Bí mật sau bút danh của nhạc sĩ Hoàng Việt

23/09/2023 - 23:23

PNO - Ông từng đặt bút danh là Hoàng Việt Hận, nhưng sau đó nhạc sĩ Huê Nhu khuyên ông nên bỏ chữ "Hận".

NSƯT Lê Thiện (áo tím) và bà Khanh kể chuyện về nhạc sĩ Hoàng Việt trong đêm nhạc
NSƯT Lê Thiện (áo tím) và bà Khanh kể chuyện về nhạc sĩ Hoàng Việt trong đêm nhạc

Tối 23/9, chương trình nghệ thuật chân dung âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Việt với chủ đề Tình ca dâng cả bao người đã diễn ra tại Nhà hát TPHCM (quận 1, TPHCM). Tại đây, NSƯT Lê Thiện và đồng đội của cố nhạc sĩ nhắc nhớ nhiều kỷ niệm về ông. 

Bà Khanh (vợ nhạc sĩ Quang Hải) là đồng đội của cố nhạc sĩ Hoàng Việt cho biết, thời đó nhạc sĩ Hoàng Việt muốn rời Sài Gòn vào khu giải phóng. Ông đi vào chiến khu Đồng Tháp Mười. Có 2 dân quân du kích theo dõi ông vì thấy lạ mặt. Khi họ đến hỏi chuyện, nhạc sĩ Hoàng Việt xưng là nhạc sĩ Lê Trực (bút danh khác của ông) để tìm đường vào chiến khu. 1 trong 2 dân quân vì không rõ lai lịch của ông, nên bắt ông đưa vào trại giáo huấn. Sau một thời gian, nhạc sĩ Huê Nhu mới biết tin này, xin chỉ thị cấp trên, được nhạc sĩ Quang Hải chèo xuồng đến trại. 

Nhờ đó, nhạc sĩ Hoàng Việt được thả, rồi về hoạt động tại quân khu 8. Ông rất vui vì được đi theo kháng chiến. Sau đó, ông sáng tác bài Biệt đô thành, để nói về niềm hân hoan này. Theo bà Khanh, có lẽ vì còn ấm ức vụ bị bắt oan, nên ông lấy bút danh là Hoàng Việt Hận. Nhưng nhạc sĩ Huê Nhu khuyên ông nên bỏ chữ "hận" đi. 

Chân dung nhạc sĩ Hoàng Việt
Chân dung nhạc sĩ Hoàng Việt thời trẻ

Trong ký ức của đồng đội, nhạc sĩ Hoàng Việt là người dễ mến, vui vẻ, có chút hài hước, nói chuyện có duyên. Nhiều người lớn khen ông vừa có tài, ăn nói hấp dẫn, dễ gieo thương nhớ. Nhưng nhạc sĩ Hoàng Việt vẫn một lòng một dạ với vợ con. 

Về mặt sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Việt thể hiện tư duy phong phú, nhạy bén, bám sát thời cuộc. Khi có chủ trương động viên thanh niên đầu quân chống giặc, thì ông có bài Lá xanh; còn khi có chủ trương kêu gọi nông thi đua tăng gia sản xuất để nuôi quân, ông viết Mùa lúa chín; nói về công tác tình nguyện, nhạc sĩ sáng tác Về đi anh… 

Đạo diễn Lâm Lê Dũng - con trai nhạc sĩ Hoàng Việt cũng góp mặt trong chương trình. Anh xúc động thay mặt gia đình cảm ơn BTC chương trình. Theo lời mẹ anh kể lại, khi ba anh về tới Trung ương cục miền Nam thì mẹ biết, nên vào thăm. Nhưng một chiến dịch của Mỹ được tiến hành khiến ba mẹ anh bị kẹt lại dưới hầm suốt 7 tuần.

Sau này, theo lời nhạc sĩ Quang Hải kể lại, nếu vợ nhạc sĩ Hoàng Việt sinh con trai thì đặt tên Trùng Phùng, còn nếu là con gái sẽ lấy tên Tao Ngộ. Nhạc sĩ Hoàng Việt mất khi con trai vừa chào đời được 1 tháng. Lê Trùng Phùng cũng chính là tên thật của đạo diễn Lâm Lê Dũng. 

Đạo diễn Lâm Lê Dũng cho biết anh không thấy buồn hay thiệt thòi vì mất cha khi còn quá nhỏ. Các cô chú rất yêu thương anh. Khi được nghe mọi người kể về cha, anh thấy rất tự hào và hãnh diện. “Điều quan trọng là tôi thấy cha có tình yêu thực sự mãnh liệt, gồm tình yêu lứa đôi, vợ chồng, đất nước, dân tộc”, anh nghẹn ngào nói.  

Trong chương trình nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Việt được thể hiện
Nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Việt đã được thể hiện

Tại chương trình, nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Việt đã được thể hiện như: Lên ngàn (NSƯT Vân Khánh), ca cảnh Nhạc rừng - Lá xanh (các nghệ sĩ đến từ trung tâm Aria Art Centre, nhóm ca múa MTV.SG), Mùa lúa chín (Trúc Lai, Cao Công Nghĩa, Thùy Trinh), Tình ca (NSND Tạ Minh Tâm)… NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Ngọc Trinh, Hòa Hiệp, Dũng Nhí kết hợp trong tiết mục kịch Ngày trở về, Bản giao hưởng dang dở nói về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Việt. 

Chương trình nghệ thuật tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Việt nhân dịp 95 năm ngày sinh của ông, do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa -Thể thao TPHCM, và Hội Âm nhạc, Đài Truyền hình TPHCM phối hợp tổ chức. Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM thực hiện. 

Nhạc sĩ Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực, còn được biết đến với các bút danh khác là Lê Trực, Hoàng Việt Hận và Lê Quỳnh. Ông sinh ngày 28/2/1928 tại Chợ Lớn (TPHCM).

Ông đi kháng chiến, tập kết ra Bắc, được Nhạc viện Việt Nam cử sang học tại Nhạc viện Bulgari, và tốt nghiệp loại ưu với bản giao hưởng Quê hương - bản giao hưởng đầu tiên của âm nhạc Việt Nam được trình diễn 3 buổi tại Bulgari.

Về nước, nhạc sĩ Hoàng Việt tình nguyện vượt Trường Sơn, trở về miền Nam. Ông có nhiều sáng tác nổi tiếng: Tiếng còi trong sương đêm, Lá xanh, Lên ngàn, Mùa lúa chín, Nhạc rừng, Tình ca...

Ông hy sinh ngày 31/12/1967 tại bờ kênh Ả Rặt, làng Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang khi mới 39 tuổi, và để lại nhiều tác phẩm còn dở dang. Năm 1985, tên của nhạc sĩ Hoàng Việt được đặt cho một con đường tại TPHCM.

Năm 1996, nhạc sĩ Hoàng Việt được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Năm 2011, ông được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.  

Trung Sơn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI