Bí kíp phân chia tiền chung, tiền riêng trong hôn nhân đáng học hỏi

14/08/2019 - 15:41

PNO - Cuộc khảo sát cho thấy, 45% phụ nữ muốn độc lập về kinh tế và 15% không cho rằng bạn đời được hưởng tài sản của đối phương. Cách quản lý tài sản sẽ nói lên mối quan hệ của họ như thế nào.

Trong khi các cặp vợ chồng trên 55 tuổi vẫn theo cách truyền thống sử dụng chung tài khoản và chia sẻ tiền bạc, thế hệ phụ nữ mới chọn cách độc lập về tài chính. Câu nói cũ “của anh là của em” giờ đã được đổi thành “của em là của em”.

Khảo sát mới nhất trong gần 4.000 phụ nữ cho thấy, 30% ở độ tuổi từ 16 đến 34 chọn cách không chia sẻ tài chính với người thân của mình. Sự thay đổi này là kết quả của sự thay đổi nhiều yếu tố xã hội. Phụ nữ kết hôn muộn hơn, đồng nghĩa với việc họ đã xây dựng thành công một nền tảng trong sự nghiệp và tài chính, đôi khi họ đã có trong tay cả bất động sản. Thế hệ trẻ cũng chứng kiến cảnh cha mẹ ly hôn và có những bước chuẩn bị cho mình.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 45% phụ nữ muốn độc lập về kinh tế và 15% không cho rằng bạn đời của họ được hưởng tài sản của họ. Cách các cặp đôi trẻ quản lý tài sản sẽ nói lên mối quan hệ của họ như thế nào.

Bi kip phan chia tien chung, tien rieng trong hon nhan dang hoc hoi
Hình minh họa

Tài khoản chung theo tỷ lệ

Theo cách này, vợ chồng sẽ thỏa thuận mỗi người góp vào tài khoản chung một số nhất định, tỷ lệ được tính toán theo mức thu nhập của từng người. “Chúng tôi có một tài khoản chung sử dụng cho các thu chi trong gia đình, trả tiền các hóa đơn và các khoản liên quan đến con cái” - Fiona, bà mẹ hai con, 47 tuổi, làm việc trong ngành truyền thông chia sẻ. “Số tiền còn lại sau khi góp vào tài khoản chung là của tôi, tôi sẽ sử dụng chúng tùy thích, có nghĩa là tôi không phải xin phép hay đắn đo về cách chi tiêu của mình với ai cả trừ chính bản thân tôi”.

*Chuyên gia tâm lý gia đình Linda Blair nhận định: 

“Đây là cách tôi thích nhất và cũng áp dụng cho chính tôi. Cách này sẽ giúp các gia đình tránh khỏi những cuộc cãi vã và cảm giác tội lỗi khi xài tiền của cả hai, vì bạn được phép sử dụng nó sau khi đã đóng góp vào các khoản chi tiêu trong gia đình”.

Bí mật tiết kiệm

Các cặp vợ chồng này cũng có tài khoản tiết kiệm, bên cạnh đó người vợ vẫn có các tài khoản tiết kiệm riêng mà người chồng không biết, và đương nhiên là không có quyền đụng tới. “Bố mẹ tôi chia tay lúc tôi 9 tuổi, bố bỏ đi để lại cho mẹ một khoản nợ lớn” - Jenny, một giáo viên, 40 tuổi, tự nhận mình là người có tài khoản tiết kiệm bí mật chia sẻ. “Mẹ tôi nghỉ việc sau khi có con nhỏ, nhưng khi bố bỏ đi, mẹ phải làm hai công việc để nuôi chúng tôi. Tôi còn nhớ mình đã tự nhủ sẽ không bao giờ dựa dẫm vào đàn ông, tôi sẽ luôn có khoản dự trữ cho riêng mình. Đó là lý do tại sao tôi không bao giờ bỏ việc sau khi sinh em bé”. 

