Bị lột quần áo giữa đường mà lấy được vợ hiền

10/11/2015 - 07:36

PNO - Bị làm nhục giữa đường nhưng trong cái không may lại gặp được duyên may, đó là trường hợp của Tiến sĩ Uông Sĩ Đoan - danh thần triều Hậu Lê.

Chân dung ông Nghè đổi họ

Uông Sĩ Đoan còn có tên khác là Sĩ Đạt, sinh năm Giáp Tuất (1694), vốn họ Giang nhưng từ đời ông do kiêng huý của chúa Trịnh Giang nên đổi thành họ Uông.

Ông quê ở làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lam, phủ Tân Hưng, trấn Sơn Nam (nay là xã Thái Hưng, huyện Thái Thuỵ, Thái Bình), đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721) đời Lê Dụ Tông. Khoa thi năm đó, triều đình chấm đỗ được 25 người, Uông Sĩ Đoan đứng thứ 6 ở bậc Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Bi lot quan ao giua duong ma lay duoc vo hien

Vinh quy bái tổ (Tranh minh họa)

Nội dung tấm bia khắc tên những người đỗ khoa này có đoạn cho biết như sau:

“Đề sách vấn hỏi về đạo trị nước. Sáng hôm sau, quan đọc quyển nâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ bậc cao thấp… Loa truyền người đỗ, bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ở trước cửa nhà Thái học. Lúc bấy giờ, người tới xem chen vai nối gót, áo mũ đầy đường, đều nói rằng từ hồi trung hưng tới nay, khoa mục được người thì khoa này là thịnh nhất”.

Sau khi đỗ đạt, Uông Sĩ Đoan bước vào con đường chính trị. Ông trải nhiều chức vụ, làm quan đến Hữu Thị lang Bộ Công, tước Lam Đình bá và ông cũng là người khai sinh của một trong những dòng đại khoa bảng ở vùng Sơn Nam Hạ xưa và Thái Bình ngày nay.

Duyên hay giữa cảnh trớ trêu

Thuở hàn vi, vì nhà nghèo nên Uông Sĩ Đoan phải đi ở rể tại làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh). Và nếu không có sự giúp đỡ của cô gái bán vải thì không rõ số phận của ông sẽ thế nào. Sách Tang thương ngẫu lục cho biết như sau:

“Khi chưa đỗ đạt, ông Uông Sĩ Đoan ở rể tại một nhà giàu trong làng [Du Lâm] và đã sinh hạ được một người con trai. Người vợ của ông tính khí dữ dằn, hễ thấy bạn của chồng tới chơi là đuổi thẳng, lại còn lớn tiếng nói rằng:

- Đồ dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm chớ gì mà nói năng ỏm tỏi ra chiều bắng nhắng thế!

Đến khi có khoa thi, ông sắm sửa để đi, người vợ vốn tính rất keo kiệt, quyết không chịu chu cấp hành lí lệ phí gì cho ông cả. Ông giận dỗi, vùng vằng ra đi, ai dè bà ta đuổi theo, lột hết quần áo, khiến ông phải lội xuống ao để núp.

Bấy giờ, một cô gái ở làng bên cạnh cùng bà mang vải ra chợ bán, thấy cảnh ấy, liền nhờ bà tới hỏi xem đầu đuôi sự thể thế nào. Biết chuyện, cô xé vải tặng cho để ông đóng khố dùng tạm. Khoa ấy ông thi đỗ, liền cưới cô gái ấy làm vợ.

Sau, ông làm quan trong triều đến hơn sáu mươi năm, thọ 99 tuổi. Người con gái này sau được phong là Chính phu nhân của ông. Các quan Bồi Tụng là Uông Sĩ Lãng, Tri huyện Cẩm Giàng là Uông Sĩ Thiến, Lại Bộ Lang Trung là Uông Sĩ Trạch, đều do bà Chính phu nhân này sinh ra cả”.

Bi lot quan ao giua duong ma lay duoc vo hien

Tình cô bán vải (Tranh minh họa)

Tương truyền, sau khi đỗ đạt và cưới cô gái bán vải đã cứu mình khỏi tình huống dở khóc dở cười, bà vợ cũ của Uông Sĩ Đoan liền chạy đến kiếm chuyện. Người vợ mới của ông bình thản nói:

- Tôi chỉ lấy cái mà bà đã nhẫn tâm vứt xuống ao, chứ có tranh giành cái gì của bà đâu? Còn như áo mũ hiện giờ mà chồng tôi đang mặc là của vua ban, bà có giỏi thì cứ đến mà lột.

Bà vợ cũ nghe vậy xấu hổ quá, bỏ làng mà đi, không rõ tung tích sau này ra sao nữa nhưng người đời vẫn chê cười vì không thấy được “ngọc trong đá”, bà chê chồng “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” mà quên mất câu:

Dài lưng đã có võng đào,

Tốn vải đã có áo trào vua ban.

Tác giả cuốn Việt sử giai thoại có lời bàn rằng: “Bà vợ đầu của Uông Sĩ Đoan cũng là người nổi tiếng, chỉ tiếc là nổi tiếng ăn ở vô đạo. Khi lột hết quần áo của chồng để hạ nhục chồng, chính bà đã lột bỏ hết chút tình mong manh cuối cùng của hai người rồi đó vậy.

Khéo khen cho Tiến sĩ Uông Sĩ Đoan, đã giỏi nuôi chí học hành, lại còn giỏi nhịn... Cô gái bán vải trong chuyện này, cả nhân ái lẫn đoan trang đều có thừa vậy. Uông Sĩ Đoan không nhớ ơn nghĩa, phỏng có được chăng?”.

Với người vợ sau của Uông Sĩ Đoan, cái đẹp của bà có thể thấy rõ và với một người như vậy, “phúc đức tại mẫu”, không phải ngẫu nhiên mà các con do bà sinh ra đều thành đạt đâu?

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI