Cuộc hôn nhân bi kịch của cặp đôi U50
Câu chuyện vợ chồng đòi chia đôi bó củi và gói bột giặt vô cùng hy hữu này xảy ra ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Nhân vật chính trong câu chuyện là ông Nguyễn Văn T. (SN 1966, quê gốc tại thị xã An Nhơn, Bình Định) và bà Y Đ. (SN 1969, trú tại xã Canh Liên, Vân Canh, Bình Định).
Theo tìm hiểu, ông T. trước đây đã từng có một đời vợ. Người vợ này sinh cho ông 3 người con thì qua đời. Thương các con còn nhỏ, ông T. ngày đêm làm việc quần quật, không dám nghĩ tới hạnh phúc của riêng mình. Ở quê khó kiếm sống, ông đưa các con tới huyện Vân Canh làm thuê làm mướn. Thời gian trôi qua, các con ông cũng trưởng thành và có gia đình riêng. Lúc này ông mới giám nghĩ tới việc đi thêm bước nữa.
Cách đây khoảng gần chục năm, trong một lần đi xem văn nghệ được tổ chức ở trung tâm xã, ông tình cờ quen với một người phụ nữ cùng hoàn cảnh tên Đ. Bà Đ cũng từng có một đời chồng và có 2 người con. Tuy nhiên chồng bà đã đoản mệnh qua đời từ nhiều năm trước. Để lại cho bà một căn nhà cấp 4 khang trang và những mảnh rẫy rộng lớn. Từ đó bà ở vậy nuôi con không lớn.
|
Căn nhà ông T. và bà Đ. từng sống với nhau nay mỗi người một nơi |
Cùng cảnh lỡ dở hôn nhân, hai người nhanh chóng tìm được sự đồng cảm. Sau một vài lần tiếp xúc, trò chuyện tình cảm của họ cứ thế lớn dần và tính đến chuyện chung sống với nhau. Chuyện tình cảm của ông T. và bà Đ, được các con, họ hàng và bà con làng xóm vun vén, ủng hộ. Từ đó hai người nhanh chóng tổ chức một đám cưới giản dị để thông báo với mọi người về việc họ chính thức trở thành vợ chồng, có đăng ký kết hôn đàng hoàng.
Sau đám cưới, ông T. chuyển về nhà bà Đ. ở. Từ đó ông không phải đi làm thuê làm mướn ở đâu nữa mà nghiễm nhiên trở thành ông chủ. Thời gian đầu chung sống mọi người thấy ông T. và bà Đ. đều khá hạnh phúc. Tuy nhiên tất cả đã thất vọng chỉ sau một thời gian ngắn.
Những người dân sinh sống ở gần nhà bà Đ. chẳng còn lạ gì với việc chứng kiến cảnh ông T. và bà Đ. cãi nhau tới ầm ĩ cả xóm làng. Nhiều khi lý do khiến họ cãi nhau, chửi nhau cũng vô cùng đơn giản, như chuyện trẻ con. Thậm chí nhiều khi người ta còn nhìn thấy ông T. tát vợ bôm bốp ngay trước hiên nhà. Cũng có lần người ta thấy bà Đ. cầm dao đuổi dọa chém khiến ông T. chạy thục mạng.
Để tránh chuyện đáng tiếc xảy ra, những lần như thế bà con hàng xóm lại phải chạy sang can ngăn. Có khi thấy sự việc nghiêm trọng, người dân phải báo chính quyền địa phương tới để hòa giải cho vợ chồng này. Sau những lần như thế, người ta lại thấy hai vợ chồng ông T. vui vẻ trở lại với nhau. Tuy nhiên chẳng lần nào được kéo dài.
Sau nhiều lần mâu thuẫn, hòa giải rồi lại làm lành như thế, cũng tới lúc hai người cảm thấy ngột ngạt, chán nản với cuộc sống như vậy nên họ nghĩ tới chuyện đưa nhau ra tòa ly hôn để đường ai nấy đi. Tuy nhiên hai người tỵ nạnh nhau không ai chịu lấy giấy viết đơn xin ly hôn. Cuối cùng họ thống nhất nhờ một người khác đánh máy giúp lá đơn rồi cả hai cùng ký gửi tới tòa.
Chia đôi cả bó củi và gói bột giặt
Trong thời gian chờ tòa phân xử, ông T. và bà Đ. vẫn sống chung nhà nhưng ai làm việc của người đó. Hàng ngày bà Đ. vẫn vác dụng cụ lao động đi lên rẫy còn ông T. thì chạy xe thồ nông sản đem bán. Tối về mỗi người một nồi cơm riêng nhưng vẫn nấu chung trên một bếp, quần áo của ai người đó giặt nhưng vẫn dùng chung một gói bột giặt. Những thứ tài sản của bà Đ. có trước khi chung sống với ông T. thì vẫn do bà này sở hữu. Còn những tài sản được tạo ra sau khi hai người chung sống với nhau thì họ đã tự chia đều. Từ những chiếc chén đĩa đến những đôi đua hai người đều chia hết.
Do đã xác định sẽ không hàn gắn nữa nên khi ra tòa, ông T. và bà Đ. đều kiên quyết xin tòa cho họ được ly hôn không cần hòa giải. Thậm chí tại tòa, hai người vẫn không ngừng “đấu tố” đổ lỗi cho nhau không ai chịu nhường ai. Nhận định không thể tiếp tục hàn gắn cho hai người này về với nhau nên tòa đã đồng ý cho họ được ly hôn.
Về việc phân chia tài sản, do họ đã tự phân chia được gần như toàn bộ nên tòa không cần phân chia nữa. Ít ngày sau đó, cán bộ thi hành án tới thi hành bản án ly hôn của ông T. và bà Đ. Những tài sản ông T. được chia ông thuê xe chở về nhà cũ của mình. Nhưng rồi rắc rối lại phát sinh khi hai người quyết chia nhau những thứ nhỏ nhất để cho bõ ghét và không còn nợ nhau bất cứ thứ gì nữa.
Có gói bột giặt dở hai người đang dùng chung, bà Đ. cũng yêu cầu được chia đôi để trả ông T. một nửa. Thấy vậy cán bộ thi hành án cười bảo gói bột giặt dùng dở rồi chẳng còn giá trị là bao chia làm gì cho mất công, hai người nên nhường nhau.
Tuy nhiên bà Đ. cương quyết là phải chia đôi vì bà không muốn mang tiếng “ăn không” của ông T. bất cứ thứ gì dù là nhỏ nhất. Thấy vợ hết tình, cạn nghĩa ông T. cũng lạnh lùng yêu cầu phải chia gói bột gặt. Đồng thời, để cho bõ tức, ông T. yêu cầu cán bộ thi hành án chia luôn cả bó củi để trên gác bếp.
Thấy hai người quá căng thẳng, không muốn làm phức tạp thêm tình hình, cán bộ thi hành án đành lấy gói bột giặt đổ ra chia làm đôi và bê bó củi trên gác bếp xuống chia đôi luôn rồi giao cho mỗi người một nửa.
Sau khi thông tin này đến tai người dân địa phương, nhiều người cho rằng ông T. và bà Đ. đều quá nhỏ nhặt, cố chấp. “Dù sao hai người cũng có một thời gian góp gạo thổi cơm chung, đầu gối tay ấp. Dẫu hết tình, cạn nghĩa cũng không nên quá “cạn tàu ráo máng” với nhau như vậy. Để đến khi ra đường có vô tình gặp nhau thì cũng không phải lánh mặt nhau như kẻ thù”.- một người dân địa phương chia sẻ.
Mặc dù sự việc đã trôi qua một thời gian nhưng khi trò chuyện với phóng viên cả ông T. và bà Đ. đều vẫn dành nhưng lời lẽ cay đắng cho nhau và cảm thấy rằng việc chia đôi những thứ nhỏ nhất như gói bột giặt dùng dở hay bó củi là hành động đúng.
Bà Đ. chia sẻ: “Ngày đó tôi thương ông T. “gà trống nuôi con”, phải làm thuê làm mướn vất vả nên tôi mới đồng ý chung sống với ông ấy. Về sống với tôi cuộc đời ông ấy sung sướng hẳn. Không phải lo lắng về kinh tế, nương rẫy cây quả đấy cứ thế hái về mà ăn. Vậy mà ông ấy không biết điều, cứ tị nạnh với tôi từng tý, lại còn có tính gia trưởng, suốt ngày muốn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với tôi. Do đó tôi muốn cắt đứt với ông ấy là cắt đứt hết, không nợ nần vương vấn gì nữa. Cho ông ấy biết thế nào là hậu quả của việc đối xử tệ bạc với tôi”.
Còn ông T. thì cho hay: “Tôi không ngờ bà Đ. lại quá đáng đến như thế. Do bà ấy tính toán quá chi ly nên tôi cũng tính toán lại cho bõ tức. Tôi đã định chỉ lấy những vật dụng có giá trị lớn thôi, nhưng vì tức quá nên dù chổi cùn dẻ rách tôi cũng chia hết. Nếu biết trước cuộc sống với bà Đ. như thế thì tôi đã ở vậy luôn cho rảnh thân. Để chẳng phải ôm cục tức trong lòng cho tới tận bây giờ”.
Hoàng Hải