Bị hạn chế đi lại, dân Trung Quốc đổ xô mua hàng xa xỉ online

25/03/2022 - 13:45

PNO - Do Trung Quốc thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế nghiêm ngặt trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển sang mua hàng hóa của nước ngoài, nhất là các mặt hàng xa xỉ, từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và các cửa hàng miễn thuế trong nước.

Chen Hua, một người nhập cư từ Quảng Đông đang làm nghề tư vấn, từng đến Hồng Kông và Nhật để mua sắm những mặt hàng thiết yếu hàng ngày như nước giặt quần áo và mỹ phẩm cao cấp. Có những lần cô mua hàng với số lượng khá lớn, đủ dùng cho cả nửa năm.

Doanh số bán hàng miễn thuế và thương mại điện tử xa xỉ của Trung Quốc đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch
Doanh số bán hàng miễn thuế và thương mại điện tử xa xỉ của Trung Quốc đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch

Nhưng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chen đã bắt đầu chuyển qua mua sắm trên Feelunique và Lookfantastic - các nền tảng thương mại điện tử chuyên bán các mặt hàng mỹ phẩm từ trung cấp đến cao cấp có nguồn gốc từ Mỹ và Châu Âu.

“Tôi nghĩ rằng mua những mặt hàng này qua các kênh bán hàng trực tuyến này cũng không đắt hơn, nhưng lại thuận tiện hơn nhiều so với khi tôi mua sắm ở Hồng Kông hoặc Nhật trước đại dịch.

Những người bạn của tôi và tôi đã chi từ vài ngàn đến vài chục ngàn nhân dân tệ mỗi người trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới này trong 2 năm qua. Ngay cả khi có thể đi du lịch nước ngoài trở lại trong tương lai, thì tôi nghĩ tôi vẫn sẽ tiếp tục mua sắm trên các nền tảng này”, Chen chia sẻ.

So với năm 2020, mức chi tiêu hàng ngày của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã tăng đáng kể vào năm ngoái, theo một tài liệu nghiên cứu về tầng lớp trung lưu mới tại Trung Quốc năm 2021 do Kênh Wu Xiaobo (Ngô Hiểu Ba) - một công ty truyền thông tài chính độc lập công bố. Cụ thể, khoảng 34% nhóm người tiêu dùng này đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ (tương đương 36 triệu đồng) hàng tháng, tăng 10% so với năm 2020.

Cũng theo tài liệu này, thu nhập bình quân trước thuế hàng năm của các hộ gia đình trung lưu ở Trung Quốc là 660.000 nhân dân tệ (hơn 2,3 tỷ đồng), và tài sản ròng trung bình của các hộ gia đình thuộc nhóm này là 4,96 triệu nhân dân tệ (gần 18 tỷ đồng).

Theo nhận định của tờ SCMP, mặc dù mức tiêu dùng chung của toàn bộ dân số Trung Quốc vẫn đang thấp, doanh số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và tại trung tâm mua sắm miễn thuế Hải Nam đang tăng mạnh trong thời gian xảy ra đại dịch, cho thấy nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của người dân nước này vẫn đang rất cao.

Cyril Drouin - đang làm việc ở Thượng Hải, là Giám đốc thương mại điện tử phụ trách thị trường Trung Quốc của Publicis Communications, một công ty tư vấn cho các thương hiệu nước ngoài - cho biết, các mặt hàng xa xỉ vẫn đang bán rất chạy ở nước này.

Trước xu hướng đó, các thương hiệu quốc tế cao cấp cũng đang đầu tư để cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng trên các kênh bán hàng trực tuyến, Drouin chia sẻ thêm.

Theo dự báo của Tmall International, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới lớn nhất của Trung Quốc, số người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng trên kênh này đã vượt 200 triệu trong năm 2020, và doanh số từ nhóm khách hàng này dự kiến sẽ đạt 300 tỷ nhân dân tệ trong năm nay.

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố sẽ biến Hải Nam thành cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới vào tháng 6 năm ngoái, doanh số bán hàng miễn thuế trong nước đã tăng mạnh. Theo SCMP, trong năm 2021, lĩnh vực bán hàng miễn thuế ở tỉnh đảo này đã đạt doanh thu hơn 50 tỷ nhân dân tệ, tăng 83% so với một năm trước đó.

Hiện, người tiêu dùng Trung Quốc đang mua nhiều sản phẩm cao cấp hơn trong nước. Trước đại dịch, 32% hàng hóa xa xỉ được người tiêu dùng nước này mua trong nước, theo ước tính của Công ty Tiếp thị quý ông có trụ sở tại Thượng Hải. Nhưng trong năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên 95%.

Theo SCMP, trước đây, việc mua sắm miễn thuế bên ngoài sân bay là điều tương đối mới ở Trung Quốc. Nhưng từ năm 2020, chính phủ nước này đã khuyến khích các địa phương phát triển các cơ sở mua sắm miễn thuế để thúc đẩy tiêu dùng nội địa - một phần quan trọng của chiến lược kinh tế “lưu thông kép” mới.

Trong số đó, Hải Nam, được biết đến với khí hậu nhiệt đới và các khu nghỉ mát ven biển, đã trở thành một điểm đến thu hút nhiều khách hàng có nhu cầu mua sắm và du lịch.

Một số thành phố lâu đời nhất của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu cũng đang lên kế hoạch xây dựng các khu mua sắm miễn thuế.

Olivier Verot - nhà sáng lập của Công Tiếp thị quý ông - cho biết, nhiều thương hiệu cao cấp toàn cầu đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược tại Trung Quốc, do nước này thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế kéo dài trước các đợt bùng phát dịch COVID-19, và hầu hết người tiêu dùng hiện đang chuyển sang chi tiêu trong nước.

Theo một báo cáo của công ty tư vấn Bain & Company (B&C) được công bố vào tháng 1/2022, thị phần của Trung Quốc trong thị trường hàng xa xỉ toàn cầu năm 2021 chỉ tăng nhẹ lên 21%, so với 20% vào năm 2020. Tuy nhiên, B&C dự báo rằng Trung Quốc sẽ có thể trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025, bất kể việc nước này mở cửa cho du lịch quốc tế đến mức độ nào.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI