Bi hài chuyện làng quê lên cơn 'sốt' đất, 'hai lúa' bỏ đất đi làm 'cò'

05/06/2017 - 06:52

PNO - Đất đai vùng ven TP.HCM bất ngờ lên cơn 'sốt', những người nông dân 'chân lắm tay bùn' ngày nào đua nhau 'ăn diện' lên 'cò' và lắm chuyện bi hài cũng đã xảy ra.

Giá đất nền, đất ven sông rạch... tại nhiều huyện vùng ven TP.HCM cứ lên như diều gặp gió. Hàng xóm tôi, từ ông Ba bán vé số đến bà Bảy giúp việc nhà bỗng dưng trở thành “cò đất”. “Hai lúa” như chú tôi cũng theo “trào lưu” buôn đất vì thấy nhiều người, sau một đêm đã kiếm được vài ba trăm triệu đồng…

Tôi ở huyện Hóc Môn, TP.HCM. Đối diện nhà tôi là nhà anh Sáu Tèo. Mỗi tối mấy anh em thường tụ tập nhà Sáu Tèo tán dóc. Mấy hôm nay, “đề tài” bàn tán xôm tụ không gì ngoài chuyện đất đai. 

Mới hôm trước, Sáu Tèo mặc quần đùi, ở trần trùng trục. Ấy mà hôm sau, bỗng dưng Sáu Tèo bận quần jeans áo thun, tóc chải keo láng mướt, cưỡi SH chạy lòng vòng ra đường, miệng cười tủm tỉm rồi huýt gió, rất yêu đời. Hỏi ra mới biết, sau cuộc tán dóc thì có cuộc điện thoại từ xa của khách, Sáu Tèo giao dịch nhanh và bán được miếng đất mới mua tháng trước, nhét túi gần một tỷ tiền lời. 

Nhóm của Sáu Tèo tám người, chuyên hùn hạp mua đi bán lại mấy miếng đất quanh huyện Hóc Môn, Củ Chi. Một ngày đẹp trời, tám ông rủ nhau lên cầu Lớn (đường Phan Văn Hớn hướng về tỉnh Long An) coi đất. Lên gần đến cầu, sáu ông quay về vì “đất qua khỏi cầu rất khó bán”. Hai người còn lại tiếp tục cuộc “săn đất”. Thấy miếng đất gần 5.000m2, giá mềm, hai ông liền đặt cọc 100 triệu đồng. Ba hôm sau có người đến mua, hai ông liền “sang tay” kiếm hơn 300 triệu đồng, gọi là “trà nước”.

Bi hai chuyen lang que len con 'sot' dat, 'hai lua' bo dat di lam 'co'
Đất lên giá, nông dân ngoại thành đua nhau làm "sàn" giao dịch "cò" đất

Thời gian gần đây, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, dự án xây dựng nhà ở mọc lên như nấm. Nhờ vậy, mấy đám ruộng cuối đường nhà tôi vui hơn hẳn. Xóm dân cư mới có đâu 30 căn nhà mà nửa năm nay “cò quạ” rầm rập ngày đêm. Chỉ cần một căn nhà rao bán thì mỗi ngày chủ nhà tiếp cả chục lượt cò dẫn khách đến xem.

Chị Ba mua nhà 80m2, giá 1,6 tỷ đồng. Hôm qua tình cờ hai chị em gặp nhau, chị khoe, đang kêu bán căn nhà trên với giá 2,3 tỷ đồng, gần mười người coi nhưng chưa “gút”. Tôi nhẩm tính, nếu bán được giá trên, chỉ sáu tháng chị lời 700 triệu đồng. Quả thật đời như mơ.

“Ngộ” hơn, ông Ba bán vé số, bà Bảy giúp việc nhà bỗng dưng thành “cò đất”. Tranh thủ lúc đi bán, đi làm rồi nghe ngóng “nhà nào rao bán, đất nào đang gả”, chỉ cần giới thiệu mối, giao dịch thành công, kiếm 2%. Ông Ba trúng được mấy mối nghe đâu được vài ba chục triệu, có thể ngồi rung đùi uống cà phê mỗi sáng thay vì phải đi bộ mỏi chân mời người ta mua vé số như thường lệ.

Còn bà Bảy cũng may mắn trúng một hai “quả”, bỏ túi 40 triệu đồng, nghỉ giúp việc nhà ba tháng nay, sáng ngồi quán cà phê, trưa ngồi quán bún riêu, chiều chiều thì tụ tập cùng đám choai choai xem bắn cá.  

Bi hai chuyen lang que len con 'sot' dat, 'hai lua' bo dat di lam 'co'
Sau những "sàn" giao dịch "cò" đất là lắm chuyện bi hài

Chuyện “sốt đất” kéo theo người người đi làm "cò", nhà nhà đi buôn đất. Bất ngờ nhất là chuyện của chú ruột tôi. Nhờ ông nội bán khu đất mặt tiền, chia cho con cái nên chú có hơn 1,4 tỷ đồng. Hôm nay nghe chú khoe “mới mua miếng đất gần bờ kênh”, hôm khác lại nghe “mới mua miếng đất gò gần ruộng”. Đùng một cái, chú tôi thông báo xây xưởng, mua máy móc về làm khăn ướt. Máy móc thì có bạn nhậu lo giùm, đầu ra cũng có ông bạn nhậu khác lo, chú tôi chỉ lo thuê người và sản xuất.

Chú lạc quan: “Chú tính rồi, làm ruộng cực khổ mà một tháng kiếm vài ba đồng, chẳng đủ ăn. Giờ đi buôn đất, làm khăn ướt mỗi tháng kiếm vài chục "chai" (triệu đồng)”. Móng tay móng chân của chú thím tôi, phèn đất bám chặt, nào biết sản xuất, kinh doanh? 

Cơn sốt đất đi qua khiến nhiều người khấm khá. Đó là những người có vốn, có kinh nghiệm, đang kinh doanh, môi giới đất nên nắm bắt thị trường nhanh. Phần còn lại “dở khóc dở cười”. 

Mua đất như mua rau. Tình trạng sáng mua chiều bán, nay mua mai bán rầm rộ. Kéo theo là những người ít vốn, cầm trong tay 300 - 500 triệu đồng cũng tranh nhau săn nhà đất giấy tay.

Gần hai tháng nay, cả nhà anh D. như ngồi trên đống lửa, hết kéo nhau lên tòa rồi ra xã mà chưa đòi lại được nhà. Số là tháng 1/2017, chị B. mua căn nhà của bà A. rồi bán lại cho anh C. kiếm ít lời, anh C. bán lại cho anh D. Anh D. mua lại cũng hy vọng bán đi kiếm ít lời, nhưng chưa kịp bán thì phát hiện có người dọn vào nhà ở. Hỏi ra anh mới biết, chị B., anh C. bán cho anh mà không rõ nguồn gốc đất nên bị bà A. lừa kiểu “một miếng đất bán hai người”. Giờ thì mọi người rủ nhau đi tìm bà A. để “tính sổ”.

Hiện tại, nhà chị Ba chưa bán được, cũng không còn "cò" đất rầm rập trong xóm. Anh Sáu Tèo rảnh rang, thường xuyên đi chùa “xin vận” làm ăn. Ông Ba, bà Bảy hết tiền, trở lại nghề cũ. Mới đây gặp thím, tôi hỏi thăm xưởng khăn ướt, bà lắc đầu: “Xây xưởng, mua máy hết 300 triệu đã hết vốn, còn phải thêm 200 triệu nữa mới đủ. Chắc có lẽ phải ngừng hết. Biết khăn ướt khăn ráo gì đâu mà làm”. 

Nguyễn Thị Thu Hồng
   (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI