Mẹ cô đến trễ vài phút, nên Ying quyết định tự đi bộ về nhà. Nhà cô bé không xa, chỉ bằng khoảng cách giữa hai bến xe buýt. Ying nghĩ rằng chắc mẹ đang bận rộn chuẩn bị cho bữa tiệc ngày hôm sau của gia đình.
|
Cheng Zhu, 43 tuổi, nói chuyện với con gái Cheng Ying, 16 tuổi, trên bờ sông Tian ở tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc. Ying bị bắt cóc khi mới lên 5 tuổi và đoàn tụ với gia đình khi cô 14 tuổi - Ảnh: Washington Post |
Cô bé đi chưa bao xa, mới ra khỏi cổng trường khoảng 100 mét đã bị những kẻ lạ mặt bắt cóc tống vào một chiếc xe taxi.
Từ đây bắt đầu cuộc thử thách kéo dài suốt phần còn lại thời thơ ấu của cô bé, cướp đi của cô gần 10 năm cuộc đời.
Ying chỉ là một trong hàng trăm ngàn trẻ em ở Trung Quốc được cho là bị mất tích trong vòng 4 thập kỷ qua, một vấn đề đang từ từ thức tỉnh đất nước này nhờ áp lực của công chúng thông qua Internet và truyền thông xã hội.
Mặc dù không có con số đáng tin cậy về số trẻ em bị mất tích hàng năm ở Trung Quốc, nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra con số ước tính là 20.000 - 200.000 người. Ngay cả với một nước có dân số khổng lồ như Trung Quốc, đây vẫn là một bi kịch con người trên quy mô đáng sợ.
Nguồn gốc của vấn đề này nằm ở niềm tin truyền thống của người Trung Quốc về con trai.
Ở nông thôn, các đại gia đình mong muốn có con trai đã làm phát sinh một nhu cầu đặc biệt, nhu cầu này được các băng nhóm móc nối với cảnh sát biến chất đáp ứng.
Trung Quốc có một phong tục cũ là, các gia đình nhiều con “cho” một con của mình đến sống với người thân không con để giữ nghề của gia đình.
Anqi Shen, một chuyên gia tại Đại học Teesside của Anh, nói rằng trẻ em trai có nhu cầu cao nhất, và có thể được gia đình ở các tỉnh miền Đông Trung Quốc giàu có mua với giá 120.000 nhân dân tệ (18.000 USD).
|
Ảnh các nạn nhân Trung Quốc nhỏ tuổi bị bắt cóc và buôn bán - Ảnh: Guardian |
Câu chuyện của Ying, mặc dù thương tâm, nhưng là một kết thúc có hậu hiếm gặp.
Ying bị những kẻ bắt cóc đưa đến nhà một phụ nữ buôn bán trẻ em, nơi cô được giữ cùng với nửa tá trẻ em khác. Cô bị đánh đập và bị bỏ đói tại căn nhà hãi hùng đó.
Một lần, khi Ying 7 tuổi, cô trốn được ra ngoài và chạy đến báo cảnh sát, nhưng người ấy chỉ coi cô là một bé gái "tinh nghịch". Đó là một cú sốc lớn đối với tinh thần của Ying, nó phá huỷ niềm tin của cô bé vào chính quyền và khiến cô có cảm giác lạc lối và đơn độc.
Cuối cùng, Ying bị bán cho một gia đình hiếm muộn, kinh doanh nuôi ong và bán mật cách nhà hàng trăm dặm ở một tỉnh lân cận.
Ying nói, cô không có quan hệ và gắn bó gì với họ, và “lúc nào cũng muốn bỏ đi”.
Trong khi đó, bố mẹ cô vẫn đang bị mắc kẹt trong cơn ác mộng mất con.
Mẹ Ying, cô Jin Lunju, ngày đó đến trường vào lúc 12:10, vài phút sau khi con gái biến mất. Cô Jin ban đầu nghĩ rằng con gái đến nhà bạn chơi như vài ngày trước đó.
Đến 2 giờ chiều, cô Jin gọi cho chồng. Chồng cô - Cheng Zhu – làm nghề trang trí nội thất, nghỉ việc sớm để đến thẳng trường học con gái.
Khi không thấy con, Cheng như thấy thế giới dưới chân mình đổ sụp. Công việc của anh đang tốt đẹp, anh đang cải tạo ngôi nhà của gia đình và lên kế hoạch mua một căn nhà khác. Sống ở nông thôn và có con đầu lòng là con gái, gia đình Cheng được phép có con thứ hai.
Thất vọng vì cảnh sát không cho đăng ký một vụ mất tích khi sự cố xảy ra chưa đến 24 giờ, Cheng bắt đầu hoảng loạn tìm kiếm quanh khu vực cư trú. Anh đi từ nhà này đến nhà khác, đi từ bến xe buýt này đến bến xe buýt khác và lên danh sách 70 người thân và bạn bè tham gia cuộc tìm kiếm.
Đó là khởi đầu của một cuộc tìm kiếm kéo dài một thập kỷ.
Cheng bỏ việc, đi hàng trăm nghìn dặm khắp Trung Quốc bằng phương tiện xe hơi và xe lửa, dán tên và ảnh con gái bị mất tích lên các biển quảng cáo, dò hỏi từng manh mối, và thông qua truyền thông cũng như mạng xã hội.
Cheng bị cảnh sát các thị trấn bắt giam và đuổi ra khỏi địa phương vì hành vi đáng ngờ của mình, anh cũng bị những kẻ gian lận tìm cách lừa đảo kiếm tiền trên đau khổ của anh, nhưng anh vẫn tiếp tục đi.
|
Các gia đình Trung Quốc vô vọng tìm con mất tích - Ảnh: Sina |
Thật may mắn, bé gái Ying khi lên 15 tuổi được gia đình nuôi mua cho một chiếc điện thoại thông minh. Việc đầu tiên cô ấp ủ lâu nay là lên mạng tìm gia đình.
Kỷ niệm về gia đình còn lại duy nhất là một từ "Dabaiyang".
Ying đăng nhập vào một diễn đàn trực tuyến và hỏi có ai biết "Dabaiyang” là gì không – là tên một ngôi làng hay một đường phố.
Chỉ trong vài phút, cô đã có câu trả lời - đó là một vùng ngoại ô thành phố Tây An - và cô may mắn trò chuyện với một người phụ nữ biết đến trường hợp của cô và biết nơi để tìm địa chỉ liên lạc của ông Cheng, bố cô.
Nỗ lực không mệt mỏi của người cha cuối cùng đã đơm hoa kết trái. Sau đó vài giờ, hai cha con đã tiếp xúc với nhau.
Ying tin chắc chắn đó là người cha thực sự của cô, nhưng ông Cheng thận trọng hơn, vì ông đã từng đuổi theo nhiều đầu mối giả. Họ nói chuyện với nhau rất nhiều như thể để cố gắng tìm những chứng cứ chỉ người nhà mới biết.
"Bố có nhớ vết sẹo trên cổ tay con không?”, Ying hỏi. Người cha lặng đi, vì chi tiết này không ai ngoài gia đình biết được. Sau 10 năm, Ying đã trở về với gia đình của mình.
Hai năm sau, sự gắn bó giữa cha và con gái rất mạnh mẽ, và Ying nghĩ đến bước tiếp theo của mình trong cuộc đời.
"Tôi muốn đi học một trường đại học gần nhà, vì tôi không muốn xa gia đình mình nữa", cô gái nói.
|
Guo Gangtang với tấm ảnh con trai mất tích ông đang tìm kiếm từ năm 1997 - Ảnh: Getty Images |
Bộ Công an Trung Quốc cho biết các nhà khoa học đã phóng đại quy mô của vấn đề. Năm 2014, nhà chức trách đã giải cứu được 4.000 trẻ em, nhưng một chiến dịch từ năm 2009 đến năm 2012 đã cứu được hơn 35.000 trẻ em và bắt giữ 9.000 băng nhóm buôn người.
Trong khi đó ở Mỹ năm 2016 có khoảng 465.000 trẻ em được báo cáo là mất tích. Nhưng một nghiên cứu của Bộ Tư pháp cho thấy bình quân một năm chỉ có 115 trường hợp bị người lạ bắt cóc.
Tìm kiếm trẻ mất tích ở Trung Quốc dường như là một nỗ lực của gia đình. Ngay cả cảnh sát cũng nương tay với các gia đình mua trẻ em, và tạo điều kiện để họ đăng ký khai sinh. Trong điều kiện như vậy, cuộc tìm kiếm của gia đình thật gian nan.
Tuy nhiên, thái độ xã hội đang dần dần thay đổi.
Kể từ năm 2007, một trang web có tên là Baobeihuijia (Bảo Bối Hồi Gia - "Con ơi hãy về") đã đăng ký 36.741 trường hợp phụ huynh mất con và 30.370 trẻ em tìm kiếm cha mẹ. Trang mạng này đã giúp 1.963 gia đình đoàn tụ.
Chính quyền trung ương bắt đầu xây dựng một cơ sở dữ liệu DNA để giúp cha mẹ tìm ra con cái, và khởi động một hệ thống cấp cứu khẩn cấp trên Web.
Hoàng Diệu (theo Washington Post)