Bi hài hàm răng "phản chủ" trong phim cổ tích Việt

24/03/2021 - 18:26

PNO - Hàm răng trắng lóa, sáng bóng của thằng Khờ trong series “Cổ tích Việt Nam” khiến người xem mất đi niềm tin về bối cảnh thời đại của phim.

Gái khôn được chồng nằm trong series phim truyền hình khai thác nội dung từ kho truyện cổ tích Việt Nam. Phim xoay quanh 2 nhân vật gồm Nữ (Jolie Phương Trinh) và Khờ (diễn viên Huỳnh Đông). Cả hai ban đầu chỉ là những người cùng làng, bất đắc dĩ phải cưới nhau. Nhưng từ xa lạ, họ thầm thương đối phương vì tính cách, cảm xúc mà người kia mang lại.

Ngoài sở hữu cốt truyện quen thuộc với khán giả, phim Gái khôn được chồng ghi điểm một phần nhờ chọn bối cảnh làng quê khá phù hợp, hạn chế nhiều chi tiết của thời hiện đại. Do đó, hình ảnh trên phim đủ để người xem tin rằng họ đang theo dõi một câu chuyện cổ tích trứ danh của Việt Nam.

Tạo hình của thằng Khờ trên phim với hàm răng trắng sáng.
Tạo hình của thằng Khờ trên phim với hàm răng trắng sáng

Nhưng mọi thứ chỉ hợp lý cho đến trước khi một số nhân vật trên phim mở khẩu hình. Hàm răng trắng sáng hay nói cách khác là khâu tạo hình nhân vật trên phim chưa hợp lý, phá vỡ hoàn toàn hiệu quả mà các yếu tố khác tạo dựng được. Đáng kể nhất là nhân vật thằng Khờ của Huỳnh Đông.

Khờ là con của một lão nông, vì ngờ nghệch nên cha phải đích thân tìm vợ cho. Trên phim, gia cảnh của Khờ không mấy khá giả nhưng xét riêng về diện mạo, anh chàng có cái mà những lão trọc phú đương thời cũng không thể sở hữu chính là... hàm răng trắng lóa, sáng bóng. Mỗi khi đến cảnh có Khờ, riêng phần nhìn, so với những nhân vật khác, Khờ trở nên... lạc lõng.

Trích đoạn vai diễn của thằng Khờ trên phim:

 

Diễn viên Huỳnh Đông có thể thuyết phục khán giả tin nhân vật khi anh mặc áo bà ba, mang guốc, đầu quấn khăn như bao người nông dân khác nhưng hàm răng là chi tiết gây thất vọng lớn, khá đáng tiếc. Với các phim thời hiện đại, hàm răng trắng của nam diễn viên không phải là vấn đề đáng bàn, đôi khi trở thành điểm cộng. Nhưng đối với phim cổ tích, giữa bối cảnh làng quê ngày xưa, nếu không có động thái “make-up” cho hàm răng vốn mang nhiều ưu điểm thì chẳng khác nào răng phản chủ, “chọi” phim.

Không chỉ Khờ, vai tiểu thư nhà giàu của Phương Trinh Jolie hay một vài nhân vật phụ khác trên phim cũng sở hữu hàm răng trắng tinh tươm. Chưa kể, một số diễn viên nữ kẻ mắt, tô môi hoặc có can thiệp thẩm mỹ nên trông khá gượng, không được tự nhiên, không mang vẻ đẹp thuần Việt để hợp với thể loại/bối cảnh cổ tích.

Tạo hình của 2 vợ chồng nghèo trên phim so với Huỳnh Đông, họ phù hợp hơn với thể loại cổ tích.
So với thằng Khờ, tạo hình của hai vợ chồng nghèo trên phim phù hợp hơn với thể loại cổ tích

Chuyện hóa trang trên phim Việt lâu nay hay vướng nhiều tranh cãi vì làm chưa tới, chưa đúng. Ví như Bố già của Trấn Thành, nếu ở bản điện ảnh, ngoại hình của anh được hóa trang khá kỹ, chỉ đôi chỗ lộ phần da cổ khác da mặt thì với bản webdrama, tạo hình của Bố già gần như thảm họa. Phần râu, tóc lồ lộ sự hóa trang vụng về, làm chưa kỹ. Dù nội dung phim khá tốt nhưng riêng về tạo hình nhân vật, Bố già bản chiếu YouTube thất bại hoàn toàn.

Bên cạnh tạo hình nhân vật gặp khó vì thiếu kinh phí, nhân sự, đối với những dòng phim khai thác chủ đề văn hóa truyền thống, truyện cổ tích hay nội dung mang yếu tố lịch sử, việc tìm những diễn viên sở hữu nét đẹp tự nhiên khá khó. Nhiều đạo diễn từng than trời khi nhiều diễn viên có khả năng diễn xuất nhưng không thể chọn vào phim vì chiếc cằm đơ, mũi lệch, bơm môi...

Trường hợp của phim Gái khôn được chồng không mới nhưng là tác phẩm gần nhất cho thấy trong khâu tạo hình còn nhiều thiếu sót đáng tiếc. Đôi khi, chỉ một chi tiết lại khiến những nỗ lực khác của cả ê-kíp “đổ sông đổ biển”.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI