Bị mất việc sau khi nghỉ thai sản

19/03/2017 - 05:00

PNO - Trở lại công ty sau kỳ nghỉ thai sản, chị Nguyễn Thanh Uyển (40 tuổi, ngụ tại quận 9, TP.HCM) bị Công ty TNHH Shinwa Việt Nam không cho vào làm việc.

Trở lại làm việc  sau  kỳ  nghỉ thai sản, chị Nguyễn Thanh Uyển (40 tuổi, ngụ tại quận 9, TP.HCM) bị Công ty TNHH Shinwa Việt Nam - gọi tắt là Shinwa VN, đóng tại khu công nghiệp (KCN) Amata, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - không cho vào làm việc. Quá uất ức, chị  khởi kiện công ty ra tòa, nhưng đến nay, sau 5 năm, trải qua hai cấp xét xử với năm phiên tòa, mọi việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Bi mat viec sau khi nghi thai san
Chị Uyển và người trợ giúp pháp lý

Gần 5 năm đòi quyền lợi

Chị Uyển cho biết, năm 2008, chị được Shinwa VN tuyển vào làm kế toán trưởng với mức lương hơn 16 triệu đồng/tháng. Hợp đồng lao động (HĐLĐ) sau cùng có thời hạn từ ngày 1/6/2011 đến 31/5/2013. Trong HÐLÐ ghi rõ, chị được xe đưa rước từ nhà đến công ty. Trong quá trình làm việc, chị Uyển luôn hoàn thành tốt công việc được giao.

Ngày 1/11/2011, chị Uyển bắt đầu xin nghỉ thai sản theo quy định là bốn tháng. Hết thời gian nghỉ thai sản, ngày 1/3/2012, chị đi làm lại, nhưng ban giám đốc công ty không cho xe đưa đón chị như thường lệ. “Quá bất ngờ, tôi gọi điện cho các thành viên trong ban giám đốc nhưng không ai nghe máy. Tôi gọi điện cho tài xế và được báo: “Tổng giám đốc không cho dùng xe đón chị”. Tự chạy xe máy từ TP.HCM đến công ty để làm việc, tôi bị bảo vệ ngăn lại không cho vào” - chị Uyển kể.

Tháng 5/2012, chị Uyển đã nộp đơn gửi đến ban giám đốc công ty, Ban quản lý các KCN và Công đoàn KCN Biên Hòa, nhưng không được giải quyết. Tiếp đó, chị đã đến Phòng LĐ-TB-XH TP.Biên Hòa nhờ can thiệp, nhưng phía công ty không có thiện chí nên hòa giải bất thành. 

Quá bức xúc, chị Uyển làm đơn khởi kiện công ty ra Tòa  án nhân dân (TAND) TP.Biên Hòa. Trong đơn khởi kiện, chị Uyển đề nghị công ty phải nhận chị trở lại làm việc, trả lương những ngày không được làm việc, bồi thường tiền lương và phụ cấp lương, tiền phép năm, yêu cầu công ty truy đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)…

Khi chị Uyển kiện ra tòa,  phía công ty cho rằng,  trong thời gian nghỉ thai sản từ ngày 1/11/2011 - 1/3/2012, giữa chị Uyển và công ty có thỏa thuận: chị Uyển đi làm trong tháng 11 và tháng 12/2011. Ngày 10/11/2011, giám đốc công ty có gửi thông báo đến nhà máy, các nhân viên về việc văn phòng công ty sẽ di dời từ Ðồng Nai đến TP.HCM và nhân viên tự túc đi xe máy. Công ty không giao thông báo trực tiếp đến từng nhân viên, nhưng đã thông báo bằng hình thức phổ biến đến từng bộ phận, niêm yết bằng 
bản tin. 

Trong khi đó, chị Uyển khẳng định, công ty có thêm văn phòng ở TP.HCM, nhưng không thông báo cho chị biết nơi làm việc mới.

5 phiên tòa vẫn chưa giải quyết xong

Suốt 5 năm, chị uyển đi đòi quyền lợi, qua hai cấp tòa xét xử với năm phiên tòa, đến nay, tòa án vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi ba bản án của cấp tòa sơ thẩm xử chị thắng kiện đều bị cấp tòa phúc thẩm trả hồ sơ, yêu cầu xét 
xử lại.

Cụ thể, ngày 22/5/2013, TAND TP.Biên Hòa đưa vụ án “đơn phương chấm dứt HÐLД giữa chị Uyển và Shinwa Việt Nam ra xét xử sơ thẩm lần thứ nhất. Hội đồng xét xử (HÐXX) nhận định, việc công ty không cho xe đưa rước, không cho người lao động (NLÐ) vào làm việc... là trái với quy định của pháp luật. Ðiều đó chứng tỏ công ty đã đơn phương chấm dứt HÐLÐ trái luật đối với NLÐ. Do đó, tòa buộc công ty phải nhận chị Uyển trở lại làm việc, đồng thời bồi thường cho NLÐ tổng số tiền hơn 364 triệu đồng. 

Ngày 14/4/2014, TAND tỉnh Ðồng Nai đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần thứ nhất. Tòa nhận định, có nhiều tình tiết liên quan cần phải thu thập, làm rõ như: công ty di dời trụ sở về nơi mới có thông báo cụ thể không? Chị Uyển có nhận được thông báo đó không? Cấp tòa sơ thẩm chưa xác minh, làm rõ việc chị Uyển sau khi sinh 10 ngày đã đi làm lại hay không… Vì vậy, HÐXX đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho TAND TP.Biên Hòa tiếp tục thu thập chứng cứ và xét xử lại.

Ngày 31/12/2014, TAND TP.Biên Hòa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần hai. Lần này, HÐXX tiếp tục chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Uyển và buộc công ty phải nhận chị Uyển trở lại làm việc, đồng thời phải thanh toán cho chị Uyển hơn 680 triệu đồng. 

Tuy nhiên, trong phiên xét xử phúc thẩm lần hai vào ngày 25/8/2015, TAND tỉnh Ðồng Nai vẫn tuyên hủy bản án và giao toàn bộ hồ sơ cho cấp tòa sơ thẩm xét xử lại với lý do: cấp tòa sơ thẩm chưa làm rõ chị Uyển có biết hay không việc công ty thay đổi địa điểm trụ sở mới, mức lương mà chị Uyển thực lãnh…

Ngày 29/9/2016, TAND TP.Biên Hòa đưa vụ án “đơn phương chấm dứt HÐLД giữa chị Uyển và Công ty TNHH Shinwa Việt Nam ra xét xử sơ thẩm lần thứ ba, buộc công ty phải nhận chị Uyển trở lại làm việc, đồng thời bồi thường cho chị hơn 930 triệu đồng. 

Luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) lập luận: "theo như diễn tiến của vụ việc thì việc không cho chị Uyển vào làm việc của công ty là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Việc tòa phúc thẩm hai  lần hủy án sơ thẩm với những lý do như trên, theo chúng tôi là không chính đáng, vì không vi phạm nghiêm trọng tố tụng". 

 Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI