Bí mật bộ xương khủng long được giấu kín trong rừng Cúc Phương

19/08/2015 - 16:03

PNO - Theo kết luận ban đầu của Viện Cổ sinh học Việt Nam, đây là hóa thạch của loài bò sát răng phiến, sống cách ngày nay chừng 200 đến 230 triệu năm.

Giữa khung cảnh âm u của rừng già, ban ngày mà cứ lờ nhà lờ nhờ, tôi đã vô cùng kinh ngạc khi được tận mắt chứng kiến từng đốt sống, từng giẻ xương sườn của loài thú cổ xưa hiện lên như bức tranh tạc nổi giữa vách đá.

Giấu kín như kho báu

Cách đây 6 năm, trong lần tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương, tôi được đọc một tài liệu rất hấp dẫn về Cúc Phương. Trong phần “Phong cảnh caxtơ và giá trị khảo cổ” có vài dòng ngắn gọn như sau: “Thuộc địa hình caxtơ nửa che phủ, Cúc Phương có nhiều hang động đẹp với những cái tên gợi cảm như: động Sơn Cung, động Phò Mã Giáng…

Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử, sống cách ngày nay từ 7.500 năm đến 12.000 năm, đó là Hang Đắng (động người xưa), hang Con Moong.

Năm 2000, Cúc Phương đã phát hiện hóa thạch của một loài động vật có xương sống, theo kết luận ban đầu của Viện Cổ sinh học Việt Nam, đây là hóa thạch của loài bò sát răng phiến, sống cách ngày nay chừng 200 đến 230 triệu năm”.

Bi mat bo xuong khung long duoc giau kin trong rung Cuc Phuong
Vách đá có hóa thạch bò sát răng phiến

Đọc được mấy dòng chữ này, tôi thực sự như “ngồi trên đống lửa”, rất muốn tận mắt thấy loài thú sống cách ngày nay những 230 triệu năm, khi loài người, có lẽ là cả loài khỉ nữa, cũng chưa có mặt trên trái đất này.

Tôi đã trình đủ các loại thủ tục, gồm giấy giới thiệu, thẻ nhà báo, công văn, song chỉ nhận được từ Ban lãnh đạo Vườn quốc gia Cúc Phương mấy từ: “Mong đồng chí nhà báo thông cảm. Bộ xương hóa thạch này quý lắm, cả Đông Nam Á chưa tìm ra bộ xương thứ hai, tiết lộ cho nhà báo nhỡ có kẻ biết đường vào đào trộm thì… chết dở”.

Nghe các đồng chí lãnh đạo nói thế, thì còn biết nói khó, nói dễ thế nào được nữa. Tuy nhiên, trước khi thất thểu ra về, tôi luôn nhận được lời động viên: “Khi nào các nhà khoa học nghiên cứu xong, dập được phiên bản bằng thạch cao thì nhất định sẽ mời nhà báo vào rừng tận mắt và nói cho thiên hạ biết”.

Biết không thể chiêm ngưỡng bộ xương hóa thạch kỳ bí thông qua Ban lãnh đạo Vườn quốc gia Cúc Phương, tôi đã tìm gặp các hướng dẫn viên du lịch những mong được tận mắt bộ xương như một du khách.

Tuy nhiên, các hướng dẫn viên du lịch đều lắc đầu: “Chỉ nghe nói về bộ xương hóa thạch, chứ chả ai biết nó ở đâu. Cúc Phương rộng hơn 22 ngàn héc-ta, toàn rừng sâu với đá tai mèo lởm chởm, có đi cả đời cũng không tìm thấy”.

Nhờ hướng dẫn viên không được, tôi đi tìm… lâm tặc, những kẻ xẻ gỗ trong rừng, những chị em đào măng, bẻ củi, bắt cua đá, ốc núi (tất cả những người vào Vườn quốc gia kiếm sống đều là… lâm tặc), tuy nhiên, mọi người đều lắc đầu không biết hóa thạch “khủng long” là thứ gì.

Bi mat bo xuong khung long duoc giau kin trong rung Cuc Phuong
Hóa thạch bò sát răng phiến

Mới đây, trong những ngày mưa bão, tôi lại tìm về Vườn quốc gia Cúc Phương. Mùa mưa bão, nên Vườn quốc gia vắng tanh, chả có ai dại dột đi du lịch rừng già mùa này để làm mồi cho vắt.

Có lẽ, do thông cảm với lòng nhiệt tình của tôi, nên anh Lập, Trưởng phòng Khoa học, thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, đã đồng ý cho tôi được tận mắt “kỳ quan hóa thạch” có một mà chưa có hai ở Đông Nam Á này.

Tuy nhiên, trước khi đồng ý cho tôi đi, anh Lập bắt tôi thề thốt ghê gớm lắm, nhất định không được tiết lộ đường đi lối lại dẫn vào khu vực có hóa thạch.

Và khi tôi đang phấn khích lắm với việc sắp được tận mắt nhìn thấy bộ xương hóa thạch, thì anh Lập khẳng định như đinh đóng cột một câu: “Tớ nghĩ chín mươi phần trăm là chuyến đi thất bại.

Đang mưa bão thế này, có chỗ đá tai mèo trơn chuồi chuỗi, trèo ngã thủng bụng, có chỗ thung lũng nước ngập quá đầu, có mà kéo xuồng vào mới qua được. Nhưng khiếp nhất là vắt, chúng sẽ xơi tái cậu”.

Bi mat bo xuong khung long duoc giau kin trong rung Cuc Phuong

Nghe anh Lập dọa thế, anh nào yếu vía chắc tạm biệt Cúc Phương, cố chờ cho đến mùa khô. Nhưng cơ hội ngàn năm có một, nên tôi cứ liều đi.

Sớm hôm sau, khi tiếng khỉ hót ríu rít gọi bầy đi kiếm ăn, thì anh Lương Khắc Hiến, cán bộ của phòng Khoa học đã có mặt chờ tôi.

Sau khi chiếc ô tô của Vườn quốc gia Cúc Phương chạy được 5km trong rừng, thì dừng lại trước một tấm biển đề: “Lối đi tham quan cây đăng”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI