Bi hài khi bác sĩ chữa 'u răng ác tính' trong 30 giây

28/04/2017 - 10:02

PNO - Nhiều bậc cha mẹ khi thấy răng miệng của con có những dấu hiệu bất thường thì rất lo lắng, tự cho là con mình đã bị ung thư, dẫn tới những tình huống dở khóc dở cười.

Nhiều bậc cha mẹ khi thấy răng miệng của con có những dấu hiệu bất thường thì rất lo lắng, tự cho là con mình đã bị ung thư, dẫn tới những tình huống dở khóc dở cười.

Khối sùi lấy ra, cả nhà... “ngã ngửa”

Mới đây, BS Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, BV Nhi Đồng 1, TP.HCM đã tiếp nhận một trường hợp cười ra nước mắt. Bệnh nhi (BN) là P.V.M., hai tuổi, ngụ Bến Tre. Đưa cháu bé vào gặp BS, mẹ và bà cháu mếu máo: “Chắc là bé bị ung thư rồi BS ơi! Bé có mệnh hệ gì tôi không sống được nữa”.

Theo lời người nhà, mấy tháng nay ở khẩu cái của BN xuất hiện một khối sùi màu đen, xù xì trông rất ghê. BS ở phòng mạch gần nhà trông thấy đã bảo là chưa từng thấy ca nào như thế, khuyên gia đình đứa bé lên BV Nhi Đồng 1 ngay, coi chừng đó là một dạng bệnh lý ác tính.

Kiểm tra vật lạ đang hít chặt trên khẩu cái BN, BS Đẩu cảm nhận đó không phải là khối u. Xem xét kỹ hơn, ông bật cười. “Tôi bảo mẹ và bà của BN không khóc nữa và nhắm mắt lại, chỉ trong 30 giây tôi sẽ chữa khỏi cho bé. Họ không tin nhưng vẫn làm theo, dù cứ tiếp tục sụt sùi”, BS Đẩu kể.

BS dùng chiếc panh lấy khối sùi từ miệng BN ra. Lúc này gia đình BN mới bật ngửa vì thứ mà mọi người lầm tưởng cục u ác tính lại là… nửa vỏ đậu phộng! Bé cắn đậu phộng còn nguyên vỏ, bị mảnh vỏ dính bám vào phần khẩu cái, càng nuốt càng khiến mảnh vỏ hít chặt thêm vào khẩu cái. Rồi bợn sữa, thức ăn bám thêm lên mặt chiếc vỏ xù xì nên nhìn cứ như một khối u răng lạ.

Tương tự trường hợp của bé M., cách đây mươi ngày, bé gái tên V.T.T.T., một tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, được đưa đến BV vì nghi… ung thư răng. Mẹ bé khóc với BS: “Con em mới một tuổi sao lại bất hạnh mắc bệnh nan y như vậy…”.

Chuyện là mấy hôm trước, khi bé đang khóc, người nhà phát hiện mặt trong của răng cửa hàm trên có một khối màu đen, sờ thấy rất cứng, nên nghĩ đó là khối u từ răng mọc ra. Nỗi lo càng lớn hơn vì phần nướu quanh khối đen đó còn bị viêm đỏ, chảy máu.

Bi hai khi bac si chua 'u rang ac tinh' trong 30 giay
Các BS đang kiểm tra một trường hợp nghi mắc bệnh lý ác tính vùng răng miệng - Ảnh: Thanh Huyền

Kiểm tra xong, bằng kinh nghiệm, các BS cảm thấy đây không phải là khối u, nên thử nạy nhẹ, lập tức khối đen bong ra. Hóa ra đó là một mẩu thiếc mỏng, nghi có trong đồ chơi, vì bé cho vào miệng nên mắc kẹt ở kẽ răng.

Răng tự cắn thịt 

Hầu như tháng nào khoa Răng Hàm Mặt, BV Nhi Đồng 1 cũng gặp bốn-năm trường hợp ngộ nhận là bị ung thư răng miệng. Chỉ hai ngày trước, bé trai 10 tuổi tên T.H.K., ngụ Đồng Tháp, được đưa đến khám vì vết loét lâu lành bên hông niêm mạc má và nướu trong cùng của xương hàm.

Gia đình cũng đã khóc hết nước mắt vì nghĩ bé bị ung thư. Thật ra, theo BS, BN chỉ bị rối loạn khớp cắn. Răng hàm của BN đã thay bằng răng vĩnh viễn. Chiếc răng mới khá bén, lại chưa vào khớp cắn với răng đối xứng, nên khi bé nhai thức ăn là tự cắn trúng niêm mạc má của mình.

Đó là lý do tại sao đã khám nhiều nơi, uống bao nhiêu thuốc kháng sinh, kháng viêm nhưng vết loét vẫn không lành được. BS đã mài răng để giảm bớt sự sắc bén, làm thêm một máng cao su mềm để bọc phần răng sắc bén đó lại. Hai tuần sau, vết loét trong miệng BN đã tự lành.

Trường hợp của bé trai 12 tuổi tên D.G.H., ngụ huyện Bình Chánh cũng đầy kịch tính. BN bị một vết loét ở môi có đáy trắng, nề cứng, một biểu hiện dễ bị nghi là ung thư. Thông qua điều tra bệnh sử và bằng kinh nghiệm bản thân, BS Đẩu phát hiện BN bị mắc chứng động kinh cục bộ cơ sàn miệng, khiến môi dưới có xu hướng đưa vào.

Khi lên cơn động kinh, răng của BN cắn vào môi dưới, tạo ra một vết loét dài tương ứng với vị trí răng số 3 bên này đến răng số 3 bên kia - đúng ngay vị trí đang có vết loét. BN đã được điều trị phối hợp chuyên khoa nội thần kinh để kiểm soát các cơn động kinh. Đồng thời, BS còn cho BN mang máng nhai vào răng để tránh gây tổn thương cho môi dưới. 10 ngày sau, vết loét ở môi BN đã hồi phục.

Từ những trường hợp trên, BS Đẩu khuyến cáo: “Khi thấy răng miệng trẻ có dấu hiệu bất thường, phụ huynh đừng quá hoang mang, mà nên đưa trẻ đến BS chuyên khoa răng hàm mặt để kiểm tra và có hướng điều trị”.

Tỷ lệ mắc phải bệnh lý ác tính vùng răng miệng ở trẻ em rất thấp, nhiều lúc còn bị nhầm lẫn với những vết loét lâu lành hay khối phồng trong răng miệng trẻ.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI