Bi kịch của người lớn

19/06/2019 - 06:00

PNO - “Cháu sắp chết rồi cô à. Cháu bị ung thư. Cháu sẽ rất đau đớn, tóc sẽ rụng hết…”. Nguyên nhân của suy nghĩ khủng khiếp trên, là do ngực cháu đang sưng đỏ và rất đau. Tôi xót xa ôm cháu vào lòng, thương đứt ruột.

Tôi ghé thăm vợ chồng em trai. Con gái em mười tuổi, độ tuổi bắt đầu dậy thì. Thấy cháu bỗng dưng trầm lặng, mất hẳn vẻ lanh lợi hằng ngày, tôi hỏi em dâu. Em bảo: “Con bé dạo này dở dở ương ương, lúc nào cũng như người mất hồn. Tuổi này nó vậy đó chị, chắc không có gì đâu”. 

Bi kich cua nguoi lon
Ảnh minh họa

Tôi vào phòng cháu, hỏi thăm kết quả cuối năm lớp Bốn. Cháu khoe với tôi giấy khen học sinh xuất sắc. Vậy lý do gì để cháu buồn? Xem bức tranh cháu đang vẽ dở, tôi giật mình. Trong tranh là một bé gái không có tóc, đứng quay lưng về phía người xem; trước mắt là một vùng cỏ úa và màu mây xám xịt. Cháu tôi rõ ràng là có vấn đề.

Dụ mãi, cháu mới sụt sịt nói: “Cháu sắp chết rồi cô à. Cháu bị ung thư. Cháu sẽ rất đau đớn, tóc sẽ rụng hết…”. Nguyên nhân của suy nghĩ khủng khiếp trên, là do ngực cháu đang sưng đỏ và rất đau. Tôi xót xa ôm cháu vào lòng, thương đứt ruột. 

Cháu có suy nghĩ này vì dì của cháu đang bị ung thư vú. Gần nửa năm qua, cả nhà ngoại cháu điêu đứng, rầu rĩ và khủng hoảng theo cơn bệnh trầm kha của người dì. Khi phát hiện ngực sưng đỏ, cháu hoảng sợ báo với mẹ. Em dâu tôi xem qua, bảo không sao, tuổi dậy thì ai cũng bị vậy. Cháu không được giải thích rõ ràng nên vẫn còn ám ảnh.

Cháu tâm sự với đứa bạn thân. “Chuyên gia” nhí này kết luận một câu xanh rờn: “Mình không hề bị vậy. Chắc bạn ung thư thiệt rồi. Bạn nên nói với mẹ cho mổ sớm, may ra sẽ không chết”. Nhớ lại thảm trạng của người dì, cháu càng sợ hãi. Cháu hỏi cha. Em trai tôi hồn nhiên: “Con hỏi mẹ kìa, ba có biết gì đâu”. Em dâu tôi đang mệt mỏi vì nhà có việc, nên nạt: “Sao con sợ chết quá vậy? Chuyện nhỏ xíu mà cũng lo”. Cháu không hiểu rõ tình trạng của bản thân, lại không được mẹ sẻ chia, an ủi nên càng rầu rĩ.

Bi kich cua nguoi lon
Ảnh minh họa

Tôi liền mở máy tính cho cháu xem phần giải thích của chuyên gia về hiện tượng phát triển tuyến vú ở tuổi dậy thì. Đó là do các mô tuyến vú phát triển quá mức, khiến ngực sưng đỏ. Có trẻ còn bị nóng sốt. Sau vài ngày hoặc vài tuần sẽ hết. Có trẻ bị, có trẻ không, điều này là bình thường… Cháu tôi ngơ ngác, rồi thở phào: “Chỉ vậy thôi hả cô?”. Tôi biết chỉ bấy nhiêu chưa đủ để cháu an tâm, nên căn dặn em dâu gần gũi, chăm sóc cháu nhiều hơn. 

Người lớn đôi khi rất chủ quan để trẻ chứng kiến những tai nạn hoặc biến cố của gia đình mà không giải thích, trấn an để trẻ hiểu, không phải ai cũng trải qua tai nạn khủng khiếp đó. Điều đó khiến trẻ trở nên ám ảnh và sợ hãi, đôi khi còn để lại hậu quả khó lường.

Tôi nhớ lúc nhỏ, cha mẹ tôi vỡ nợ. Ngày nào mẹ tôi cũng gào khóc, than thân trách phận. Mẹ nói: “Cả nhà rồi sẽ ra đường, đi ăn mày”. Tôi sợ hãi, nơm nớp lo. Tôi hứa với mẹ sẽ ngoan, sẽ học giỏi, mẹ đừng bắt tôi đi ăn mày. Mẹ tôi gào lên: “Cơm không có ăn, hết sạch vốn liếng, không đi ăn mày thì biết làm gì”.

Gần hai năm, gia đình tôi đã vượt qua biến cố, nhưng đã biến tôi từ một đứa trẻ vô tư, hay cười, trở nên trầm lặng và nhút nhát, luôn sợ hãi mọi thứ xung quanh. Tôi luôn mơ thấy đang đói lả, mặc quần áo rách rưới, xách ca nhựa đi lang thang ngoài đường giữa trưa… Hình ảnh khủng khiếp đó ám ảnh tôi tới lớn. 

Khi hiểu chuyện, tôi không còn trách mẹ, nhưng tự hứa với lòng sẽ không để con cái tôi chứng kiến bi kịch của người lớn. Gia đình phải luôn là chiếc nôi an toàn cho trẻ. Khi xảy ra biến cố, đối tượng cần quan tâm đầu tiên là trẻ em. Phải trấn an, vỗ về để trẻ không sợ hãi một cách vô ích. Trẻ con với tâm hồn non nớt dễ tổn thương, đừng bao giờ xem nhẹ bất cứ tác động nào quanh chúng. 

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI