Bi hài bắt... tiểu bậy

15/11/2018 - 06:00

PNO - Tình trạng tiểu bậy trên đường phố Sài Gòn vẫn xảy ra phổ biến. Nguyên nhân là do nhà vệ sinh công cộng thiếu trầm trọng...

“Nơi tôn nghiêm, cấm tiểu bậy”; “Cấm tiểu bậy ở đây. Chó có đuôi, người phải có ý thức”... là những dòng chữ cảnh báo nhằm ngăn chặn tình trạng tiểu bậy trên đường phố Sài Gòn. Dù vậy, tình trạng tiểu bậy ở đây vẫn xảy ra phổ biến.

Khu trung tâm thành phố bốc mùi khai

Vào những ngày đầu tháng 11/2018, khi TP.HCM kết thúc mùa mưa cũng là lúc những khu vực có nạn “tiểu đường” bắt đầu bốc mùi hôi “đặc thù” theo trời nắng. Chỉ tay về góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng, một người bán nước giải khát ở đường Hàm Nghi, P.Bến Nghé, Q.1 phản ánh: “Mùa mưa thì đỡ hôi vì có nước mưa rửa bớt chứ sang mùa nắng thì nước tiểu đọng lại, hôi không chịu nổi. Cuối tuần, người vui chơi càng đông thì chỗ đó càng hôi kinh khủng”. 

Bi hai bat... tieu bay
Khu vực Q.1, TP.HCM cũng có nhiều người tiểu bậy trên đường phố - Ảnh: Trung Thanh

Điều khá bất ngờ là điểm "giải quyết nỗi buồn" nói trên trống lốc, xung quanh không có cây cối che chắn nhưng nhiều người đi đường vẫn tấp vào, úp mặt vào vách tôn của một công trình đang thi công rồi vô tư… xả nước. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người "tè bậy" ở khu vực này làm nghề chạy xe ôm, có vẻ như đã xác định từ trước nên sau một vài vòng chở khách, họ lại đảo về đây để “giải quyết”. Sao không đến nhà vệ sinh công cộng mà lại đi tiểu trên đường phố? Nghe hỏi, một người chạy xe ôm lớn tuổi ở khu vực này phân bua: “Không tìm thấy nhà vệ sinh, bí quá, làm… đại”.

Cách đó một đoạn không xa, tại góc đường Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng, mùi nước tiểu cũng bốc lên khai ngái giữa trưa nắng. Khu vực này trước đây được ví như nhà vệ sinh công cộng vì nạn tè bậy xảy ra thường xuyên. Để ngăn chặn, người dân gần đó phải viết tấm bảng hù dọa: “Nơi tôn nghiêm, cấm tiểu bậy”. Hiện tấm bảng này đã được tháo gỡ và tình trạng người tiểu bậy đã giảm hơn trước nhưng vẫn chưa chấm dứt hẳn. 

Tại giao lộ Trương Định - Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, tình trạng này cũng xảy ra triền miên. “Trước đây, ngay góc đường có vách tường cao nên nhiều người tiểu bậy. Giờ vách tường đã đập rồi, chỉ còn mấy cái tủ điện, vậy mà nhiều người vẫn tấp vào” - một người bán cà phê đối diện với "điểm hẹn" này ngao ngán. Có lẽ do quá bức xúc nên ai đó đã cố tình viết dòng chữ cảnh báo ngay trên tủ điện: “Cấm đái ở đây. Chó có đuôi, người có ý thức”. 

Dùng “chiêu” trị người tiểu bậy 

Một cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị Q.1 cho biết, do việc bắt quả tang, lập biên bản xử phạt người tiểu bậy khó khăn nên đôi khi phải bố trí cán bộ nữ đi cùng, dù việc này cũng chẳng hay ho gì. “Nhiều người đang tiểu bậy, thấy đoàn kiểm tra, họ chối bay chối biến. Nhưng khi thấy có phụ nữ trong đoàn, họ mắc cỡ nên chấp hành mà không chống đối” - vị này kể lại.

Để tăng hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý người tiểu bậy, hiện có hai địa phương ở TP.HCM sử dụng hình thức treo thưởng để khuyến khích người dân tham gia, đó là P.Sơn Kỳ (Q.Tân Phú) và P.Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân). Ông Trần Thới Đông - Phó chủ tịch UBND P.Sơn Kỳ cho biết, từ năm 2016 đến nay, đã có 32 người dân được thưởng nóng với số tiền 500.000 đồng/lần khi báo tin cho cơ quan chức năng về người xả rác, tiểu bậy. Nguồn tiền thưởng do các doanh nghiệp đóng tại phường hỗ trợ. Bà Trương Thị Minh Tín - Chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông B - cho biết, từ khi phường treo thưởng cho người “bắt” tiểu bậy, người dân đã tích cực quay phim, chụp hình, báo tin cho chính quyền.

Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn gần công viên Tao Đàn, Q.1, chúng tôi cũng ghi nhận có tình trạng “tiểu đường” dù bên hông công viên, phía đường Nguyễn Thị Minh Khai có một nhà vệ sinh công cộng. Phần lớn người tiểu bậy trên đường phố vào ban ngày là người chạy xe ôm, taxi, còn buổi tối thì phần lớn là người uống rượu bia, bí quá làm liều. 

Thiếu nhà vệ sinh, Tây ta đều khổ

Thử chạy qua nhiều khu phố ở trung tâm Sài Gòn, chúng tôi không tìm thấy nhà vệ sinh nào. Bí quá, chúng tôi phải ghé vào một quán cà phê kêu nước uống để “giải quyết”. Đây cũng là cách mà nhiều khách du lịch lựa chọn khi tham quan đường phố Sài Gòn. Một số du khách nước ngoài cho biết, họ gặp khó khăn khi tìm nhà vệ sinh công cộng ở khu vực trung tâm thành phố.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị Q.1 nhìn nhận, hiện nay, nhà vệ sinh công cộng ở quận này thiếu trầm trọng. “Một số công viên có nhà vệ sinh công cộng nhưng đều đóng cửa sau 20g, gây khó khăn cho người dân và du khách. Ví dụ như du khách đến khu vực Bưu điện TP.HCM - nhà thờ Đức Bà tham quan, muốn đi vệ sinh, phải vào các trung tâm thương mại gần đó. Khi tham quan Đường sách TP.HCM, du khách phải vào cửa hàng bán thức ăn nhanh gần đó “giải quyết”  - vị này nói.

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Quản lý trật tự đô thị Q.1, nơi xử phạt nhiều trường hợp “tè bậy” nhất ở khu vực trung tâm thành phố là P.Tân Định. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, phường này đã bắt quả tang 18 trường hợp vi phạm, trong đó phạt tiền 10 trường hợp (1,5 triệu đồng/trường hợp). Những trường hợp còn lại do không có điều kiện đóng phạt nên chỉ bị nhắc nhở, yêu cầu dội nước để rửa sạch nước tiểu. “Địa bàn phường rất rộng, đông dân cư, lại có một đoạn đường bờ kè dài với nhiều hàng quán nên lượng khách tập trung về đây rất lớn. Thế nhưng, cả phường chỉ có đúng một nhà vệ sinh công cộng nằm ở khu vực chợ Tân Định. Do thiếu nhà vệ sinh công cộng nên xảy ra nhiều trường hợp tiểu bậy” - ông Lê Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND P.Tân Định, cho hay.

Ông Sĩ cho biết thêm, để xử lý các trường hợp tiểu bậy là vô cùng khó khăn: “Gặp phải người say xỉn, họ luôn cự cãi, chống đối. Lúc đoàn kiểm tra đến, họ đã "hoàn tất các công đoạn" và chối rằng “chưa thực hiện hành vi tiểu bậy”; khi chỉ vũng nước trên đường thì họ chối rằng, đó là của người khác xả. Có trường hợp họ phản ứng gay gắt, hỏi ngược lại cán bộ kiểm tra rằng, không có nhà vệ sinh công cộng mà bí quá thì phải giải quyết thế nào…”.

Tình trạng thiếu nhà vệ sinh cũng đang diễn ra ở hầu hết mọi quận, huyện của TP.HCM. Những địa bàn nào có nhiều quán xá và tập trung nhiều người lao động thì đường phố càng dễ biến thành “nhà vệ sinh công cộng lộ thiên”.  

Ông Nguyễn Gia Thái Bình - Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho biết, cả quận chỉ có 2 nhà vệ sinh công cộng. Hiện vẫn còn 10 địa điểm được chọn để xây nhà vệ sinh, nhưng dự án vẫn còn nằm trên giấy. Việc xử phạt tiểu bậy gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, sự việc diễn ra rất nhanh, khó bắt quả tang. 

Chậm lắp nhà vệ sinh vì thủ tục

Ngày 13/11, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam - cho biết, trước khi có quyết định chính thức thành lập hiệp hội, ông và các cộng sự đã từng làm việc với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, lãnh đạo UBND Q.1 và Q.Gò Vấp để bàn về kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở một số khu vực.

Bi hai bat... tieu bay
Công trình nhà vệ sinh sạch đẹp phục vụ miễn phí ở tỉnh Bình Dương do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam thực hiện - Ảnh: P.N.

“Chúng tôi đã khảo sát 34 vị trí ở Q.1 để lắp đặt các nhà vệ sinh hiện đại. Tại Q.Gò Vấp, chúng tôi đã khảo sát và thiết kế xong 2 mẫu nhà vệ sinh để lắp đặt thí điểm tại 2 địa điểm. Tuy nhiên, đến nay, do còn vướng nhiều thủ tục nên việc lắp đặt các nhà vệ sinh chưa thực hiện được” - ông Hiệp bày tỏ.

Ông Hiệp cho rằng, TP.HCM nên lắp đặt nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc tế. Với các trục đường lớn, nên lắp đặt nhiều nhà vệ sinh, cách nhau khoảng 300 - 500m. “Hiện có nhiều mẫu nhà vệ sinh đẹp và hiện đại chỉ chiếm diện tích khoảng 1,6m2 nên không phải lo lắng chuyện chiếm nhiều đất hay gây mất mỹ quan đô thị. Những mẫu nhà vệ sinh chúng tôi dự kiến lắp đặt cũng rất tiện lợi, có nhiều mẫu không cần phải đấu nối vào hệ thống cống thoát nước. Các công trình này được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, không lấy tiền nhà nước và cũng không thu tiền người sử dụng” - ông Hiệp nói thêm. 

Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 8/11 gây nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt có nhiều ý kiến chê bai, cười cợt, cho rằng tổ chức này làm chuyện “tào lao”. Tuy nhiên, theo những người có hiểu biết về quản lý đô thị, đây là tổ chức khá thú vị và có vai trò rất quan trọng đối với việc giải quyết nhu cầu vệ sinh của người dân; ở những nước phát triển, cũng có hiệp hội này. Hiện, hiệp hội này có gần 100 thành viên là doanh nghiệp, cá nhân tham gia nhằm thúc đẩy việc cải thiện chất lượng nhà vệ sinh ở Việt Nam. Tại tỉnh Bình Dương, hiệp hội đã xây dựng nhà vệ sinh miễn phí đầu tiên tại chùa Bà Thiên Hậu, TP.Thủ Dầu Một.

Trung Thanh - Lê Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI