Bí mật đằng sau thói quen của bé trai

27/10/2024 - 08:49

PNO - Lỗ tiểu thấp ở bé trai như một quả bom nổ chậm, nếu không được giải quyết sớm sẽ gây ra những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần của trẻ.

Không chỉ tổn thương thể chất mà còn để lại vết sẹo tinh thần

Chị P.T.D.H. (ngụ tỉnh Đồng Nai) kể về hành trình đồng hành cùng con trai đối diện với dị tật lỗ tiểu thấp. Gia đình chị vô cùng mừng rỡ khi đón con đầu lòng chào đời. Vợ chồng chị khi đó còn trẻ, không có ông bà ở bên nên chưa có kinh nghiệm theo dõi, chăm sóc trẻ con. Bé T. - con trai chị H. - đi nhà trẻ rất hay bị ướt quần, da vùng kín thường xuyên bị mẩn đỏ, ngứa ngáy. Cô giáo đã báo với ba mẹ rằng bé T. (lúc đó 3 tuổi) đi tiểu không bình thường, hay bị són ra quần. Trước đó, bé thường xuyên mặc tã nên chị H. không để ý bé tiểu thế nào. Lúc đầu, chị nghĩ con còn nhỏ nên chưa tự chủ được việc vệ sinh cá nhân. Thế nhưng, khi tình trạng này kéo dài, người mẹ bắt đầu lo lắng và đưa con đi khám.

Cha mẹ cần theo dõi sát sao  tình trạng sức khỏe của con để  phát hiện kịp thời các bất thường  về sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet
Cha mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của con để phát hiện kịp thời các bất thường về sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet

Nghe bác sĩ thông báo con bị lỗ tiểu thấp, chị H. chết lặng. Chị không biết gì về căn bệnh này, chỉ biết rằng con sẽ phải phẫu thuật. Lúc chị gọi điện về thông báo bệnh tình của bé cho ông bà nội ngoại, mọi người đều rất lo lắng, không rõ liệu bé có bị ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này. Chồng chị H. là con trưởng nên quan niệm cháu đích tôn nối dõi đã ăn sâu vào nhận thức của gia đình. Trước khi ca mổ diễn ra, chị H. nhiều đêm trằn trọc, thức trắng vì lo cho con. May mắn, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Nhờ được can thiệp sớm, bệnh nhi không biết mình bị dị tật lỗ tiểu thấp, khi hồi phục vẫn sinh hoạt, vui chơi, hòa nhập cùng các bạn rất nhanh.

Trường hợp khác là bé K. - con chị Đ.T.T. (ngụ tỉnh Bình Dương). Chị T. cho biết con mình từ nhỏ đã rất hiếu động. Cậu bé lúc nào cũng chạy nhảy nô đùa vui vẻ. Nhưng từ khi bé K. vào lớp Một, chị T. nhận thấy con trở nên rụt rè và ít nói hơn. K. thường xuyên xin phép đi vệ sinh và có vẻ không thoải mái trong thời gian ở trường.

Một hôm, khi đến trường đón con, chị thấy một nhóm trẻ đang chỉ vào con mình, cười cợt và hét lớn: "K. đái dầm, K. đái dầm". Lúc đó, khuôn mặt K. đỏ bừng lên vì mắc cỡ. Trên đường về, người mẹ cố gắng trò chuyện với con nhưng K. chỉ im lặng và nói rằng không muốn đi học nữa.
Suốt buổi tối hôm ấy, vợ chồng chị T. cố gắng tâm sự cùng con, khơi gợi để bé nói ra vấn đề. Sau một hồi chần chừ, cậu bé mới kể cho mẹ về những lần bị bạn bè trêu chọc do tiểu són làm ướt quần. K. nói rằng bé rất xấu hổ và không muốn đến trường nữa.

Lúc đó, chị mới hiểu được những ấm ức, nỗi đau thầm kín mà con đang phải chịu đựng. Vợ chồng chị liền đưa con đi khám. Bé K. được chẩn đoán bị lỗ tiểu thấp. Lỗ tiểu của bé nằm quá thấp khiến đường đi của nước tiểu bị ngắn và hẹp. Điều này làm việc kiểm soát dòng nước tiểu trở nên khó khăn hơn, dễ dẫn đến tình trạng tiểu són. Đặc biệt, khi bệnh nhi hoạt động mạnh hoặc cười, áp lực trong bụng tăng lên khiến nước tiểu dễ dàng rò rỉ ra ngoài.

Nghe bác sĩ giải thích, vợ chồng chị T. vô cùng xót xa nghĩ về những gì con đã âm thầm trải qua. Vì quá bận rộn, họ đã bỏ qua các dấu hiệu bất thường trong sinh hoạt của con, không kịp thời nhận ra sự khác biệt ở con sớm hơn. Sau ca phẫu thuật, K. hồi phục rất tốt. Bé đã tự tin hơn rất nhiều và hòa nhập trở lại với bạn bè. Song, vết sẹo trong sâu thẳm tâm hồn trẻ thơ không biết khi nào lành lại được.

6-18 tháng tuổi là thời điểm phẫu thuật lý tưởng

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Lê Minh Tiến - Khoa Thận niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - mới đây đã chia sẻ câu chuyện một bé trai 3 tuổi đã phải đối mặt với dị tật lỗ tiểu thấp. Ngay từ khi chào đời, bé đã được phát hiện bị dị tật lỗ tiểu thấp. 2 tuổi, bé đã trải qua ca phẫu thuật để khắc phục dị tật này. Dù vậy, hành trình điều trị của bé còn nhiều gian nan khi xuất hiện biến chứng rò niệu đạo. May mắn, với sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ, bé đã hồi phục hoàn toàn. Câu chuyện của bé là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc điều trị sớm và theo dõi sát sao các biến chứng sau phẫu thuật.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho một trường hợp bị lỗ tiểu thấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - ẢNH: N.T.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho một trường hợp bị lỗ tiểu thấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: N.T.

Lỗ tiểu thấp (hypospadias) là một dị tật bẩm sinh thường gặp ở bé trai, ảnh hưởng đến vị trí của lỗ tiểu. Dị tật lỗ tiểu thấp có tỉ lệ mắc khoảng 1/200 - 300 trẻ trai sinh ra. Thay vì nằm ở đầu dương vật như bình thường, lỗ tiểu ở những trẻ này lại nằm ở vị trí thấp hơn, thậm chí có thể ở thân hoặc gốc dương vật, vùng bìu.

Nguyên nhân chính xác của dị tật trên vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng các yếu tố di truyền và môi trường được cho là có liên quan. Tùy thuộc vào vị trí của lỗ tiểu, người ta chia lỗ tiểu thấp thành 3 thể chính: thể trước, thể giữa và thể sau, mỗi thể có mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Dị tật lỗ tiểu thấp khiến bé trai gặp nhiều khó khăn trong việc tiểu tiện, dòng nước tiểu thường bị lệch hoặc yếu. Ngoài ra, dương vật của trẻ có thể bị cong, quy đầu không hoàn chỉnh và thiếu da ở mặt bụng. Để khắc phục tình trạng này, phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Thời điểm phẫu thuật lý tưởng thường là khi trẻ khoảng 6-18 tháng tuổi, giúp trẻ sớm thích nghi với cuộc sống bình thường và tránh các biến chứng có thể xảy ra sau này.

Can thiệp trễ, hậu quả khó lường

Lỗ tiểu thấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Vị trí bất thường của lỗ tiểu không chỉ gây khó khăn trong việc tiểu tiện mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác. Trẻ bị lỗ tiểu thấp thường gặp phải tình trạng tiểu rắt, tia nước tiểu yếu, thậm chí có thể bị bí tiểu, gây đau đớn và khó chịu.

Bên cạnh đó, dị tật này còn khiến dương vật bị cong, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng tình dục khi trường thành. Về lâu dài, nếu không được điều trị, lỗ tiểu thấp có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, sỏi thận, thậm chí vô sinh. Hơn nữa, việc phải đối mặt với tình trạng bệnh lý này từ nhỏ có thể gây ra những tổn thương về tâm lý cho trẻ, khiến trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm và khó hòa nhập với bạn bè. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng, giúp trẻ khắc phục dị tật, cải thiện chất lượng cuộc sống, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngoài ra, sự hợp tác chặt chẽ giữa phụ huynh và bác sĩ là yếu tố quan trọng trong việc điều trị lỗ tiểu thấp. Cha mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của con, còn bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Với sự quan tâm đúng mức, chúng ta có thể giúp trẻ vượt qua khó khăn, có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI