Bị Mỹ 'cấm cửa', Huawei hướng sang Nga

09/12/2019 - 06:19

PNO - Ngay khi các mối quan hệ đối tác với Mỹ kết thúc, Huawei đã hướng sang quốc gia gần Trung Quốc hơn là Nga, vốn coi việc hợp tác về khoa học và kỹ thuật với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu.

Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc muốn các trường đại học Nga tham gia nghiên cứu các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu, công nghệ quang học và điện toán đám mây.

Trong 6 tháng gần đây, ít nhất 8 trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Nga đã công bố kế hoạch mở rộng quan hệ hợp tác với Huawei. “Sứ mệnh của chúng tôi là biến kiến thức thành tiền và tiền thành kiến thức. Chúng tôi sẵn sàng tài trợ hoạt động nghiên cứu, kể cả khi điều này không giải quyết những vấn đề cụ thể mà chỉ là một bước tiến về phía trước”, tờ South China Morning Post dẫn lời ông Zhou Hong, Chủ tịch Viện Nghiên cứu châu Âu của Huawei ở Leuven (Bỉ), nói trong một cuộc họp tại Đại học Kỹ thuật Novosibirsk tại Siberia hồi tháng Bảy.

Bi My 'cam cua', Huawei huong sang Nga
 

Trường Novosibirsk sau đó đã nhất trí sẽ cùng “đào tạo sinh viên và tiến hành nghiên cứu” với tập đoàn Trung Quốc. Chương trình này nằm trong chiến lược của Huawei chi 300 triệu USD mỗi năm cho các trường đại học khắp thế giới nhằm phát triển công nghệ mới cho sản phẩm điện thoại, mạng và cơ sở hạ tầng đám mây.

Ở Nga, Huawei đang dồn sức vào việc “thúc đẩy hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI)”, bắt đầu với việc phát triển các sản phẩm thuộc nền tảng điện toán mang tên Atlas AI. Huawei tin tưởng có thể hỗ trợ cho những dự án về AI quy mô lớn, chẳng hạn như thành phố thông minh. “Huawei nhắm đến việc hợp tác với các tổ chức công nghiệp và hơn 100.000 kỹ sư phát triển AI, hơn 100 đơn vị sản xuất phần mềm độc lập, và hơn 20 trường đại học để xây dựng một hệ sinh thái về AI trong vòng 5 năm tới, từ đó đưa các ứng dụng của AI vào nhiều ngành công nghiệp hơn nữa”, ông Dang Wenshuan, kiến trúc sư chiến lược của Huawei, phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Moscow hồi đầu tháng này.

Nhằm thực hiện chiến lược nói trên, Huawei khuyến khích các trường đại học Nga tham gia chương trình nghiên cứu sáng tạo do tập đoàn này khởi xướng, trong đó cam kết tài trợ đến 70.000 USD cho mỗi dự án nghiên cứu. Chương trình được áp dụng cho 18 quốc gia và từng được xem là kênh hợp tác chính của Huawei với các trường đại học Mỹ. 

Tháng Sáu, Huawei đã ký một thỏa thuận với công ty viễn thông MTS của Nga để phát triển mạng 5G, và các sản phẩm smartphone của tập đoàn này đã vượt qua Samsung để trở thành thương hiệu điện thoại di động hàng đầu tại Nga từ đầu năm nay, theo số liệu của hãng nghiên cứu Counterpoint Research.

Hai bên cùng có lợi

Nỗ lực của Huawei thúc đẩy các hoạt động tại Nga đến trong bối cảnh nước này và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ ngoại giao, thương mại, đến nghiên cứu và công nghệ. Hồi tháng Sáu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố “dành năm 2020 và 2021 cho sự hợp tác về khoa học, kỹ thuật và sáng tạo” giữa hai nước. “Việc Huawei tăng cường hiện diện tại Nga có thể phản ánh thực tế rằng công ty này vẫn phụ thuộc vào các quan hệ đối tác nghiên cứu và tuyển dụng nhân tài từ Bắc Mỹ, đặc biệt là Mỹ và châu Âu”, bà Elsa B. Kania, chuyên gia cao cấp về chương trình công nghệ và an ninh quốc gia tại Trung tâm An ninh Mỹ tại Washington, nhận định.

Mặc dù Nga có thể không cạnh tranh được với Mỹ về tài năng trong lĩnh vực nghiên cứu, sự lớn mạnh của các cơ sở nghiên cứu của nước này trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình và toán học vẫn có sức hút lớn đối với Huawei, nhất là khi tập đoàn này “đang phải đối mặt với rủi ro bị ngăn tiếp cận Thung lũng Silicon và các trường đại học Mỹ”, theo ông Alexander Gabuev, Giám đốc Chương trình Nước Nga ở châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm Carnegie Moscow. 

Đổi lại, Huawei cho biết họ sẵn sàng chuyển giao các kỹ năng về chế tạo và marketing cho các phòng thí nghiệm của Nga, vốn đang gặp khó khăn trong việc thương mại hóa các nghiên cứu của họ. Một phòng thí nghiệm sáng tạo chung giữa Huawei với Trung tâm Giáo dục khoa học dữ liệu lớn thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo ở Moscow (Skoltech) đã hình thành, vốn cũng đang bắt tay với một số đối tác công nghệ trong nước và nước ngoài, bao gồm các tập đoàn Philips (Hà Lan) và Samsung (Hàn Quốc). 

Quang Nguyễn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI