Không đợi đến "tết ta", từ trước tết dương lịch, chị em đã lên kế hoạch đi tút tát, "lên đời" nhan sắc để đón năm mới thật “hoành tráng”. Không kể đến những cuộc đại trùng tu bằng cách đi thẩm mỹ, chỉ việc đi làm tóc, sửa soạn lại bộ móng cho "ngon lành" cũng khiến chị em nhiều phen dở khóc dở cười.
|
Làm đẹp là nhu cầu thiết thực của phụ nữ những ngày cuối năm. Ảnh: Internet |
Gần cuối năm, các tiệm tóc, tiệm nail có thương hiệu luôn đông kín khách. Năm nay, sau đợt dịch vừa rồi, ai cũng có tâm lý chuẩn bị trước cho dung mạo chỉn chu, biết đâu…
Nào chỉ tiệm lớn mới hút khách, các tiệm xoàng xoàng cấp… xóm cũng đã nhấp nhô hàng chục chiếc xe máy quây kín bên ngoài. Bên trong, người cắt tóc, uốn, gội, nhuộm… Người thì cắt da, sơn móng… Người lột mụn, tẩy tế bào chết, uốn mi, nối mi… Ti tỉ thứ cần đến bàn tay thợ. Và cũng ti tỉ thứ ấy thôi nhưng có khi ngốn hết cả 5, 10 tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày của chị em.
Phụ nữ có nhu cầu sửa soạn để đẹp, gọn gàng, sạch sẽ, tươi mới sau những tháng ngày vùi đầu trong công việc lẫn một núi âu lo. Nhưng phụ nữ cũng là người vẫn đang tiếp tục bao thầu mọi việc trong nhà: chăm con, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, phơi phóng…
Nếu đi làm đẹp mà gặp lúc tiệm đông như dịp cuối năm, không khéo các chị "chưa kịp tươi thì đã héo" khi về đến nhà đã thấy cảnh bầy hầy, nhếch nhác chưa ai dọn. Bộ móng vừa mới sơn bóng loáng lại phải nhúng tay vào xà bông cùng chiếc bùi nhùi để kì cọ mớ nồi xoong đầy cặn bẩn.
Cái bộ móng bỏ công chọn sơn, chọn họa tiết, thợ móng tỷ mẩn làm cả tiếng đồng hồ, dự định cho hợp với áo quần này, túi xách nọ, chưa kịp diện ngày đầu năm, chị em đành ngậm ngùi giấu đi, bởi từng mảng sơn tróc xù xì.
Mái tóc xoăn lọn bồng bềnh mất cả ngày dài đau lưng, mỏi cổ mới làm xong, còn chưa kịp chụp hình sống ảo đã phải trùm khăn chui vào bếp chiên cá, kho thịt. Mùi thơm của dầu hấp dầu xả thoáng chốc bay đâu mất, chỉ còn mùi thức ăn ám mãi trên những lọn tóc bồng…
Nhiều chị em có kinh nghiệm đã nghĩ ra chiêu “huấn luyện” chồng con làm việc nhà để thay ca cho mình những lúc bận rộn. Dù chỉ được 1/10 yêu cầu, thì công sức chồng con bỏ ra để nhà cửa yên ấm cũng đáng được ghi nhận.
Có chị em "thâm hậu" đến mức cắp nách con theo mình đi làm đẹp. Mẹ đâu con đó, khỏi sợ chồng nhăn nhó. Có chị may mắn hơn, đi làm đẹp đang ngắc ngoải chờ đến lượt thì bất ngờ chồng ghé ngang, tiếp tế cho cái bánh mì, ly sữa đậu nành uống lấy sức… chờ tiếp.
Cả một tiệm tóc lố nhố người ngồi vọc điện thoại, ngáp ngắn ngáp dài chờ đến lượt mình bỗng dưng ồ à thán phục kẻ có “số hưởng” kia. Rồi bao nhiêu con người đó, cũng nhanh chóng buột miệng than thở về nửa kia của mình. Có người len lén cài chế độ máy bay trong điện thoại, tránh những câu hỏi chao chát như xát muối vào lòng từ người ấy…
Mới đây, một tài khoản Facebook khoe được ông xã tâm lý tiếp tế đồ ăn trong khi làm tóc, khiến chị em ngưỡng mộ lẫn ganh tỵ. Người trong hình thật ra không phải sắc nước hương trời. "Đây đúng là người có số hưởng, chồng tâm lý, chiều chuộng hết mực", thành viên các group thốt lên và ao ước "phải chi mình được như cô ấy".
Tuy nhiên, cũng có người tinh ý nhận ra đây chỉ là chiêu câu view, câu like. Chỉ một cái post đó, cùng hình ảnh đó, cùng nội dung tung hô khen ngợi chồng hết lời đó, tài khoản này đã đăng liên tiếp… 4 năm liền.
Nghĩa là, mỗi dịp cuối năm, khi chị em rần rần đi làm đẹp là chủ tài khoản lại tung post cũ, như một cách… xát muối vào nỗi niềm của phụ nữ. Rồi người tỉnh táo và hài hước thì ung dung thả còm: “Chồng đâu, shipper giao đồ ăn đó!”. Hay có người tinh tế cười nhẹ: "Câu chuyện bịa này làm chị em thêm niềm tin cuộc sống".
Được lời như dội nước lạnh, chị em tỉnh ra, lại thấy mọi sự... bình thường.
|
Hình ảnh khoe ông chồng tiếp tế đồ ăn khi vợ đi làm đẹp khiến nhiều chị em xôn xao. Ảnh: internet |
Cái sự khoe khoang kia, thoáng qua như một giọt nước làm xao động mặt hồ trong phút chốc. Điều quan trọng nhất với chị em những ngày này là phải đẹp, bằng mọi giá. Không có chồng tiếp tế như cô kia thì đã sao! Ngồi chờ từ ngày sang đêm thì đã sao! Miễn đẹp!
Vậy nên, nhiều năm liền, không năm nào tôi không chứng kiến cảnh hội chị em túm tụm ở tiệm tóc quen. Tiệm đông nhưng thợ giỏi nghề, giỏi quản lý, nhớ rõ khách nào tới trước, khách nào tới sau, thứ tự cứ vậy mà theo, không ai giành giật của ai. Nhiều người tranh thủ đi từ sáng, tới trưa đặt thức ăn nhanh, ngồi ngả lưng ngủ một giấc đến chiều muộn thức dậy vẫn chưa tới lượt.
Chị cùng xóm tôi kể, có năm chị ngồi đợi đến gần giao thừa mới xong lọn tóc cuối cùng. Gọi điện nhờ chồng soạn mâm cúng, chị ghé chùa hái lộc, tếu táo nói năm sau mà còn như vậy chắc tết nhất chồng đuổi khỏi nhà. Vậy mà, chiều cuối năm nào tôi cũng gặp chị tươi rói cầm theo mấy gói bánh chống đói, với tâm lý sẵn sàng đón giao thừa ở… tiệm tóc!
Có lẽ không chỉ phụ nữ mà cánh đàn ông cũng đã quá quen, quá hiểu cái đoạn trường làm đẹp cuối năm của chị em nó... nhiêu khê cỡ nào. Biết rồi, trải rồi, quen rồi… thì việc chấp nhận và bao dung khi vợ đi làm đẹp là điều đáng hoan nghênh nhất của các anh, phải không?
Trần Huyền Trang