lớn hơn của Trung Quốc là "Giấc mộng Trung Hoa", bao gồm "phục hưng dân tộc và khôi phục địa vị 'đế quốc Trung Hoa'". Sự lùi bước trong vấn đề mà Bắc Kinh xem như "lợi ích sống còn" là điều mà Trung Quốc không thể chấp nhận.
Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh mềm cùng các biện pháp ngoại giao để đối phó với những phản ứng quốc tế chống lại hành động của mình, nhưng Bắc Kinh chắc chắn không lùi bước trong vấn đề biển Đông.
Theo NI, từ góc độ quân sự, hành động giành quyền kiểm soát trên biển Đông khiến phạm vi chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) mở rộng hơn xuống phía Nam và vươn ra phía Đông.
Điều đó cho phép PLA sử dụng tàu ngầm và tàu chiến mặt nước tiên tiến hơn, các lực lượng tấn công tầm xa cùng với lực lượng không quân tinh vi hơn, trì hoãn hoặc ngăn chặn việc quân đội Mỹ can thiệp vào các mối đe dọa khu vực trong tương lai, đồng thời cho phép hải quân Trung Quốc triển khai lực lượng tới Ấn Độ Dương.
Tạp chí của Mỹ phân tích, nếu không hành động cứng rắn, Bắc Kinh sẽ khiến dư luận Trung Quốc tin rằng chính phủ "mù tịt" không biết bước tiếp theo phải làm như thế nào, sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện biển Đông hôm 12/7.
Và đúng như vậy, sau phán quyết PCA, Trung Quốc đẩy mạnh những hành động ngang ngược và ngông cuồng trên biển Đông. Đứng trước những tinh thần thép và quan điểm quyết liệt của Nhật Bản và Mỹ, Trung Quốc gần đây lại nhờ đến đồng minh thân cận của mình đáp trả.
Trang tin Sina Trung Quốc ngày 23/7 đẫn nguồn tin từ Nga cho biết cuộc diễn tập "Liên hợp trên biển - 2016" giữa Trung Quốc và Nga sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới, Hạm đội Thái Bình Dương Nga sẽ cử ít nhất 4 tàu chiến tham gia,còn Quân đội Trung Quốc sẽ cử nhiều tàu chiến hơn.
Theo nhận định của bài báo, cuộc diễn tập lần này rất có thể sẽ tổ chức ở Biển Đông. Bài báo còn chỉ ra máy bay chiến đấu Su-35 và tên lửa phòng không S-400 Nga xuất khẩu cho Trung Quốc sẽ bàn giao lô đầu tiên trong 2 năm tới (2016, 2017).
Truyền thông Nga gần đây dẫn lời Cục trưởng Cục Huấn luyện tác chiến Hải quân Nga Kochemazov cho biết cuộc diễn tập "Liên hợp trên biển-2016" giữa Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức vào tháng 9 tới, Hạm đội Thái Bình Dương Nga sẽ tham gia.
Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Ngô Khiêm cũng vừa xác nhận, Trung Quốc và Nga đang tiến hành thảo luận về cuộc tập trận chung trên biển.
Tiêu Giao