Bi hài chuyện trẻ con ngày Tết

24/02/2015 - 14:04

PNO - PN - Khi gặp phải những cách cư xử không phải phép, mọi người thường nói câu cửa miệng: “Kiểu trẻ con ấy mà, chấp làm gì”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đúng là không nên chấp nhặt với con trẻ vì chúng còn nhỏ, chưa có nhiều nhận thức. Nhưng có những hành động của trẻ nhỏ, chúng ta không nên bỏ qua mà phải nhìn nhận nghiêm túc, vì đằng sau nó là cả quá trình giáo dục mà chúng đang thụ hưởng.

Hình như, trẻ con bây giờ không còn hồn nhiên, trong sáng nữa.

Dịp Tết vừa rồi, tôi ở nhà tiếp khách nên tiếp xúc khá nhiều với những em bé theo bố mẹ đi chơi Tết và cách cư xử của chúng không khỏi khiến tôi giật mình.

Bi hai chuyen tre con ngay Tet

Nguồn ảnh minh họa: internet.

Đầu tiên là chuyện lì xì. Khi nhận được phong bao, hầu hết các bé đều cảm ơn. Nhưng những thái độ và câu nói tưởng chừng như ngây ngô của các bé khiến bố mẹ lẫn người lì xì chỉ biết nhìn nhau cười ngượng nghịu.

Có bé khi nhận được lì xì thì mở phong bao ngay, thấy tờ 20.000 đồng thì «xì» một tiếng rõ to «chỉ có thế này thôi à». Có bé thì không cần xem qua, đưa ngay cho mẹ kèm theo lời dặn dò «mẹ giữ lấy để mua xe đạp cho em nhé».

Cá biệt, đứa cháu gái lên năm của tôi còn ngồi ngay ở phòng khách, khách ra về mà chưa lì xì là nó chạy đến níu chân hỏi to «bác/cô/dì chưa lì xì cho cháu mà» khiến người đến chơi ngại ngùng, bố mẹ nó giận tím mặt nhưng không nỡ đánh con trong ba ngày Tết.

Chị tôi bảo, không hiểu nó học đâu ra cái kiểu cư xử ấy, vì bố mẹ chưa hề nhắc đến chuyện tiền bạc trước mặt con. Hôm sang chúc Tết nhà cô bạn thân, tôi được đứa con trai lên 7 tuổi kéo ngay lên phòng riêng để khoe tiền lì xì «được 6 triệu rồi cô à, con thu nhập khá đấy chứ» làm tôi hết hồn.

Nhưng có bé vô tư đến mức thấy khách đưa lì xì ra là chạy ngay vào phòng đóng cửa lại không nhận, có bé thành thật nói: «Cháu có nhiều rồi, không lấy nữa đâu». Có bé ngây ngô bảo: «Thấy ai lì xì là cháu ngán lắm».

Chuyện lì xì đã nghe nói mãi, nhưng khi tận mắt chứng kiến, tôi mới thấy mặt trái lớn vô cùng. Một số đứa trẻ luôn xem dịp Tết là cơ hội «kiếm chác» tiền bạc.

Chuyện tiếp là chuyện ăn. Hầu hết các bé đều thích ăn kẹo bánh, uống nước ngọt. Dịp Tết, các em được ăn uống «thả ga» mà không sợ bố mẹ cấm cản. Nhiều em còn nghĩ đến chuyện để dành bánh kẹo dùng dần khi hết Tết. Bởi vậy, tôi thấy nhiều bé khi đến chơi là bốc lấy bốc để kẹo, hạt dẻ, hạnh nhân nhét vào đầy túi quần áo mang về.

Hôm mồng hai, có đứa cháu họ đến nhà chơi, sau khi nhét đầy mà chưa hết nên hỏi xin túi nylon để đựng. Vì bận tiếp khách lẫn đang bực mình nên tôi bảo không có. Nó thở dài một tiếng rõ to: «Nhà giàu vậy mà cái túi cũng không có».

Rồi có cậu con trai học lớp hai của đồng nghiệp cùng cơ quan ba đến chơi, trong khi bố mẹ cậu đang chúc Tết trong phòng khách, cậu bé lẻn xuống bếp nhà tôi, mở tủ lạnh, ăn hết 6 cái xúc xích, một rổ táo và lấy thêm bịch bánh. Đến khi ra khỏi cửa nhà, nó mới kéo tay tôi nói nhỏ: «Em ăn hết xúc xích và táo nhà chị rồi nhưng chị đừng mách mẹ em nhá».

Hầu hết, nhà nào Tết cũng dọn những món ngon, lạ để đãi khách, nhưng thay vì ăn từ tốn, các bé lao vào ngấu nghiến làm bố mẹ không khỏi ái ngại, chỉ biết chữa ngượng: «Bình thường, cháu lười ăn lắm». Có em còn thẳng thừng chê bai món này ngon, món kia dở, hay «ngon sao dọn ít vậy».

Tất nhiên, những chuyện trên chỉ là vài chuyện lặt vặt ngày Tết. Các bé phần lớn đều ngoan. Nhưng nên chăng, các bố mẹ dành chút ít thời gian xem lại cách cư xử của con mình trong dịp Tết để điều chỉnh kịp thời. Đừng để mọi người khi thấy cháu là nhớ ngay đến hành động «không đẹp» khi đi chơi Tết.

HÀ LAM (Đông Hà, Quảng Trị)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI