Vào một buổi chiều gần đây, một vị khách từ miền bắc Trung Quốc hút thuốc lá trong khi chờ bên ngoài Bệnh viện Gia đình Hoàn hảo Bắc Kinh.
Thuốc lá là một lý do khiến người đàn ông tới thủ đô Bắc Kinh, bởi anh nghi ngờ thói quen hút thuốc khiến khả năng sinh sản của anh giảm.
|
Một chuyên gia theo dõi phôi thai ra đời từ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) trong Trung tâm Sức khỏe Sinh sản Virtus tại Singapore. Ảnh: Bloomberg |
Vị doanh nhân xây dựng 38 tuổi họ Trương đã làm việc cật lực để gây dựng một công ty cùng vợ, một phụ nữ 35 tuổi. Song khi họ sẵn sàng sinh con, việc mang thai trở thành một thách thức.
Vì thế, Trương và vợ gia nhập đội ngũ hàng triệu cặp vợ chồng Trung Quốc trông cậy vào thị trường hỗ trợ sinh sản với tiềm năng lên tới 15 tỷ USD.
Một nghịch lý vừa xuất hiện tại Trung Quốc. Trong bối cảnh chính phủ nới lỏng chính sách một con, hàng loạt yếu tố như mật độ tinh trùng thấp, mang thai muộn và những rào cản sức khỏe khác khiến việc mang thai trở nên khó khăn với nhiều người.
Do đó, doanh nghiệp từ Trung Quốc tới Australia và thậm chí California đang đổ xô tới, và hưởng lợi nhuận, từ thị trường hỗ trợ sinh con đang phát triển nhanh.
Các gia đình hiếm muộn con ở quốc gia đông dân nhất thế giới sẵn sàng chi khoản tiền lớn cho các liệu pháp thụ thai. Trương tiết lộ giá mỗi lần thụ tinh nhân tạo lên tới 100.000 nhân dân tệ (14.700 USD, hay hơn 320 triệu đồng).
“Giờ đây điều kiện kinh tế của chúng tôi đã khá hơn. Cả hai người đều muốn có con, nhưng nó trở thành việc rất khó. Quá trình hút thuốc lá, nhậu nhẹt và ăn tối với đối tác kinh doanh trong nhiều năm đã gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi và vợ không thể thụ thai tự nhiên và chúng tôi cần sự hỗ trợ”, Trương thổ lộ.
Lối sống thay đổi
Trong nhiều thập kỷ, các gia đình ở Trung Quốc chỉ được phép có một con. Nhưng vào năm 2015, chính phủ chấm dứt chính sách này để tăng quy mô của lực lượng lao động đang giảm dần.
Chỉ riêng thị trường thụ tinh nhân tạo (IVF) đã có quy mô tới 670 triệu USD trong năm 2016 và có thể tăng vọt lên 1,5 tỷ USD vào năm 2022, theo nhận định của BIS Research - công ty chuyên cung cấp dữ liệu thị trường cho các công nghệ mới nổi.
Giả sử 65% cặp vợ chồng hiếm muộn quyết định điều trị, tổng giá trị thị trường hỗ trợ sinh sản có thể đạt khoảng 107 tỷ nhân dân tệ với chi phí trung bình 40.000 nhân dân tệ cho mỗi cặp, theo tính toán của công ty chứng khoán Hua Chuang.
Mật độ tinh trùng (đo bằng số tinh trùng trên mỗi ml tinh dịch) giảm mạnh từ 100 triệu trong những năm đầu thập niên 70 xuống 20 triệu trong năm 2012 ở Trung Quốc, theo Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu của Hội đồng Đối ngoại.
Huang cho rằng mức căng thẳng cao hơn, cộng với sự phát triển kinh tế, ô nhiễm, kết hôn muộn, sinh con muộn, hút thuốc lá, uống chất có cồn là những nhân tố góp phần gây vô sinh.
Một nghiên cứu tại miền trung Trung Quốc cho thấy chỉ khoảng 18% số nam giới khỏe mạnh tham gia các đợt kiểm tra tinh trùng đủ điều kiện để hiến tinh trùng vào năm 2015. Con số này cao hơn nhiều (56%) vào năm 2001, theo báo cáo nghiên cứu. Trong khi đó, nhiều phụ nữ Trung Quốc lại quyết định sinh con muộn để theo đuổi sự nghiệp nên khả năng thụ thai giảm.
"Thực tế ấy khiến nhu cầu dành cho các dịch vụ như IVF tăng trưởng bùng nổ tại Trung Quốc”, BIS Research nhấn mạnh.
Thị trường bùng nổ
Nhiều trung tâm và phòng khám sinh sản tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đều thấy lượng hồ sơ đăng ký điều trị IVF tăng vọt trong thời gian qua, Ủy ban Phụ nữ và Trẻ em của chính phủ cho biết.
Bác sỹ Liu Jiaen, Giám đốc một bệnh viện sinh sản tư tại Bắc Kinh, kể rằng sau khi Chính phủ bỏ chính sách "con một”, tỷ lệ phụ nữ tiến hành IVF tăng khoảng 20%.
Tính đến năm ngoái, Trung Quốc có khoảng 451 ngân hàng tinh trùng và trung tâm y tế có giấy phép phép cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên con số này quá nhỏ so với nhu cầu của thị trường 1,4 tỷ dân.
"Hỗ trợ sinh sản đã trở thành một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất, tiềm năng cao nhất tại Trung Quốc”, công ty chứng khoán Haitong bình luận.
Đưa dịch vụ ra nước ngoài
Virtus Health Lt, một công ty ở Australia chuyên điều trị các bệnh về sinh sản, thường xuyên nhận được đề nghị hợp tác từ giới doanh nghiệp Trung Quốc. Song xin giấy phép hoạt động tại Trung Quốc là việc rất khó.
Do đó, Virtus đã bắt tay với các công ty du lịch kết hợp chữa bệnh tại Trung Quốc. Họ mở các tour đưa bệnh nhân Trung Quốc đến các phòng khám tại Australia và Singapore.
Tại đây, họ có đầy đủ các chuyên gia, nhà khoa học, y tá nói tiếng Trung. Ngay cả website cũng được dịch sang tiếng Trung.
|
Mật độ tinh trùng của đàn ông Trung Quốc giảm mạnh trong mấy thập niên qua. Ảnh: VFG |
Số lượng các công ty du lịch kết hợp IVF tại Trung Quốc đang tăng liên tục. Từ con số 5 của năm 2013, hiện Global Times ước tính đã có không dưới 50 công ty cung cấp dịch vụ kiểu này.
Anna Yao, Giám đốc tiếp thị của công ty du lịch IVF Kai Xin Guo cho biết nếu như năm 2014, trung bình mỗi tháng họ chỉ phục vụ khoảng 4 bệnh nhân thì đến nay, khoảng 15 bệnh nhân đăng ký đi tour kết hợp điều trị sinh sản mỗi tháng.
Mark Surrey, đồng sáng lập kiêm giám đốc y khoa của Trung tâm Sinh sản nhân tạo South California (Mỹ) cho biết khoảng 20% bệnh nhân trong vòng 1 năm qua của trung tâm đến từ Trung Quốc.
"Ngày càng có nhiều người Trung Quốc có điều kiện tài chính để lựa chọn công nghệ hỗ trợ sinh sản hiện đại. Họ đặc biệt quan tâm đến dịch vụ xét nghiệm giới tính của bào thai, do việc lựa chọn giới tính vẫn còn bị cấm trong nước", Surrey nói.
So với ra nước ngoài điều trị, việc điều trị trong nước đỡ tốn kém hơn. Song quy trình vẫn tương đối phức tạp, như đến bệnh viện nhiều lần để xét nghiệm, lấy trứng và tinh trùng, chuẩn bị các bước thụ tinh nhân tạo.
Dù vậy, thực tế ấy chẳng thể ngăn cản Trương muốn sinh hai con – nếu như lần thử đầu tiên không cho phép họ sinh đôi.
"Khá nhiều bạn bè tôi đã thụ tinh ống nghiệm thành công. Tôi cũng muốn được hạnh phúc như họ”, anh giãi bày.
Kiến Văn (theo Bloomberg)