Bí mật của con cần được tôn trọng

01/12/2019 - 09:37

PNO - Khi chúng ta có niềm tin vào nhau, đủ nhiều, thì chính con sẽ là người kể cho mẹ nghe mọi bí mật của mình, không phải là quyển nhật ký, hay những tin nhắn trong chiếc điện thoại gợi nhiều tò mò kia, đúng không con?

Một cô bé trạc tuổi con vừa thực hiện ý định kết thúc cuộc đời mình với lý do bị mẹ xem trộm điện thoại. Rất may là sự việc không thành, cô bé vẫn còn giữ được mạng sống. Nhưng có một điều mẹ e rằng cô bé khó thể giữ được, đó là lòng tin với chính người sinh thành ra mình, và ngược lại…

Trước khi là mẹ của một đứa bé, mẹ cũng đã từng là một đứa bé. Lại là một đứa bé có nhiều cảm xúc không muốn bộc lộ ra bên ngoài, mẹ chọn cách viết nhật ký để chia sẻ mọi nỗi niềm. Với mẹ, nhật ký không phải là nơi cất giữ giùm mình những bí mật, mà còn là một người bạn duy nhất có thể lắng nghe và tôn trọng tuyệt đối bí mật đó, đủ để không tiết lộ ra bên ngoài, với bất kỳ ai. Nhưng rồi một lần mẹ phát hiện niềm tin của mình bị phản bội. 

Bi mat cua con can duoc ton trong
Ảnh minh hoạ

Khi bí mật của mẹ bị người lớn biết được, dù chả có gì ghê gớm, kiểu như chuyện “hôm nay mình đã để dành đủ tiền để mua một cái bánh mì kem”, hay “chẳng biết trên đời có người tí hon không nhỉ, trông họ có giống một củ khoai lang không?”, nhưng cảm giác bị người khác nhìn thấu những suy nghĩ ngớ ngẩn trong đầu mình, thực sự chẳng phải là điều dễ chịu chút nào. 

Lúc đó mẹ đã nghĩ, lỗi không phải của quyển nhật ký, hay của người xem trộm nó, mà là của mẹ, lẽ ra mẹ không nên nghĩ rằng nhật ký là nơi để mình trút hết mọi nỗi niềm. Kể từ đó, mẹ không viết nhật ký nữa, mẹ cất mọi bí mật vào sâu tận đáy lòng mình. Với niềm tin giản đơn rằng đó là nơi an toàn nhất, sẽ không ai có thể thò tay vào lòng mình mà lôi bí mật ra, để mà soi mói, cười cợt. 

Năm mẹ học lớp Bảy, lần đầu tiên có bạn trai gửi thư tình. Cảm giác vừa thinh thích (nên không thể vứt nó đi), vừa sợ hãi (nên phải cố gắng tìm một nơi an toàn để giấu). Cuối cùng, mẹ đành cất sâu bức thư vào ngăn kéo của chiếc tủ áo và khóa nó lại. Một đứa trẻ thì không thể ngờ được rằng người lớn luôn có những chìa khóa dự phòng.

Bức thư của mẹ bị lôi ra ánh sáng, và những tình cảm đáng yêu trong trẻo kia bị xát muối đến rát bỏng. “Học không lo học. Mới tí tuổi đầu đã bày đặt yêu với đương…”. Đại loại vậy. Người lớn thì luôn đúng, và luôn có lý lẽ để buộc những đứa trẻ phải sống theo ý mình, trong sự kiểm soát của chính mình. 

Sau lần đó, mẹ trở nên ít nói và trầm tính hẳn. Cùng với niềm tin vào người lớn bị tước đi, mẹ cảm thấy mình thật khó gần gũi với chính những người thân của mình, huống gì là tâm sự hay tìm một lời khuyên từ họ. Dù trong suốt hành trình khôn lớn, mẹ luôn chông chênh trước những quyết định quan trọng của cuộc đời, nhưng tiếc là mẹ không thể tìm được sự trợ giúp về tinh thần từ người thân.

Bao giờ mẹ cũng cân nhắc những điều mình làm, liệu có vui lòng người lớn hay không. Và dĩ nhiên, trong lúc chờ đợi để làm một đứa con ngoan, không biết bao nhiêu lần mẹ nhìn những cơ hội lần lượt trôi tuột qua tay mình.

Bi mat cua con can duoc ton trong
Ảnh minh họa

Rồi đến lúc mẹ trở thành một người lớn, trực tiếp đối diện với việc đứa trẻ của mình ngày càng trở nên khó chia sẻ những chuyện riêng tư. Thấy con buồn vu vơ, mẹ rất muốn biết chuyện gì đã xảy ra với con, nhưng lại không biết phải khai thác từ đâu. Vì chọn cách hỏi thẳng, thì con chỉ xoa dịu: “Có gì đâu mẹ. Con không sao mà”. Đôi khi mẹ đã nghĩ đến chuyện đọc nhật ký của con, xem điện thoại của con, với mục đích duy nhất là hiểu con đang trải qua những gì để có cách giải quyết kịp thời. Nhưng rồi đứa trẻ năm xưa đã ngăn mẹ lại. Có thể mẹ có thiện chí giúp đỡ con, nhưng liệu con có thực sự cần điều đó?

Đứa trẻ năm xưa nhắc mẹ biết rằng, con sẽ cảm thấy tổn thương như thế nào khi quyền riêng tư của mình bị xâm phạm, sẽ thấy mình không còn được tôn trọng khi những bí mật và thế giới nội tâm của mình bị lột trần trước mặt người khác. Đứa trẻ năm xưa cũng cho mẹ nhớ lại cảm giác bị tổn thương, đau khổ, tức giận ấy có thể ảnh hưởng đến tinh thần của mình như thế nào, với ý nghĩ mình bị nghi ngờ, giám sát, mất niềm tin, dẫn đến những mối quan hệ rạn nứt và một khoảng cách không mong muốn đương nhiên tạo ra với chính bậc sinh thành. 

Mẹ, cũng như bất cứ người làm cha làm mẹ nào không thể nhân danh tình yêu thương để cho rằng việc xem trộm nhật ký, đọc lén tin nhắn trong điện thoại, điều tra nội dung chat, email… là con đường ngắn nhất để tìm hiểu những vấn đề của con mình. Bởi khi không còn niềm tin để chia sẻ với cha mẹ những vấn đề của mình, các con sẽ đóng chặt cánh cửa lòng, sống khép kín, điều này rất dễ dẫn đến trầm cảm, hay thậm chí là những hành động đáng tiếc.

Rất may là mẹ đã cầm quyển nhật ký của con lên, và quyết định đặt nó vào chỗ cũ. Với một suy nghĩ rằng, khi chúng ta có niềm tin vào nhau, đủ nhiều, thì chính con sẽ là người kể cho mẹ nghe mọi bí mật của mình, không phải là quyển nhật ký, hay những tin nhắn trong chiếc điện thoại gợi nhiều tò mò kia, đúng không con?

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI