|
Giá nhiên liệu tăng cao khiến nhiều tàu cá ở xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi không thể ra khơi |
Nợ "nuốt" mất nhà
Chiều muộn, tôi trở lại tổ dân phố Thạnh Đức 2 (xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), nơi trước đây từng được mệnh danh là “làng chài tỷ phú”.
Trong căn nhà nhỏ, “lão làng” Phan Văn Cúc, 84 tuổi, thở dài. Con trai cụ Cúc làm ăn thua lỗ phải bán cả đôi tàu mà vẫn chưa trả hết nợ. Căn nhà và mảnh đất liền kề của vợ chồng anh con trai Phan Văn Công và chị Thái Thị Bích Thu bị kê biên bán cho chủ khác. Chị Thu và đứa con nhỏ phải thuê lại căn nhà của mình trước đó để ở với giá mỗi tháng 600.000 đồng. “Tui có ba đứa con trai hành nghề giã cào đôi. Hai đứa làm ăn thua lỗ phải bán tàu trả nợ. Riêng thằng Công phải bán luôn cả đất đai nhà cửa mà trả vẫn chưa xong” - cụ Cúc than.
Gia cảnh khốn khó, chị Thu kiếm sống bằng nghề bán bánh bèo, nhưng cũng ế ẩm. Hằng ngày, chị ra cảng cá Sa Huỳnh nhặt nhạnh mớ “hàng dạt” mang về sơ chế rồi đem bán lại kiếm dăm bảy chục ngàn. Khoản tiền ấy không đủ nuôi sống hai mẹ con nên chị phải chạy vạy vay mượn bà con láng giềng.
Hơn nửa năm nay, chồng chị “đi bạn” ở vùng biển phía bắc, nhưng do giá dầu tăng cao, chủ tàu thường xuyên thua lỗ, nên cũng chẳng có tiền gửi về. Con trai lớn của chị, 15 tuổi, phải nghỉ học theo người bác ruột lênh đênh sóng nước khơi xa.
Bà Trần Thị Được, vợ ngư dân Huỳnh Đinh Dun, thở dài thườn thượt khi nói đến tình cảnh của mình. Căn nhà vợ chồng bà đang trú ngụ bị kê biên, chờ định giá để bán thu hồi nợ. Đôi tàu cá giã cào tổng công suất 1.000 mã lực đóng mới và cải hoán bốn năm trước với giá gần 4 tỷ đồng đang nằm “chết dí” tại cảng cá ở Quảng Bình vì xăng dầu quá cao, không thể ra khơi. Khoản nợ gốc cộng lãi khoảng 3 tỷ đồng ngày đêm ám ảnh tâm trí ông bà.
Nhiều người ước chừng căn nhà của ông bà bán được khoảng 1 tỷ đồng, nếu may mắn bán được cả đôi tàu lấy vài trăm triệu thì việc trả hết nợ cũng vẫn còn xa vời. “Giờ tui không mong ước gì hơn, chỉ muốn ngân hàng đừng xiết nhà, xiết tàu, để ổng làm ăn rồi trả lần lần. Tui cũng mong muốn Nhà nước điều chỉnh hạ thấp giá xăng dầu để bà con còn đường làm ăn sinh sống” - bà Được bộc bạch.
|
Đường vào làng chài Thạnh Đức 2 |
Ông Võ Ngọc Duyên - Tổ trưởng dân phố Thạnh Đức 2 - cho biết, ông đã bao lần than thở cùng cán bộ các đơn vị liên quan đến nhà ngư dân bị kê biên. Khi “bão nợ” chưa ập đến, số lượng tàu cá là trên 300 chiếc, hầu hết hành nghề giã cào đôi. Biển cạn cá tôm và xăng dầu tăng giá khiến nhiều ngư dân làm ăn thua lỗ. 31 chủ tàu bị kê biên tài sản, trong đó có 15 người mất cả cửa nhà.
“Nếu giá xăng dầu cứ ở mức cao thế này thì sẽ có thêm nhiều người lâm cảnh tương tự. Chúng tôi mong muốn Nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu xuống thấp để ngư dân còn đường ra khơi. Ngân hàng cũng nên khoanh nợ, giãn nợ để bà con có cơ hội làm ăn và trả dần” - ông Duyên kiến nghị.
Hậu quả từ giã cào
Thuở trước, vùng biển Sa Huỳnh còn lắm cá nhiều tôm, những chuyến vươn khơi trở về tôm cá luôn đầy khoang. Bởi thế, có câu hát rằng: “Sa Huỳnh rợp mát bóng dừa / Biển xanh thuyền lại sớm trưa đi về…”. Thuở ấy, sớm mai, nhiều người dong thuyền ra vùng biển gần bờ bủa câu. Trưa nắng, họ đưa thuyền về bến để cá tôm kịp đưa về phiên chợ chiều ở những làng quê lân cận. Cuộc sống nhẹ nhàng, xóm làng yên vui. “Khi ấy cá nhiều lắm, có bữa câu được 2 - 3 tạ cá thiều. Nhiều hôm trúng đậm cá nục to bằng bắp tay. Giá cá lúc đó thấp, nhưng sống khỏe…” - cụ Cúc nhớ lại.
Rồi cách nay gần 30 năm, có người nơi khác cập bến Sa Huỳnh hành nghề giã cào bướm. Họ đóng giàn gỗ ở đuôi tàu rồi buộc lưới xòe ra tựa đôi cánh bướm khi tàu tiến về phía trước, tôm cá lớn nhỏ đều không thể thoát khỏi lưới dày. Hải sản thu được khá nhiều thôi thúc ngư dân Sa Huỳnh chuyển đổi theo phương thức đánh bắt nói trên. Nhưng chẳng ngờ đấy là khởi đầu cho một tương lai khốn khó. Nhiều người còn cải tiến phương pháp đánh bắt từ giã cào đơn (một tàu) thành giã cào đôi với hai tàu chạy song song kéo theo dàn lưới dày và to cào hốt tất tần tật hải sản từ lớn đến nhỏ, khiến nguồn cá tôm bị tận diệt.
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng đã ra quy định nghiêm cấm tàu cá giã cào hoạt động ở vùng lộng và ven bờ. Để tiếp tục hoạt động đánh bắt, ngư dân phải vay tiền cải hoán tàu cũ hoặc đóng tàu mới có công suất lớn để vươn khơi xa với hy vọng việc đánh bắt sẽ khấm khá hơn.
Bốn năm trước, ông Huỳnh Đinh Dun đã thế chấp đất ở cùng căn nhà và hai tàu cá để vay ngân hàng 3,5 tỷ đồng đóng mới một tàu cá và cải hoán chiếc sẵn có với tổng công suất 1.000 mã lực. Những chuyến đánh bắt dài ngày đã giúp ông trả được 1,3 tỷ đồng. Nhưng rồi biển xa cũng cạn nguồn hải sản khiến ông thua lỗ. Dịch COVID-19 bùng phát, tàu cá nằm bờ dài ngày khiến khoản nợ vay không thể trả.
|
Ngư dân Huỳnh Đinh Dun (trái) âu sầu vì bị ngân hàng kê biên tài sản bán thu hồi nợ |
Gần đây, khi dịch hết thì nhiên liệu lại tăng cao khiến tàu tiếp tục nằm bờ. Do không thể trả tiền gốc và lãi nên căn nhà của ông bà bị ngân hàng kê biên để bán thu hồi nợ. “Buồn lắm chú à! 15 tuổi tui đã xuống tàu đi biển. 22 tuổi, tui làm chủ tàu. Bao nhiêu năm làm ăn xây dựng được cửa nhà, lo cho vợ con. Giờ mất nhà mà nợ chưa biết khi nào trả xong…” - ông Dun than thở.
“Cá tôm cạn kiệt nên cuộc sống khó khăn lắm. Nhà nước cấm nghề giã cào để tôm cá hồi sinh là đúng, nhưng những ngư dân hành nghề này giờ chẳng biết lấy gì để sống và tiền đâu trả nợ!” - cụ Cúc chua xót.
Ông Phùng Đình Toàn - Phó Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi - cho rằng, giã cào là một nghề khai thác không chọn lọc, mang tính tận diệt, nên từ năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quy định không phát triển thêm nghề giã cào. Nghề này chỉ được cấp phép hoạt động trên vùng biển khơi, không được khai thác vùng lộng và ven bờ. Cơ quan chức năng tuyên truyền, khuyến khích bà con nên chuyển sang các nghề khai thác chọn lọc, không hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Từ năm 2019, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, từ nghề giã cào sang các nghề khác. Tuy nhiên, đến năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chính sách chuyển đổi nghề chưa được ban hành.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ nghề giã cào sang các nghề khác” - ông Toàn nói.
Trước những khó khăn kéo dài của nghề đi biển, nhiều ngư dân đã kêu bán tàu giã cào để trả nợ, nhưng chẳng có người mua. Những chiếc tàu tiền tỷ hoang phế nơi bến đậu trông thật não lòng. Về việc ngư dân chưa chuyển đổi nghề, ông Lê Trung Thành - nguyên Giám đốc Hợp tác xã Viễn Đông - Sa Huỳnh (đơn vị chuyên đóng mới tàu cá cho ngư dân xã Phổ Thạnh) lý giải: “Tàu cá giã cào chạy mạnh nhưng chậm và hao nhiên liệu hơn so với những loại khác. Bây giờ, nếu muốn chuyển đổi sang nghề khác thì phải đổi máy, cũng tốn vài trăm triệu, chưa kể ngư cụ. Phải có nguồn hỗ trợ kha khá thì bà con mới đủ sức…”. |
Minh Kỳ