Bi kịch gia đình

25/03/2016 - 08:50

PNO - Gia đình chị đã tan nát trong cơn uất nghẹn và sự phản kháng. Chồng chết, vợ tù tội, mẫu tử chia lìa...

Bi kich gia dinh
Nguyễn Thị T. tại phiên xử phúc thẩm

Người phụ nữ gầy gò ấy đứng đơn độc giữa chốn công đường, nước mắt lã chã. Gia đình chị đã tan nát trong cơn uất nghẹn và sự phản kháng. Chồng chết, vợ tù tội, nhưng có lẽ nỗi đau lớn nhất của chị lúc này là sự chia lìa mẫu tử.

Nạn nhân của bạo hành

Sáng hôm ấy trời âm u, khiến chốn công đường như trở nên u ám hơn. TAND cấp cao TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị T. (SN 1993 tại Quảng Ngãi) về tội danh: “giết người vượt quá phòng vệ chính đáng”. T. sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi, phải nghỉ học giữa chừng, bỏ quê vào Sài Gòn làm công kiếm sống. Tại đây, T. gặp anh H., người cùng quê, làm thợ cơ khí. Hai người mến nhau rồi tiến đến hôn nhân.

Cứ ngỡ đồng cảnh, đồng hương sẽ giúp hai người dễ cảm thông và cùng chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình, nhưng nỗi lo cơm áo oằn nặng đã khiến đôi vợ chồng trẻ rơi rớt dần những nụ cười, nhất là sau khi T. có thai. Trước những cắn đắng tiền nong của chồng, T. về quê sinh con và nương nhờ cha mẹ. Sau thời gian ở cữ, chị ôm con vào lại với chồng. Cứ tưởng con trẻ sẽ là sợi dây gắn kết và trở thành động lực giúp anh H. chăm chỉ hơn, nhưng cuộc sống chung lại rơi vào bi kịch. H. không ít lần bạo hành người vợ đang ở nhà nuôi con, chưa thể đi làm.

Theo nội dung bản án, trưa 8/6/2014, mâm cơm vừa dọn ra thì vợ chồng T. phát sinh mâu thuẫn. Anh H. kiểm tra thông tin tài khoản thẻ ATM của vợ phát hiện có 1,1 triệu đồng, nghi ngờ vợ giấu tiền riêng, nên truy hỏi. T. giải thích, đó là tiền trợ cấp trong thời kỳ sinh con nhưng H. không tin. Họ cãi nhau kịch liệt. H. đánh, tát T. T. bỏ chạy xuống bếp nhưng H. vẫn đuổi theo, tiếp tục dùng chày đâm tiêu bằng gỗ đánh vào đầu vợ. Lúc này, T. một tay bế con, một tay chụp được con dao để trên kệ chén bát đâm một nhát trúng ngực chồng. Bị đâm, H. bỏ chạy khỏi phòng trọ, sau đó ngã gục. T. ném dao, đưa chồng đi cấp cứu nhưng do vết đâm trúng tim nên H. đã tử vong.

Mẫu tử chia lìa

Trình bày nguyện vọng trước tòa, T. xin lỗi gia đình chồng, bày tỏ mong muốn được gặp và nuôi con. Sau khi vụ án xảy ra, phía nhà nội đã đem cháu về chăm sóc. Trong suốt quá trình điều tra đến nay, gia đình chồng T. luôn có nguyện vọng được nuôi luôn cháu nhỏ.

Giữa công đường, tiếng hai cô em chồng chát chúa: “Bà T. không có tư cách làm dâu nhà tui, không có tư cách làm chị dâu của tui, không có tư cách làm vợ anh tui, không có tư cách làm mẹ cháu tui. Gia đình tui còn sống ngày nào sẽ nuôi cháu ngày đó, không để nó sống với người mẹ như bà T.”.

Phía hàng ghế người nhà bị cáo, mẹ chị T. khóc ngất. Nghe tôi hỏi gia đình đã bồi thường cho bên gia đình H. chưa, bà nức nở cho biết, nhà bà rất nghèo, phải rời quê vào thành phố, tá túc gần chỗ vợ chồng con gái ở để bán vé số. Chồng bà đau yếu quanh năm. Lúc xảy ra chuyện, bà cũng muốn đến thắp nhang cho con rể và tạ lỗi với gia đình sui gia.

Vợ chồng bà đã cùng nhau đến, hỏi thăm xóm giềng quanh nhà sui gia, họ khuyên ông bà nên về vì không ít lần nghe người nhà H. hăm he “mạng đền mạng”. Bà nói: “Nhà tui ít học nhưng cũng biết lễ nghĩa. Con T. gây ra chuyện, nó khổ, nhà tui đóng cửa không dám gặp ai. Tui cũng muốn tới nói với sui gia đôi lời, nhưng nói thiệt là tui sợ bên đó, họ dữ quá”.

Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt T. 18 tháng tù và chấp nhận kháng cáo giảm phần bồi thường cho phía gia đình nạn nhân xuống còn 123 triệu đồng. Với yêu cầu được nuôi con của T., HĐXX cho biết không thuộc thẩm quyền giải quyết của vụ án này, sau khi chấp hành xong án tù, chị T. có quyền khởi kiện đòi quyền nuôi con.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI