Bị kẹt ở Đà Nẵng, dân các tỉnh nóng ruột mong ngày về

26/08/2020 - 07:31

PNO - Gần một tháng qua, TP. Đà Nẵng căng thẳng dập dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian này, hàng ngàn người dân của các tỉnh đang mắc kẹt ở đây trông ngóng ngày được về quê, nhưng chưa biết khi nào được về.

Não nùng bao nghịch cảnh

Từ ngày 28/7, Đà Nẵng thiết lập tình trạng cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cho đến nay. Đứng ngồi không yên, một số người ngoại tỉnh đang mắc kẹt tại đây đã chọn giải pháp cực đoan là trốn về.

Nhóm năm người Nghệ An vượt đèo Hải Vân trốn về quê bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện, chở vào trả ở địa phận TP. Đà Nẵng sáng 15/8
Nhóm năm người Nghệ An vượt đèo Hải Vân trốn về quê bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện, chở vào trả ở địa phận TP. Đà Nẵng sáng 15/8

Tối 14/8, chốt kiểm soát số 5 thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế đóng tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) phát hiện nhóm năm thanh niên người Nghệ An đi bộ từ TP.Đà Nẵng vượt đèo ra Huế để bắt xe về quê. Nhóm này bị lực lượng chức năng giữ lại, điều tra dịch tễ, đo thân nhiệt. Theo quy định về phòng, chống dịch, sáng hôm sau, nhóm thanh niên được chở trở lại phía bên kia đỉnh đèo, thuộc địa phận TP. Đà Nẵng.

Bị trả lại ngay trên đèo, nhóm thanh niên ngơ ngác đến tội nghiệp. Bùi Văn Cường - 24 tuổi, quê huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An - kể: “Từ sáng 14/8, bọn em từ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đi lên chân đèo Hải Vân rồi men theo đường tàu sắt đi bọc quanh núi, đến 20g mới qua địa phận Thừa Thiên - Huế. Mấy anh em còn mỗi người vài trăm ngàn đồng, liều ra đó để bắt xe về quê vì ở Đà Nẵng không có xe vào, mà lên đường tránh bắt xe thì bị phạt; ở lại thì không có gì ăn nữa nên đành liều một phen. Đến chốt số 5 thì công an phát hiện, đưa vào kiểm tra rồi hôm sau, họ chở vào trả lại ở phía nam đèo”.

Hỏi vì sao dịch bệnh lại liều về, Cường rơm rớm: “Em lấy vợ sớm, sinh ba đứa con nên lang bạt làm phụ hồ khắp nơi để có tiền nuôi con. Đầu năm làm ở Hà Nội không được gì, chạy vào Sài Gòn cũng không có việc, dạt về Đà Nẵng làm bê tông được mấy ngày thì trúng dịch, nghỉ cả tháng. Nghe tin vợ bỏ đi theo trai, em phải liều về. Vợ bảo nó không chịu khổ được”.

Cũng khốn khổ như Cường, bốn anh em đi cùng bị bắt lại ở chốt số 5 là người dân tộc Khơ Mú, quê ở bản Sào Và, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Moong Văn Uyn 23 tuổi, mặt đen nhẻm, người phờ phạc. Uyn cũng đã có hai đứa con, bố mẹ đã già. “Con ốm, ở lại không có việc mà chủ cũng không trả tiền nên phải về” - Uyn kể. 

Chủ thầu cũng bỏ đi, lán trại không còn để ở, tình cảnh năm lao động mắc kẹt ngay đèo Hải Vân càng não nùng. Chúng tôi phải liên hệ với Hội đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh ở TP. Đà Nẵng nhờ bố trí giúp chỗ ăn ở cho năm người này. May thay, sau khi liên lạc, từ sáng đến trưa, năm người đã có được một chỗ trọ ở quận Ngũ Hành Sơn để ở tạm. Gần trưa, xe lên đèo đón năm người này về nhà trọ. Nhìn năm người ăn bữa trưa ngấu nghiến, ai cũng nghèn nghẹn, giận thì ít mà thương nhiều hơn. Đến nay, thỉnh thoảng Cường lại điện thoại hỏi tôi Nhà nước đã cho xe về chưa, tôi chỉ biết khuyên Cường gắng chờ đợi.

Ở trong lán trại lụp xụp trên đường Bàu Vàng 2, Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, chị Phan Thị Xoan - quê ở xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - nóng ruột chờ ngày được tỉnh đón về để cho con đi học. Chị kể, ở quê, vợ chồng chị nhận nhà riêng lẻ để xây. Thấy ở Đà Nẵng, người dân có nhu cầu xây nhà nhiều nên cuối năm trước, đứa em gợi ý nên vào đây nhận làm. Vợ chồng chị dẫn thêm mấy người cùng làng vào nhận xây hai nhà dân. Vừa hết đợt dịch thứ nhất, xây được 50% tiến độ thì gặp đợt dịch thứ hai, vậy là hai công trình với 16 con người bị kẹt.

Chủ nhà trả tiền theo tiến độ nên khi chính quyền thành phố yêu cầu ngừng xây dựng, chị phải bỏ tiền nhà ra để nuôi thợ ăn. Lúc thiếu quá, chị phải đăng nhờ hội đồng hương hỗ trợ từ thiện. Nhưng dịch ngày càng căng thẳng, người nhà của thợ cứ gọi vào lo lắng, hối thúc liên tục khiến 11 người trốn về quê, chỉ còn vợ chồng chị cùng đứa con trai và người em chồng ở lại. 

 Chị Phan Thị Xoan lo không về kịp ngày con nhập học
Chị Phan Thị Xoan lo không về kịp ngày con nhập học

“Giờ dịch thế này, chỉ có về rồi lúc nào hết thì chủ gọi vào làm lại thôi. Nhưng lo nhất là trốn về như thế nhỡ có chuyện gì lại ân hận, nên cả nhà bấm bụng chờ. Chị đã liên hệ, đăng ký khắp nơi mà chưa thấy báo cho về. Chỉ lo nhất là đứa con trai đầu năm nhập học, về không kịp. Nó học xong lớp Chín, nghỉ hè vào Đà Nẵng chơi rồi phụ mẹ lặt vặt mấy thứ, vậy mà dịch ập về, giờ đứt đoạn chuyện học” - chị Xoan lo lắng.

Các tỉnh không thể khoanh tay ngồi chờ 

Theo Hội đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh tại TP. Đà Nẵng, từ đầu tháng 8/2020, họ đã báo cho UBND hai tỉnh này về nhu cầu về quê của người dân đang kẹt ở TP. Đà Nẵng nhưng không thấy động thái nào từ quê. Theo danh sách tổng hợp của hội đồng hương này, có khoảng 2.800 người đăng ký về hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhưng đến cuối tháng Tám, hai tỉnh này vẫn chưa có kế hoạch đón dân.

Trong khi chờ động thái từ tỉnh, hàng ngàn người đã rời tâm dịch về quê bằng cách bỏ trốn. Tại tỉnh Nghệ An, chỉ tính từ ngày 28/7-18/8, đã có 1.922 người từ TP. Đà Nẵng và các địa phương có dịch của tỉnh Quảng Nam về, bị phát hiện. Bản tin phòng, chống dịch COVID-19 ngày 24/8 của Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tổng số công dân từ TP. Đà Nẵng và các vùng có dịch về từ 1/7 đến nay là 16.404 người, riêng từ ngày 31/7-24/8, có 7.226 người và hiện đang theo dõi, cách ly 3.172 người.
Trong khi đó, tại TP. Đà Nẵng, ngoài việc rà soát và hỗ trợ của chính quyền sở tại, các hội nhóm đồng hương cũng đã liên tục rà soát và hỗ trợ từ thiện cho đồng hương của mình. Tuy nhiên, họ cho rằng việc này cũng chỉ là tạm thời và kêu gọi các địa phương cần nhanh chóng có phương án đưa người dân về quê sớm. 

Ngày 19/8, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành, đề nghị hỗ trợ đưa người đang tạm trú tại TP. Đà Nẵng trở về nơi cư trú. Công văn nêu: “Trong bối cảnh dịch bệnh ở Đà Nẵng còn phức tạp, xét tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu chính đáng của người dân ngoại tỉnh, UBND TP. Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương cho phép người lao động, học sinh, sinh viên và người dân ở các địa phương khác đang tạm trú ở Đà Nẵng được rời Đà Nẵng về lại nơi cư trú theo nguyện vọng.

Trong khi chờ ý kiến của Thủ tướng, nhằm hỗ trợ các đối tượng nêu trên được trở về địa phương, UBND TP. Đà Nẵng mong muốn nhận được sự quan tâm của các tỉnh, thành, đề nghị các tỉnh, thành thiết lập đường dây nóng và thông báo rộng rãi để tiếp nhận thông tin của công dân địa phương. UBND các tỉnh, thành chốt số lượng đăng ký và danh sách hành khách cụ thể, thông báo đến UBND TP. Đà Nẵng để biết và thống nhất địa điểm tập kết. Đà Nẵng sẽ tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các công dân, đưa công dân từng địa phương đến địa điểm tập kết để rời Đà Nẵng”.

Ngay sau khi nhận thông báo của UBND TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên điều đoàn xe và người ra TP. Đà Nẵng để đón công dân. Có 700 người Quảng Ngãi đăng ký về tỉnh nhưng sau đó, số còn lại khoảng hơn 300 người do công dân chủ động ở lại. Đáng nói, việc lên danh sách cho công dân trở về đã được Công an tỉnh Quảng Ngãi chủ động thực hiện trước đó gần hai tuần. Sau khi chốt số lượng và kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi công văn cho Đà Nẵng và được bố trí địa điểm tập kết tại Quảng trường 29/3. Những công dân Quảng Ngãi được đón về quê hiện đã được tỉnh đưa vào các khu cách ly tập trung.

 

Ngà y 22/8, UBND tỉnh Quảng Ngãi điều xe ra TP.Đà Nẵng đón công dân về quê theo nguyện vọng
Ngày 22/8, UBND tỉnh Quảng Ngãi điều xe ra TP.Đà Nẵng đón công dân về quê theo nguyện vọng

Ngay từ đầu tháng 8/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng phương án đón công dân từ TP. Đà Nẵng về quê và thực hiện rất thành công. Theo đó, các công dân đăng ký qua tổng đài do UBND tỉnh bố trí, sau đó UBND tỉnh chốt thời gian đón công dân theo từng đợt. Cứ đến ngày được về, người dân Thừa Thiên - Huế lại lên đỉnh đèo Hải Vân trình thông tin cho chốt kiểm soát và được đưa về cách ly tập trung.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều tỉnh có công dân ở Đà Nẵng như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… vẫn chưa có phương án cụ thể và chốt thời gian đón công dân. Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, tỉnh đã có phương án nhưng đang xin ý kiến của trung ương. Ông Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh - cho biết thêm: “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đang chờ ý kiến Thủ tướng trả lời văn bản của UBND TP. Đà Nẵng (văn bản ngày 19/8). Còn về thì cách ly tập trung, về bao nhiêu, cách ly bấy nhiêu, thoải mái”.

Ông Bùi Đình Long - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cũng cho hay, đang rà soát công dân có nhu cầu trở về địa phương, nhưng phải chờ lệnh của Thủ tướng.

Nói về việc đón công dân đang kẹt ở Đà Nẵng, ông Đặng Ngọc Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Tôi tin đón là đúng”.

Ông chia sẻ kinh nghiệm tổ chức đón công dân của tỉnh với Phụ Nữ TPHCM: “Chúng tôi không chờ, làm luôn cho người dân. Chúng tôi giao cho ngành công an thiết lập đường dây liên lạc rồi thông tin với người dân. Bà con bị kẹt ở Đà Nẵng gọi trực tiếp vào các số điện thoại nóng của công an tỉnh. Khi xác định được số lượng người, công an báo cáo lên tỉnh, xây dựng kế hoạch và ban hành kế hoạch đón. Tôi cũng có làm việc trực tiếp với lãnh đạo TP. Đà Nẵng và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, sau đó giao cho các ngành kết nối thông tin với nhau rồi đi đón thôi. Ở Đà Nẵng hỗ trợ mình rất nhiều, họ hỗ trợ cảnh sát, hỗ trợ thông báo cho bà con, địa điểm tập kết…”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc tổ chức đón công dân về được phân làm 2 đoạn; đoạn đón ở Đà Nẵng giao cho công an làm tổng chỉ huy, đoạn đưa về các khu cách ly tại tỉnh giao cho Tỉnh đội làm tổng chỉ huy. Các cơ quan, sở ngành khác phải hợp tác theo yêu cầu. Ông nói tiếp: “Tôi giao cho công an làm tổng chỉ huy việc đón, bố trí xe y tế, xe công an dẫn đường, yêu cầu Sở GT-VT bố trí 15 xe ô tô và thuê ngoài Đà Nẵng 15 xe ô tô nữa. Sau đó hẹn giờ với bà con qua trang Facebook do Phó giám đốc Công an tỉnh quản lý. Bà con đăng ký sẽ biết giờ và địa điểm đón; rồi điện Sở LĐ-TB&XH, Công an TP. Đà Nẵng nhờ giúp về an ninh trật tự và địa điểm ở quảng trường 29/3”.

Hiện bà con đã ổn định sinh hoạt tại các khu cách ly tập trung, kết quả xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2”.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI