Những "diễn viên bất đắc dĩ"
Laura, một nhân viên văn phòng ở Hồng Kông, gần đây đã phát hiện ra một số khoảnh khắc riêng tư nhất của mình bị lan truyền trên Internet. "Tôi đã bị sốc. Nói một cách đơn giản, nhiều người tìm thấy một video trên một trang web khiêu dâm và tôi "là diễn viên" trong đó".
Laura tâm sự, cô chỉ mới biết video này cách đây một năm và đoạn clip trên bị quay khi cô còn là sinh viên. Bi kịch hơn là người phát hiện điều này lại là một đồng nghiệp đang tán tỉnh cô. "Khi tôi từ chối, anh ta đã dùng những lời lẽ dung tục để chửi. Anh ta lấy cái clip khống chế tôi, để buộc tôi phải ở bên anh ta".
Laura cho biết anh chàng dọa sẽ tung video này trên các diễn đàn công cộng và trong một nhóm làm việc trong công ty. Mặc dù những lời đe dọa này hiện tại không còn nhưng nỗi sợ hãi của cô vẫn không nguôi.
|
Hình ảnh minh họa |
Sau khi Crystal, một sinh viên 20 tuổi, chia tay bạn trai vào năm ngoái, cô đã phải đối mặt với lời đe dọa "sẽ từ từ tung những bức ảnh nhạy cảm lên mạng" của anh ta. Cô trình báo vụ việc với cảnh sát; cuối cùng người này bị nhà chức trách mời điều tra, nhưng anh ta không bị bắt.
"Tôi có cảm giác như mọi người nhìn chằm chằm vào mình khi tôi ở nơi công cộng". Crystal đã bị căng thẳng đến mức đã tính đến chuyện tự tử.
June, một giáo viên 41 tuổi ở Đài Loan, đã có một mối quan hệ gắn kết với bạn trai tên Max, vào năm ngoái. Mối quan hệ trở nên khó khăn khi Max bắt đầu uống rượu nhiều và hay dùng bạo lực. “Anh ấy không thích việc tôi chia tay anh ấy”, June nói. Thay vì chấp nhận mọi chuyện đã qua, anh ta bắt đầu chiến dịch gọi điện hàng ngày, nhắn tin, dọa tự tử và theo dõi cô từ nhà đến nơi làm.
Vài ngày sau, June nhận được cuộc gọi từ một người bạn của Max, một người phụ nữ mà cô chưa từng gặp, người này nói với cô rằng Max đã gửi một bức ảnh khỏa thân của cô cho những bạn nam khác.
Channary, 38 tuổi, ở Campuchia, đã có một mối quan hệ kéo dài hai năm. Khi đó bạn tình của cô thường yêu cầu cùng chụp ảnh khỏa thân.
Sau khi họ chia tay, anh chàng này biết cô đã đính hôn nên bắt đầu đe dọa sẽ gửi những bức ảnh cho chồng tương lai của cô cũng như đăng tải chúng lên Facebook, tag người thân, bạn bè của cô vào. Điều này đã làm cho Channary suy sụp thời gian dài...
Bốn câu chuyện trên chỉ là phần nhỏ trong số hàng ngàn người đã bị đăng ảnh hoặc video thân mật lên các trang web "đen" mà không có sự đồng ý của họ. Điều này khiến cô gái bị rơi vào lo lắng, căng thẳng và tức giận.
Bùng nổ trong đại dịch
Trong một cuộc điều tra kéo dài sáu tháng ở châu Á về mức độ lạm dụng hình ảnh và clip riêng tư cho thấy tệ nạn này là nỗi đau của phái nữ. Lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh được các chuyên gia định nghĩa là hành vi lấy, chia sẻ hoặc đe dọa phát tán hình ảnh và video khỏa thân hoặc khiêu dâm. Điều này bao gồm quay lại các hành vi tình dục; chụp ảnh, quay lén trong phòng thay đồ và tải hình ảnh thân mật lên các nền tảng trực tuyến công cộng.
Maleka Banu, Tổng thư ký của nhóm quyền phụ nữ Bangladesh Mahila Parishad, cho biết thực tế là ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại di động và Internet đã dẫn đến sự gia tăng lạm dụng tình dục trực tuyến bởi chỉ cần một cú nhấp chuột thì hàng triệu người có thể xem những chuyện riêng tư.
Cũng theo cuộc điều tra trên, hầu hết những người bị lạm dụng hình ảnh là phụ nữ. Người yêu hay người quen cũ thường là thủ phạm. Họ thường sử dụng hình ảnh thân mật để làm áp lực ép buộc tiếp tục mối quan hệ, tống tiền hoặc đơn giản là để gây tổn hại danh tiếng của nạn nhân. Hình thức lạm dụng này được gọi là khiêu dâm trả thù.
Một nghiên cứu quốc tế được thực hiện bởi Anastasia Powell, giảng viên nghiên cứu công lý và pháp lý tại Đại học RMIT ở Úc, và Adrian J. Scott, giảng viên cao cấp về tâm lý học tại Goldsmiths, Đại học London cho thấy cứ ba người thì có một người ở Úc, New Zealand và Anh đã trải qua một số hình thức lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh.
“Những tác hại này còn vượt xa những hành động trả thù thông thường bởi nó được chuyển sang hành vi bạo lực gia đình, rình rập, bắt nạt và quấy rối tình dục”, nghiên cứu cho biết.
Sophie Mortimer, người quản lý đường dây nóng Revenge Porn do chính phủ Anh tài trợ, cho biết số người trưởng thành tìm kiếm sự hỗ trợ cho việc lạm dụng hình ảnh thân mật đã tăng gần gấp đôi vào năm ngoái, lên 3.146 trường hợp; 62% là nữ và phần lớn họ rơi vào tình trạng lo lắng, khủng hoảng.
Hiệp hội Liên quan đến bạo lực tình dục đối với phụ nữ ở Hồng Kông cho biết số lượng nạn nhân tăng so với năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tấn công. Nhóm đã xử lý 133 trường hợp liên quan đến lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh, gấp ba lần so với năm 2019.
Nhưng McGlynn, từ Đại học Durham, lưu ý rằng số liệu thống kê chính thức "chỉ là phần nổi của tảng băng chìm" bởi rất ít người lên tiếng trước tội ác này vì nhiều lý do.
Tự mình cứu mình?
Mặc dù việc khiếu nại, thưa kiện vẫn có nhưng hệ thống pháp luật ở nhiều nước vẫn chưa có hình thức xử lý thích đáng, những thủ phạm vẫn an toàn ngoài vòng pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều cô gái phải câm nín chịu sự áp bức vì sợ sự việc càng ồn ào, càng nhục nhã hơn.
Hsiao Shan Cheng, từ Quỹ Cứu trợ phụ nữ Đài Bắc, cho biết phần lớn các trường hợp được báo cáo đến đường dây nóng của họ liên quan đến phụ nữ dưới 25 tuổi và họ thường hoảng loạn khi gặp nạn. Như Crystal chẳng hạn, cô mang nỗi lo của mình chia sẻ với cha mẹ nhưng sau đó cô được khuyên rằng hãy im lặng và đừng thưa kiện gì vì mọi chuyện sẽ qua.
Riêng Laura, cô đã chủ động liên lạc các trang web "đen" có đăng clip của mình yêu cầu gỡ bỏ thì buộc phải chứng minh "mình là chính chủ".
Theo Linda SY Wong, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Liên quan đến bạo lực tình dục đối với phụ nữ có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết trải nghiệm của Laura và Crystal không phải là hiếm.
Chính quyền Hồng Kông vào tháng 3 đã công bố một sửa đổi đối với sắc lệnh tội phạm nhằm ngăn chặn các đoạn ghi lại những thân mật không có sự đồng thuận, bao gồm cả việc tán tỉnh và chụp ảnh hoặc đe dọa đăng ảnh, video thân mật mà không được phép. Những kẻ phạm tội sẽ bị phạt tù tối đa là 5 năm và có thể vào danh sách tội phạm tình dục.
Trong khi các nhóm bảo vệ quyền lợi ở Hồng Kông ca ngợi động thái này thì ở nhiều quốc gia khác, phái nữ phải tự tìm cách bảo vệ chính mình. Như Channary chẳng hạn, sau bao ngày suy sụp cô quyết định chia sẻ chuyện này với chồng sắp cưới và gia đình. May mắn được mọi người thông cảm, cô mạnh dạn đáp trả tên người yêu cũ rằng cô đang nộp đơn báo cảnh sát. “Tôi nghĩ nếu tôi không đủ can đảm để đáp trả, anh ta sẽ không bao giờ dừng lại”, cô nói.
Nhưng Channary không bao giờ đến gặp cảnh sát. “Ngoài nói chuyện với gia đình và bạn bè thân thiết, tôi không chia sẻ sự việc này với bất kỳ ai khác, bởi văn hóa Campuchia rất bảo thủ. Họ sẽ đổ lỗi cho tôi vì đã quan hệ tình dục với anh chàng đó cũng như để anh ta chụp ảnh tôi”, cô cho hay.
Shailey Hingorani, người đứng đầu nghiên cứu và vận động cho tổ chức phi lợi nhuận Aware có trụ sở tại Singapore, cho biết nhiều nạn nhân sau tình trạng bạo lực tình dục thường đối mặt những phản ứng đổ lỗi từ những người thân, đồng nghiệp...
"Thật đáng buồn khi những nạn nhân bị hỏi tại sao họ lại gửi những hình ảnh hở hang cho người yêu hoặc chấp nhận quay, chụp lại những cảnh thân mật". Kuhan Manokaran, một luật sư ở Malaysia, cho biết việc giúp thân chủ vượt qua sự xấu hổ và kỳ thị là một thử thách. “Trong văn hóa châu Á, tình dục được coi là một chủ đề cấm kỵ và hiếm khi được thảo luận trước công chúng… Thậm chí nhiều người cho rằng các cô gái thật ngớ ngẩn hoặc ngu ngốc vì đã tin tưởng vào hung thủ”, anh nói.
Các chuyên gia ở nhiều quốc gia cho biết giáo dục và nâng cao nhận thức là những bước quan trọng nhất để ngăn chặn lạm dụng dựa trên hình ảnh, cùng với việc thiết lập các cơ chế hỗ trợ cho những nạn nhân.
Folami Prehaye, người sáng lập nhóm hỗ trợ VOIC có trụ sở tại Anh, khẳng định: “Đây là một hình thức lạm dụng. Cho dù đó là trực tuyến hay ngoại tuyến, đó vẫn là lạm dụng tình dục” và cô lưu ý rằng việc thêm thủ phạm vào danh sách tội phạm tình dục có thể là một biện pháp ngăn chặn.
Trọng Trí
(theo SMCP, Korea Times, The Week Asian)
* Tên nhân vật đã được thay đổi.