Jenny bắt đầu có tài khoản tiết kiệm từ năm 21 tuổi, rất lâu trước khi gặp chồng tương lai của mình. “Miễn là bạn có một khoản tiền riêng cho mình, chồng tôi không biết tôi có bao nhiêu trong tài khoản riêng, tôi không có ý định giấu anh ấy, nhưng đây chỉ là một khoản nhỏ như một kế hoạch B an toàn cho tôi”.

* Chuyên gia nhận định:

Trong các mối quan hệ, bí mật là dấu hiệu bạn đã không tin tưởng nhau. Nên các cặp đôi theo cách này, tức là họ đang xây dựng sự nghi ngờ trong mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu bạn nói cho chồng biết rằng mình có một tài khoản riêng, “nhưng em sẽ không nói là bao nhiêu” thì vấn đề sẽ tốt hơn.

Bi kip phan chia tien chung, tien rieng trong hon nhan dang hoc hoi

Ảnh minh họa

Tài khoản của anh và của em

Nếu không thích sự phiền hà của tài khoản chung, nhiều cặp chọn cách lập tài khoản của chồng và của vợ rồi chuyển khoản cho nhau khi có các chi tiêu liên quan đến gia đình. Cách này tốt nhất là khi cả hai có thu nhập tương đương nhau.

“Em trả tiền học cho con, anh trả tiền nhà” - Beatrice, nhà văn, 36 tuổi, chia sẻ cách cô và chồng, cũng là một nhà văn quản lý tài chính trong gia đình. “Nếu tôi mua vé máy bay cho cả gia đình đi du lịch, thì kỳ sau anh ấy cũng sẽ bao cả nhà một khoản tương tự. Không cần phải tính toán một cách chính xác, đôi khi tôi cạn sạch tiền trong tài khoản của mình, anh ấy sẽ chuyển vào tài khoản cho tôi. Tuy cách này không được ổn định lắm, nhưng tôi cảm thấy thoải mái khi chồng không thấy số tiền của một chiếc áo mắc tiền hiện lên trong báo cáo tài khoản”.

* Chuyên gia nhận định:

Ba vấn đề các cặp vợ chồng hay gặp bất đồng nhất là: tình dục, tài chính và nuôi dạy con cái. Bạn đã tránh được rất nhiều rắc rối bằng cách có tài khoản riêng. Cách này cũng giúp bạn có thể tặng quà ngẫu nhiên cho vợ hoặc chồng để tạo sự ngạc nhiên cho họ.

Bất động sản riêng

Giữ bất động sản trước khi cưới cũng là cách phụ nữ chứng minh sự độc lập tài chính của mình.

Hazel, 38 tuổi, làm việc trong ngành marketing cho biết, cô gặp chồng sắp cưới Simon khi cô 33 tuổi. Lúc đó cô đang tiến hành thủ tục mua căn hộ cho riêng mình. Simon làm việc tự do và có thu nhập không ổn định. Anh dọn vào căn hộ với Hazel, chia sẻ tiền nhà và chi phí sinh hoạt. Gần đây, Hazel chuyển vào căn hộ của anh, cô hy vọng vẫn giữ được căn hộ trước khi cưới của mình một cách độc lập. “Mẹ tôi nội trợ và bố tôi là người kiếm tiền chính trong nhà. Nhưng tôi vẫn thích có tài chính độc lập cho riêng mình. Tôi cho rằng Simon cũng có ý định như vậy nên chúng tôi thống nhất sẽ có kinh tế độc lập cho dù sau này khi chúng tôi có con cũng vậy”.

*Chuyên gia nhận định:

Càng ngày khuynh hướng “chung sống có khoảng cách” ngày càng gia tăng, và điều này đã chứng minh có sự liên kết với hạnh phúc và tự do trong các đôi vợ chồng. 

Phan Quỳnh Dao (theo Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI