Nhật Bản là một trong những quốc gia có thời gian làm việc dài nhất trên thế giới, và hiện nay, một bộ phận người Nhật trẻ đang giết chính mình bằng việc lao động quá sức.
Trước tình trạng báo động này, Chính phủ Nhật Bản đang nhanh chóng tìm kiếm giải pháp.
|
Bà Michiyo Nishigaki mất con trai Naoya vì karoshi. |
Bà Michiyo Nishigaki từng rất tự hào khi con trai duy nhất Naoya vào làm việc trong một công ty viễn thông lớn của Nhật, ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học.
Đối với chàng trai trẻ tuổi yêu thích máy vi tính, đây là một cơ hội tuyệt vời trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh của Nhật Bản.
Nhưng chỉ hai năm sau, mọi thứ bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát.
Bà Nishigaki kể: "Naoya luôn nói không sao, dù rất bận rộn. Nhưng khi về nhà đưa tang ông ngoại, thằng bé không thể ra khỏi giường.
Nó nói, "Cho con ngủ một lúc nhé. Con không thể dậy được. Xin lỗi mẹ nhưng hãy cho con ngủ một lúc."
|
Nhật Bản là một trong những nước có số giờ làm việc dài nhất thế giới. |
Hỏi đồng nghiệp của con, bà Nishigaki mới biết Naoya làm việc không ngừng nghỉ suốt cả ngày.
"Con tôi thường làm việc cho đến chuyến tàu cuối cùng, nhưng nếu lỡ tàu, nó ngủ luôn ở bàn làm việc. Trong trường hợp xấu nhất, nó phải làm qua đêm cho tới 10 giờ tối hôm sau, tổng cộng là 37 giờ."
Hai năm sau, Naoya qua đời ở tuổi 27 do dùng thuốc quá liều. Cái chết của anh chính là một trường hợp của "karoshi" - thuật ngữ Nhật Bản dùng để mô tả cái chết do làm việc quá sức.
Đối với đất nước Nhật Bản có văn hóa làm việc nhiều giờ, đây không phải là một hiện tượng mới. Được ghi nhận lần đầu tiên vào những năm 1960, nhưng gần đây karoshi mới trở thành mối lo lắng của cộng đồng với nhiều trường hợp nghiêm trọng.
Làm thêm giờ hàng tháng
|
Chủ tịch Dentsu Tadashi Ishii (giữa) từ chức một năm sau cái chết của Takahashi. |
Ngày Giáng sinh năm 2015, cô Matsuri Takahashi, nhân viên của công ty quảng cáo Dentsu, tử vong.
Nguyên nhân cái chết là hơn 100 giờ làm thêm trong một tháng trước đó.
Makoto Iwahashi làm việc cho Posse, tổ chức điều hành một đường dây trợ giúp lao động trẻ, cho rằng đây không phải là một trường hợp hiếm gặp, đặc biệt đối với nhân viên mới trong công ty.
Thực tế, hầu hết các cuộc gọi nhờ giúp đỡ đều là phàn nàn về giờ làm việc quá dài.
Ông nói: "Thật đáng buồn, những người trẻ tuổi nghĩ rằng họ không có lựa chọn nào khác. Nếu không bỏ việc, họ phải làm 100 giờ, còn bỏ thì lại không thể sống được."
Thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt khiến tình hình tồi tệ hơn. Chúng tôi từng có karoshi vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, nhưng ngày trước chúng tôi làm việc nhiều giờ để được đảm bảo việc làm suốt đời, còn giờ thì không gì là chắc chắn hết.”
Văn hoá làm thêm giờ
|
Gần một phần tư các công ty Nhật Bản có nhân viên làm ngoài giờ hơn 80 tiếng một tháng. |
Mỗi năm có hàng trăm trường hợp karoshi, gồm cơn đau tim, đột quỵ và tự sát. Thế nhưng, các nhà vận động cho rằng con số thực sự cao hơn rất nhiều.
Theo một cuộc khảo sát gần đây, gần 1/4 các công ty Nhật Bản có nhân viên làm ngoài giờ hơn 80 tiếng một tháng, thường là không lương. 12% công ty có nhân viên làm thêm hơn 100 giờ một tháng.
Những con số này rất quan trọng, bởi 80 giờ làm thêm trong 1 tháng tăng nguy cơ tử vong lên 3 lần.
Chính phủ Nhật Bản ngày càng chịu nhiều áp lực để giải quyết karoshi, nhưng thách thức của họ là phá vỡ văn hóa làm việc nhiều giờ đã kéo dài hàng thập kỷ.
Đầu năm nay, chính phủ bắt đầu chiến dịch "Thứ Sáu Đặc Biệt", khuyến khích các công ty cho nhân viên về sớm vào lúc 3 giờ chiều mỗi ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng. Họ mong muốn lao động Nhật Bản được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Người lao động nước này được hưởng 20 ngày phép một năm nhưng hiện tại, khoảng 35% không dùng đến nó.
Tắt đèn
|
Quản lý Hitoshi Ueno cho rằng việc thư giãn là rất quan trọng. |
Tại các văn phòng của chính quyền địa phương ở Toshima, một quận của trung tâm thành phố Tokyo, điện văn phòng được ngắt vào lúc 7 giờ tối nhằm buộc mọi người phải về nhà.
Quản lý Hitoshi Ueno nói: "Chúng tôi muốn làm điều gì đó có ý nghĩa. Vấn đề không chỉ là cắt giảm giờ làm việc. Chúng tôi muốn nhân viên trở nên thực sự hiệu quả và năng suất để rồi họ có thể thoải mái tận hưởng thời gian rảnh rỗi."
Ý kiến của Ueno rất đáng chú ý, bởi dù Nhật Bản làm việc nhiều nhất, nước này vẫn đứng cuối bảng đánh giá làm việc hiệu quả của nhóm kinh tế phát triển G7.
Tuy nhiên, các nhà vận động cho biết biện pháp này là không chính xác và không giải quyết được vấn đề cốt lõi: Lao động trẻ tuổi đang chết vì làm việc quá sức và quá lâu.
Giải pháp duy nhất chính là đưa ra một giới hạn pháp lý cụ thể về số giờ nhân viên được phép làm thêm.
|
Dù làm việc lâu nhất, Nhật Bản lại là nước G7 kém năng suất nhất. |
Đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản đã đề xuất giới hạn thời gian làm thêm trung bình là 60 giờ một tháng, dù các doanh nghiệp được phép tăng lên đến 100 giờ trong "thời kỳ bận rộn" – mà lại chính là vùng đỏ của karoshi.
Chờ đợi giải pháp mới
Có ý kiến chỉ trích chính phủ ưu tiên lợi ích kinh doanh và kinh tế hơn là phúc lợi cho người lao động.
Koji Morioka, một học giả đã nghiên cứu hiện tượng karoshi trong 30 năm, nói: "Người Nhật tin vào chính phủ nhưng họ đang bị phản bội.
Trong thời gian chờ đợi giải pháp mới, nhiều thanh niên đang chết dần mòn và các nhóm hỗ trợ cho gia đình chịu ảnh hưởng của karoshi tiếp tục mở rộng."
Michiyo Nishigaki, người mẹ không bao giờ gặp lại con trai Naoya nữa, cho rằng nước này đang giết chết những lao động xứng đáng được trân trọng: "Con trai tôi và các thanh niên khác không ghét công việc, chúng có khả năng và mơ ước làm việc thật tốt.
Thế nhưng, các công ty chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn mà không cho chúng cơ hội làm việc phù hợp."
Ngọc Anh (theo BBC)