Bi kịch phía sau những chiếc điện thoại thời thượng

26/11/2018 - 06:44

PNO - Cuối tuần qua, đại diện công ty điện tử đa quốc gia Hàn Quốc Samsung Electronics đã chính thức gửi lời xin lỗi 320 nạn nhân là công nhân bị nhiễm độc khi làm ở các nhà máy của công ty này.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa khép lại. 

Bi kich phia sau nhung chiec dien thoai thoi thuong
Ông Hwang Sang-gi bên di ảnh của con gái Hwang Yumi

Từ năm 2007, người nhà các nạn nhân mắc ung thư (có kết luận y khoa nhiễm độc trong nhà máy) đã khởi động cuộc chiến pháp lý, đòi lại công bằng cho người thân của mình. Hành trình ấy vô cùng gian lao, hơn 10 năm sau, họ mới nhận được lời xin lỗi chính thức từ Samsung Electronics (công ty con có hoạt động chủ lực tại Samsung Group) cùng cam kết bồi thường 133.000 USD cho mỗi trường hợp.  

320 nạn nhân mắc ung thư (làm việc cho Samsung Electronics từ năm 1984)  cùng người nhà của họ ròng rã nhiều năm trời kiên trì theo đuổi vụ kiện. Trong số đó, 118 người đã không chờ được đến ngày nhận lời xin lỗi. Cơn bạo bệnh của những công nhân là lao động chính trong gia đình kéo theo những bi kịch đẫm nước mắt. Cô Park Min-sook (43 tuổi), từng là công nhân sản xuất chip và mắc ung thư vú một thời gian sau khi làm việc ở nhà máy cho biết, đại diện công ty từng đến tìm cô và ngỏ ý bồi thường gần 900.000 USD với mong muốn cô giữ im lặng, phủ nhận việc cô mắc bệnh là do môi trường làm việc kém an toàn, nhưng cô đã từ chối. 

Ông Hwang Sang-gi là một tài xế taxi, gia cảnh chẳng khá giả gì và càng khốn khổ hơn sau khi con gái 22 tuổi Hwang Yumi của ông qua đời vì ung thư máu sau một thời gian làm việc ở nhà máy của Samsung Electronics. Hwang Yumi được xác nhận nhiễm độc benzene, chất phóng xạ ion hóa cùng nhiều hóa chất khác ở nơi làm việc (những chất này không có trong sinh hoạt hằng ngày). Ông nhất quyết từ chối khoản hỗ trợ mà không kèm bất cứ lời giải thích hay thừa nhận trách nhiệm nào từ phía công ty.

Quá trình điều tra từ cơ quan chức năng gặp vô vàn khó khăn vì đại diện công ty nhất quyết không đưa ra thông tin mô tả điều kiện làm việc với lý do… bí mật kinh doanh. Ông Hwang Sang-gi bằng sự hỗ trợ từ chính phủ Hàn Quốc với số tiền bồi thường 230.000 USD và ông quyết đi đến cùng để tìm công lý. Nhưng sự thật mà mãi sau này ông mới tường tận là số tiền ấy do Samsung Electronics dàn xếp với chính quyền, thông qua chính quyền để bồi thường cho gia đình nạn nhân, đổi lại họ không cần ra mặt trực tiếp nói lời xin lỗi. 

Thái độ tích cực của Samsung Electronics lần này được cho là điều họ phải làm trong bối cảnh họ cần sự ủng hộ của người tiêu dùng và cả dư luận sau hàng loạt biến cố nội bộ. Nổi bật trong số đó là vụ Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong bị bắt do liên quan đến cáo buộc bê bối tham nhũng liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye. Tuy nhiên, dù Samsung Electronics có lên tiếng xin lỗi thì những cảnh báo về nguy hiểm bên trong các nhà máy của họ vẫn chưa được loại trừ triệt để.

Hiện Samsung có hai nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, cung cấp một nửa số điện thoại của hãng này ra toàn cầu. Trong số lao động làm việc ở hai nhà máy trên có đến 80% là phụ nữ. Một cuộc phỏng vấn kín thực hiện với 45 phụ nữ là lao động ở hai nhà máy này cho biết, điều kiện lao động không đáp ứng tiêu chuẩn. Việc sẩy thai ở các lao động nữ là chuyện thường xuyên. Nhiều người còn than phiền rằng, họ bị đau nhức xương khớp, đau chân vì đứng suốt 70-80 giờ mỗi tuần. 

Anh Thông 
(theo Telegraph, goodelectronics.org, Star, SMH)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI