Bi kịch của những thiếu nữ bị lừa sang Campuchia

11/07/2022 - 06:37

PNO - Tin lời dụ dỗ về “việc nhẹ, lương cao”, nhiều thiếu nữ đã lén gia đình theo các đối tượng buôn người đến Campuchia. Chuỗi ngày bi kịch bắt đầu từ đó.

Tiếng kêu cứu từ bên kia biên giới

Ngày 14/5 là buổi học cuối cùng năm lớp 9 của L.N.T.O. - 15 tuổi, con gái chị H.L.T.V., ở xã Phong Nẫm, H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Hôm đó, bỗng dưng thấy bồn chồn trong dạ, chị T.V. linh cảm có chuyện không hay xảy ra với T.O. nên ghé vào trường hỏi thăm. Thầy cô và bạn học cho biết, T.O. không đến trường. Một số bạn học chung lớp của T.O. cho hay, mấy ngày trước, T.O. nói có người quen trên mạng rủ sang Campuchia làm công việc đánh máy vi tính. 

T.O. lúc được một nhóm người Việt Nam “giải cứu” khỏi nơi đang bị giam giữ
T.O. lúc được một nhóm người Việt Nam “giải cứu” khỏi nơi đang bị giam giữ

Giữa trưa, chị T.V. chạy xe máy đến các điểm có xe khách đến TPHCM ở H.Giồng Trôm và tỉnh Bến Tre nhưng không tìm được con. Lúc này, điện thoại của T.O. đã khóa, không thể liên lạc được nên chị T.V. đã trình báo công an. 10 ngày sau, chị T.V. nhận được tin nhắn của con gái, báo đã bị lừa sang Campuchia, gia đình cần khoảng 4.000 USD để chuộc T.O. về; nếu không, cháu sẽ bị tra tấn, đánh đập. 

Nghe đến 4.000 USD, chị T.V. muốn ngất xỉu. Gia cảnh của chị V. rất khó khăn. 7 năm trước, chị và chồng ly hôn, một mình chị nuôi hai con nhỏ. Không có đất, chị xin người thân cho cất tạm một cái chòi nhỏ để ở tạm. Trước đây, chị T.V. làm công nhân cho một công ty ở gần nhà. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty thu hẹp quy mô sản xuất, chị T.V. mất việc.

“Với hoàn cảnh như tôi, kiếm được 4.000 USD là điều không tưởng. Nhưng còn nước còn tát. Tôi cầu cứu khắp nơi với hy vọng có ai đó cứu giúp. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại nhận được tin con gái bị bán sang nơi khác hoặc bị đánh đập, chích điện. Đêm, tôi không thể nào chợp mắt được vì nghĩ thương con” - chị T.V. kể.

Giống như chị T.V., trong 3 tháng ròng, chị N.T.A. - quê ở tỉnh An Giang - không đêm nào được yên giấc sau khi con gái chị là M.T. (17 tuổi) bị lừa sang Campuchia. Cũng được người quen qua mạng rủ sang Campuchia làm việc với mức lương 18 - 20 triệu đồng/tháng, nhưng khi đặt chân đến Campuchia, M.T. liên tục bị sa thải, bị bán sang các công ty khác nhau và bị ép nộp tiền chuộc. 

Chị T.A. kể: “Có hôm, người quản lý lấy điện thoại giả vờ là M.T., nhắn tin cho tôi. Tôi dặn “con yên tâm, mẹ báo công an rồi”. Thế là người quản lý đã cho cháu một trận đòn nhừ tử. Tôi rất muốn sang Campuchia cứu con nhưng do không rành đường, cũng không biết cách thức chuộc con. Rất may, tôi xem trên mạng, thấy một anh youtuber người Việt hay giải cứu người bị lừa nên tôi đã nhờ giúp đỡ. Đầu tháng 7 vừa qua, anh youtuber này đã bỏ ra 3.500 USD tiền chuộc và đưa con gái tôi về nhà”.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh, thời gian gần đây, lực lượng biên phòng của tỉnh đã ngăn chặn được khá nhiều vụ xuất cảnh trái phép, và đã giải cứu được khá nhiều thiếu nữ thoát cảnh bị lừa sang Campuchia. 

Chuỗi ngày bi kịch

Gặp lại chúng tôi sau 7 ngày rời khỏi “địa ngục trần gian”, cháu T.O. vẫn còn hoảng loạn. Chị T.V. kể, về nhà được 1 tuần nhưng đêm nào T.O. cũng gặp ác mộng và khóc thét.

Theo T.O., cách đây mấy tháng, khi lên mạng, cô thấy thanh niên tên T.A. đang tuyển người sang Campuchia. Thấy thanh niên này cùng quê Bến Tre nên T.O. khá yên tâm. Qua trao đổi bằng tin nhắn trên Messenger của Facebook, T.A. cho biết, công việc ở Campuchia là đánh máy vi tính, lương có thể từ 18 - 20 triệu đồng/tháng. Nghĩ rằng mình có thể giúp mẹ đỡ vất vả hơn, T.O. đã nhận lời lên đường.

Ngày 14/5, T.O. bắt xe đến TPHCM thì được một nhóm người đưa thẳng đến cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) để ngủ lại một đêm. Sau đó, nhóm này dùng ô tô chở T.O. đến một bến đò để vượt biên qua Campuchia vào ban đêm. Sau khi vượt biên trót lọt, T.O. và một số cô gái khác được đưa đến TP.Sihanoukville (Campuchia) để làm việc cho một công ty game lừa đảo của ông chủ người Trung Quốc. Sau một ngày được hướng dẫn đánh máy vi tính, T.O. và nhiều thiếu nữ khác được hướng dẫn tải một phần mềm chuyên dùng để lừa đảo. Nhiệm vụ của các cô gái trẻ là lên mạng, dụ dỗ người chơi nộp tiền vào phần mềm lừa đảo này. Mỗi ngày, T.O. và những thiếu nữ khác làm việc từ 8g đến 24g, được nghỉ trưa 1 giờ. 

Sau một tuần làm việc, nhóm buôn người thông báo T.O. bị sa thải do không đáp ứng được yêu cầu của bên tuyển dụng. Những người như T.O. bị nhốt vào một căn phòng riêng biệt, không được đi ra ngoài. Ở đó, các thiếu nữ liên tục bị người quản lý đánh đập, tra tấn. Các cô sẽ có 2 lựa chọn, hoặc là gọi điện thoại về nhà xin tiền chuộc để được thả, hoặc bị bán đi nơi khác.

Trong 45 ngày ở Campuchia, T.O. đã bị bán sang 3 công ty, với công việc phải làm là chiêu dụ người tham gia vào phần mềm lừa đảo. Với trình độ lớp Chín, T.O. và những cô gái khác không thể đáp ứng được yêu cầu của bên tuyển dụng. 

T.O. (người quay lưng) gặp lại mẹ sau 45 ngày bị lừa sang Campuchia
T.O. (người quay lưng) gặp lại mẹ sau 45 ngày bị lừa sang Campuchia

“Khi đến công ty thứ ba, em bị nhiễm COVID-19. Họ chỉ nhốt em vào phòng riêng chứ không cho viên thuốc nào. Thức ăn thì do một số anh, chị bị lừa sang như em nhờ người mua giùm. Có hôm, quản lý của em gọi điện về cho mẹ đòi tiền chuộc, mẹ em lúc đó đang ngồi với chú công an nên đưa cho chú ấy nghe máy. Vậy là hôm đó, em bị chích điện, bị đánh nhừ tử. Khi đó, em tưởng mình sẽ bỏ mạng bên đó rồi chứ không được về nhà” - T.O. nức nở.

Những ngày bị giam giữ, T.O. thường xuyên chứng kiến cảnh các quản lý đánh đập nhân viên bằng cây, roi điện. Đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Khi các thiếu nữ bị sa thải nhiều lần nhưng người nhà không gửi tiền chuộc sang, người quản lý sẽ bán họ cho các động mại dâm. Một ngày trước khi được cứu ra, T.O. cũng bị người quản lý hăm dọa sẽ bán cho động nếu không có ai mang tiền đến chuộc. Các động chứa này nằm ở ngoài đảo, ra đó là không có ngày về. Do sợ hãi điều này, nhiều người đã tự tử. 

Trong một tháng, “giải cứu” được 6 nạn nhân 

Anh L.V.P. - đại diện nhóm youtuber chuyên “giải cứu” các nạn nhân - cho hay, trong một tháng gần đây, nhóm của anh đã bỏ ra khoảng nửa tỷ đồng để chuộc 6 thanh thiếu niên ra khỏi nơi giam giữ của bọn buôn bán người ở Campuchia, sau đó đưa về Việt Nam. Các thanh thiếu niên này quê ở các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bình Dương, An Giang.

Khi nhận lời cầu cứu, nhóm của anh L.V.P. yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin hoặc gửi định vị nơi đang bị giam giữ. Sau đó, nhóm của anh sẽ tìm cách liên hệ với người quản lý để thỏa thuận về mức tiền chuộc. Anh kể: “Ở mỗi nơi, người quản lý đòi khoản tiền chuộc khác nhau, nhưng thông thường là từ 2.500 - 3.500 USD. Trường hợp mà tôi phải tốn nhiều chi phí nhất là em Lê Hoàng Q.C. - 17 tuổi, quê ở tỉnh An Giang - với khoản tiền chuộc 4.000 USD”.

Nhóm của anh hiện vẫn tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân bị lừa sang Campuchia trở về nhà và hỗ trợ người nhà đưa thi thể nạn nhân tử vong bên Campuchia về Việt Nam.

Nhóm phóng viên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI