Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 25/11 đe dọa sẽ mở cửa biên giới cho người di cư trở lại châu Âu, nhằm trả đũa việc Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua nghị quyết ủng hộ việc ngừng các cuộc đàm phán kết nạp Ankara làm thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Trong tuyên bố tại thành phố Istanbul, Tổng thống Erdogan khẳng định nếu EU tiếp tục "tiến xa hơn", Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở cửa biên giới cho người di cư ồ ạt trở lại châu Âu.
Trước đó, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nhấn mạnh đối với Ankara, việc các nghị sĩ EU nhất trí "đóng băng" tiến trình đàm phán giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ là vô nghĩa. Ông Yildirim cũng đã cảnh báo châu Âu rằng không có sự giúp đỡ của Ankara, làn sóng người di cư có thể sẽ tràn vào châu lục này.
Căng thẳng leo thang giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ
Trên thực tế, có nhiều giá trị mà châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ không cùng chia sẻ, và đó là cản trở lớn nhất trong việc Ankara xin gia nhập EU. Đó là chưa kể việc mở rộng khiến EU trở nên yếu hơn và nhiều vấn đề ở các nước thành viên mới làm nhóm nòng cốt các thành viên sáng lập không mặn mà với câu chuyện kết nạp thêm thành viên nữa.
Từ trước đến nay châu Âu chưa có bất cứ thời điểm nào hài lòng với tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến nhân quyền, tự do ngôn luận hay các quyền tự do cá nhân.
|
EU đã nhiều lần 'nhẫn tâm' khước từ Thổ Nhĩ Kỳ. |
Đó chính là một trong những cản trở lớn nhất trong quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt nhiều năm qua và là lí do mà hết lần này đến lần khác nhiều thành viên EU ngăn cản quyết định cho Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán gia nhập EU.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ dù rất muốn gia nhập EU để phát triển hơn, nhưng cũng cho rằng Brussels gây nhiều sức ép và có những đòi hỏi không chính đáng. Sự khác biệt trong quan điểm khó dung hòa là cản trở lớn nhất khiến hai bên khó có thể chấp nhận nhau trong một tổ chức có tính ràng buộc lớn như EU.
Ngoài ra, sức hấp dẫn của EU với những cuộc khủng hoảng tài chính, nợ công rồi khủng hoảng người tị nạn hay câu chuyện Brexit… chắc chắn cũng làm giảm hào hứng của Ankara trong việc tham gia vào ngôi nhà chung châu Âu.
Từ trước đến nay Ankara luôn khẳng định rằng những gì họ tiến hành là thuộc phạm vi công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ và các bên ở ngoài không có quyền can thiệp.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang duy trì tình trạng an ninh đặc biệt sau vụ chính biến hồi tháng 7 nên chính quyền nước này hoàn toàn có đủ lập luận để bảo vệ cho các hành động cứng rắn như bắt người hay đóng cửa các toà soạn báo…Vì thế, dù quan ngại nhưng phía EU cũng chỉ có thể bày tỏ bằng lời nói chứ hoàn toàn không đủ sức nặng gây sức ép buộc chính quyền Ankara thay đổi.
Ngoài ra, trong tình thế hiện nay, EU hoàn toàn phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn làn sóng tị nạn từ Syria tràn sang châu Âu nên có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ là bên nắm thế chủ động hoàn toàn.
Các nước châu Âu cần dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ hơn là ngược lại và Ankara thậm chí còn đủ quyền lực để ra các yêu sách buộc EU phải đáp ứng nếu không muốn làn sóng tị nạn lại tràn vào EU một cách không kiểm soát. Thoả thuận về tị nạn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ là minh hoạ rõ nhất cho thấy thế thượng phong của Ankara trong các đàm phán với Brussels.
Mỗi khi EU tỏ ý không hài lòng về các hành động của Ankara thì Thổ Nhĩ Kỳ lại lập tức đưa thoả thuận kia ra làm vũ khí đe doạ và ép buộc EU. Đó là tình thế mà dù rất không thoải mái nhưng cho đến hiện nay các nước EU vẫn chưa thể tìm ra lối thoát.
Không chỉ thể hiện không ý định rời khỏi EU, Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết đang cân nhắc gia nhập tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Trong khi đó, Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng cân nhắc bất cứ đơn xin gia nhập nào của Thổ Nhĩ Kỳ để làm thành viên của SCO.
Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dọa xuông với tuyên bố này. Bởi thực tế, vào năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ còn đăng cai tổ chức Hội nghị của câu lạc bộ năng lượng của tổ chức Hợp tác Thượng Hải, trở thành quốc gia không phải thành viên đầu tiên đăng cai sự kiện và làm chủ tịch câu lạc bộ này.
Điều này hoàn toàn xuất phát từ sự chủ động của Ankara và đã được nhóm Hợp tác Thượng Hải chấp thuận. Với quyết định đó, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ chức Tổng thư ký câu lạc bộ năng lượng này trong một năm.
|
Việc Tổng thống mới đắc cử Donald Trump tuyên bố có phần cứng rắn và hững hờ hơn với hợp tác trong NATO khiến EU phải lo lắng về vấn đề đảm bảo an ninh. |
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có 6 thành viên chính thức, trong đó đáng chú ý nhất là Nga và Trung Quốc. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, còn có 6 nước khác tham gia câu lạc bộ năng lượng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải nhưng không phải thành viên của nhóm này.
Việc Ankara có thể từ bỏ ý định gia nhập EU và gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ khiến châu Âu phải lo lắng hơn về an ninh, do Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng sát sườn đối với EU. Điển hình là dòng người nhập cư tràn qua Thổ Nhĩ Kỳ để vào EU, nên Brussels rất cần kiểm soát từ phía Ankara để bảo đảm an ninh và trật tự cho mình.
Trong khi đó, việc Tổng thống mới đắc cử Donald Trump tuyên bố có phần cứng rắn và hững hờ hơn với hợp tác trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương càng khiến EU phải lo lắng hơn về vấn đề đảm bảo an ninh.
Minh Đức