Trên đường đi giao hàng, đến đầu cầu Điện Biên Phủ (P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì chị Dương Thị T. (sinh năm 1987, ngụ tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bị một nhóm năm người ngồi trên xe taxi ép vào lề đường rồi bắt lên taxi. “Cướp, cướp…” - chị T. tri hô. Một người đàn ông trong nhóm kia xưng là chồng, giải thích với những người xung quanh: T. lấy tiền gia đình, gây nợ nần, nên họ phải bắt về để giải quyết. Họ đưa T. lên taxi chở thẳng về Quảng Trị.
Trong nhóm người ấy có một người là chị ruột của T.
Chuyện diễn ra ngày 28/1/2019 ngay trước mặt đội tuần tra trật tự Công an P.15, Q.Bình Thạnh. Thế nhưng, đội tuần tra chỉ đưa chiếc xe máy của chị T. về đồn mà bỏ mặc chị kêu cứu.
Bắt ra nghĩa địa và ép hôn giải bùa mê
Ngày 28/3, sau hai tháng bị người thân bắt và giam lỏng ở Quảng Trị, chị Dương Thị T. đã trốn thoát và tìm đến nhờ Hội LHPN TP.HCM và Báo Phụ Nữ TP.HCM can thiệp.
Theo lời chị T., năm 2014, sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán, chị vào TP.HCM mưu sinh. Một năm sau, chị làm kế toán cho công ty gia đình của bà Vũ Thị Thu L., chuyên doanh vận tải. Thấy chị siêng năng, giỏi giang nên vợ chồng bà L. rất thương yêu và xem như con. Vợ chồng bà L. còn ra tận Quảng Trị gặp gia đình chị T. xin nhận chị làm con nuôi và được gia đình chị T. chấp nhận.
Nhưng hơn một năm sau, khi chị T. không gửi tiền về như trước thì gia đình sinh nghi và đi tìm hiểu. Họ biết được chuyện gia đình bà L. làm ăn thất bại, chị T. giờ đây phải theo vợ chồng bà L. bán cơm.
|
Chị Dương Thị T. đang làm việc với phóng viên Báo Phụ Nữ |
Cho rằng T. bị dụ dỗ, bị bùa ngải, nên gia đình đã tìm cách khuyên nhủ, kêu T. trở về quê, nhưng T. từ chối. Cũng vì sợ bị anh chị em bắt ở lại quê lấy chồng, nên ngay cả khi mẹ lâm trọng bệnh nhưng T. vẫn không dám về. Khi mẹ qua đời, T. về thọ tang xong rồi lại vào TP.HCM ngay. Điều này khiến cho gia đình càng thêm bức xúc. Vì thế, đầu năm 2017, khi ra Quảng Trị dự đám cưới họ hàng, T. đã bị gia đình giữ lại và mời một thầy pháp đến… trị bệnh.
“Tin vào thầy pháp, gia đình đã ép đưa tôi ra nghĩa địa cắt áo, cắt tóc, cắt móng tay để giải bùa. Rồi họ bắt tôi đeo bùa và phải lấy chồng ở quê để cách ly bùa mê... Lần gần đây, vào mùng mùng Sáu tết, họ đưa người đàn ông 46 tuổi đến coi mắt. Đứa em trai tên Dương Tất Đ. còn dọa nếu tôi trốn đi, bắt được sẽ chặt chân. Tôi đành giả vờ vâng lời. Tôi sống trong âu lo, không ăn, không ngủ, sụt cân chỉ còn 29kg” - chị T. cho biết. Sau hơn 3 tháng chịu đựng, chị T. mới có cơ hội trốn thoát. Vào TP.HCM, chị liền thay đổi chỗ ở và nơi làm để trốn sự truy tìm của người thân.
Tuy nhiên, người thân vẫn không tha cho chị. Họ quyết truy tìm để cách ly chị khỏi gia đình bà L. Ngày 20/1, chị T. nhận được tin “đừng để tìm được” thì một tuần sau sự việc như phim đã diễn ra.
Nhân danh "tình thương"?
Lần này, sau khi trốn khỏi sự kiểm soát của người thân để vào lại TP.HCM, chị đã nhờ sự giúp đỡ của một nhóm bạn cùng làm nghề chạy xe ôm giao hàng. Chị Mai, một nữ tài xế trong nhóm, cho biết: “Khi đón T. ở bến xe, cô ấy tiều tụy khiến tôi không nhận ra. Những đêm đầu tiên, T. ở cùng nhà trọ với tôi, hầu như cô ấy không có một giấc ngủ yên mà luôn mơ màng, hoảng loạn”.
Nhập nội dung.
Hội Phụ nữ và công an vào cuộc
Được biết, ngày 2/4 chị T. đã gửi đơn tố cáo những hành vi sai trái của những anh chị em trong gia đình đến các cơ quan chức năng ở Quảng Trị. Hội LHPN TP.HCM cũng đã chuyển đơn kêu cứu và tố cáo của chị T. đến các cơ quan cảnh sát điều tra tại TP.HCM và Quảng Trị (để đề nghị xem xét, xử lý) và Hội LHPN tỉnh Quảng Trị (để giám sát vụ việc).
Ngày 5/4, Công an xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị mời gia đình chị T. lên lấy lời khai ban đầu.
Hiện tại chị T. vô cùng hoảng loạn, vì sau khi bị Công an xã Triệu An mời làm việc, người thân của chị biết được số điện thoại nên đã gọi điện quấy rầy. Chị nói: “Gia đình bức ép thế này, chắc tôi phải chết đi họ mới vừa lòng”. Những ngày qua chị T. không dám ra đường một mình. Mong mỏi của chị hiện giờ là được tự do sống, làm việc, trả nợ...
|
Ngày 2/4, qua điện thoại, chị Dương Thị Hồng đang sống tại Quảng Trị, là chị gái chị T., xác nhận: vì thấy T. làm lụng quanh năm mà không dành dụm được đồng nào phụ cha mẹ trả nợ nên họ đã tìm hiểu và phát hiện T. bị lệ thuộc gia đình bà L. Chị Dương Thị Hồng nói: “Không phải tự dưng chúng tôi cấm đoán em ấy mà vì nghĩ em ấy bị ngải mê, bị “ô môi” với bà L. nên bắt buộc phải đưa em về quê để cách ly và chữa trị”.
Khi chúng tôi hỏi, gia đình có biết những hành vi bắt giữ, ép gả, đe dọa chặt chân là hành vi trái pháp luật? Chị Hồng cho rằng gia đình làm mọi cách, kể cả việc em trai dọa “cắt chân” cũng vì thương chị T., muốn giữ chị T. ở nhà lấy chồng, sống cuộc đời yên ổn.
Một nguyên nhân quan trọng nữa, theo chị Hồng, “vì T. gây nợ nần, nên gia đình phải đưa T. về quê trả nợ”. Hai món nợ do T. gây ra gồm: 50 triệu đồng vay ngân hàng chính sách xã hội cho T. học hai năm trung cấp và món nợ 30 triệu đồng do T. tự vay ở Ngân hàng Thịnh Vượng TP.HCM (VPBank) năm 2016.
Nhưng T. khẳng định: “Khoản vay ngân hàng chính sách xã hội chỉ có 16 triệu đồng, do mẹ tôi đứng ra vay năm 2007. Số tiền này là để lo cho cả em gái út hiện đang học bên Nhật. Khi tôi đi làm, ban đầu tháng nào tôi cũng gửi tiền về cho mẹ trả nợ. Được khoảng một năm, do không có việc làm tốt, nên tôi không còn gửi tiền về nữa. Sau này, khi bị bắt về nhà, tôi phát hiện hợp đồng vay mới 19 triệu đồng là ba tôi đứng tên, vay để kinh doanh nhỏ. Như vậy, chuyện nợ nần ngân hàng chính sách xã hội không liên quan đến tôi”. Còn khoản vay của VPBank, chị T. cho biết, chị vay được tháng thứ sáu và đang trả nợ đúng tiến độ thì bị gia đình bắt giữ lại ngoài quê 3 tháng 10 ngày. Trở lại TP.HCM, chị không có việc làm, lại phải đi trốn sự truy đuổi của gia đình nên đang là nợ xấu. “Tuy nhiên, tôi vay thì tôi sẽ trả” - chị T. khẳng định.
Theo luật sư Bùi Minh Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM), chị T. hoàn toàn tự chủ được về mọi phương diện trong cuộc sống, không bị tòa tuyên bố “mất năng lực hành vi hay hạn chế năng lực hành vi”, nên không ai có quyền thay chị quản lý cuộc sống của chị.
Nghi Anh
Vi phạm pháp luật quá rõ ràng
Luật sư Bùi Minh Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét, dù nhân danh tình thương, nhưng cách hành xử của gia đình chị T. không bảo vệ chị mà còn xâm hại quyền con người, làm tổn thương sâu sắc đến con em mình. Hành vi bắt chị T. ngày 28/1 vừa qua phải gọi chính xác là bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (theo quy định tại điều 157, Bộ luật Hình sự 2015) là vi phạm pháp luật quá rõ ràng.
Riêng việc cưỡng hôn, dù chưa bị ép đến bước cuối cùng, nhưng chị T. hoàn toàn có thể kêu cứu ở công an xã, công an huyện, Hội LHPN xã và huyện tại Quảng Trị để được giúp đỡ theo quy định tại điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Hành vi cưỡng ép người khác kết hôn có thể bị phạt cảnh cáo từ 100.000-300.000đ theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Nhưng nếu tái phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án lên đến 3 năm tù giam theo điều 181 Bộ luật Hình sự.
|