Bị ép kết hôn, cô gái trẻ đáp trả: "Thà chết còn hơn lấy chồng"

31/01/2023 - 12:44

PNO - Khi bị những người họ hàng lớn tuổi thúc giục kết hôn, cô gái 24 tuổi nói cô thà chết còn hơn lấy chồng, cũng như đặt câu hỏi tại sao cô phải phục vụ người khác.

 

Hàng triệu người trên mạng xã hội Trung Quốc đã lên tiếng bênh vực một phụ nữ trẻ đã đáp trả những người họ hàng đã gây áp lực buộc cô phải kết hôn và kiếm một công việc ổn định bằng câu nói: “Tôi sẽ thấy yên bình hơn khi nằm trong quan tài”. Ảnh: SCMP tổng hợp
Hàng triệu người dùng mạng xã hội đã lên tiếng bênh vực cô gái khi cô phản ứng mạnh trước những lời thúc giục của họ hàng về việc kết hôn - Ảnh: SCMP tổng hợp

Cô gái 24 tuổi đến từ thành phố Genhe ở phía bắc Nội Mông của Trung Quốc đăng một đoạn video lên mạng xã hội Weibo vào ngày 24/1. Video quay cảnh cô trò chuyện với mẹ và những người họ hàng lớn tuổi khác.

Trong video (có gần 2 triệu lượt xem), một người họ hàng lớn tiếng: “Tại sao cháu muốn rời đi?Tốt nhất là cháu nên ở lại Genhe và tham gia kỳ thi công chức rồi lấy chồng ở quê”.

Cô gái trẻ trả lời: “Thà chết nằm trong quan tài cháu còn thấy yên tâm hơn, an toàn hơn là lấy chồng". Những người lớn tuổi bắt đầu thúc giục cô gái tìm người để kết hôn, sinh con. Cô gái trả lời: "Tại sao cháu phải kết hôn và phục vụ người khác?".

Sau đó, cô gái đưa đôi bàn tay với những chiếc móng tay được cắt tỉa cẩn thận trước camera và nói: “Tôi đã có một bộ móng tay đắt tiền như vậy. Tại sao tôi lại muốn nấu ăn và rửa bát cho người khác?”. Người họ hàng lập tức phản bác: “Kết hôn và sinh con là truyền thống của phụ nữ Trung Quốc".

Cuối cùng, mẹ cô gái cố gắng hòa giải: “Đây là một kỷ nguyên mới với những ý tưởng mới. Chúng ta không nên can thiệp vào những suy nghĩ của con cái”.

Nhiều người dùng mạng xã hội đã khen ngợi cô gái về cách mà cô đối phó với áp lực từ những người họ hàng về việc lấy chồng.

Mẹ của cô gái trẻ đứng lên bảo vệ con gái mình trước áp lực từ những người thân khác. Ảnh: Weibo
Mẹ cô gái trẻ bảo vệ con mình trước những người thân khác - Ảnh: Weibo

Rất nhiều người xem đoạn video đã để lại bình luận. Bình luận phổ biến nhất có nội dung: “Tôi đã cười trong sự tức giận khi người đàn ông nói rằng phụ nữ lấy chồng là truyền thống đạo đức. Thật là một lối suy nghĩ lỗi thời”.

Người khác viết: “Cô ấy mới 24 tuổi và đang bị thúc giục kết hôn. Tôi vẫn độc thân ở tuổi 30 đây này".

Một người khác nói: “Thật tốt khi người mẹ này đã đứng ra bảo vệ con gái mình”.

Sau khi các hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ, hàng triệu thanh niên Trung Quốc sống ở thành phố về quê ăn Tết Nguyên đán để đối mặt với hàng loạt câu hỏi về việc kết hôn. Tấm ảnh; màn trập
Hàng triệu thanh niên Trung Quốc sống ở thành phố phải đối mặt với áp lực về việc kết hôn khi về quê ăn tết 

Kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm nay là kỳ nghỉ đầu tiên kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19. Nhiều người trẻ làm việc ở các thành phố lớn khi trở về quê ăn tết đang phải đối mặt với áp lực từ cha mẹ, họ hàng về việc kết hôn. 

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video quay cảnh cô gái ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc cũng tranh cãi với người thân khi họ liên tục thúc ép cô đi lấy chồng. Video cũng thu hút hơn 3 triệu lượt xem.

Một thống kê hồi tháng 12/2022 cho thấy, ở Trung Quốc, số cặp đôi kết hôn giảm mạnh. Theo đó, số người kết hôn lần đầu ở nước này giảm còn 11,6 triệu vào năm 2022 (thấp hơn so với năm 2021 đến 700.000 người), và kém xa mức cao nhất từng được ghi nhận là 23,9 triệu vào năm 2013.

Theo Niên giám điều tra dân số Trung Quốc 2020, độ tuổi trung bình của những người lần đầu kết hôn cũng tăng đáng kể, từ 24,89 (năm 2010) tăng lên 28,67 (năm 2020). Theo báo cáo, hầu hết người độc thân là phụ nữ trên 30 tuổi, được hưởng nền giáo dục tốt, có thu nhập cao và sống ở các thành phố hạng nhất.

Tình trạng số cặp đôi kết hôn sụt giảm có thể được phản ánh qua cuộc khủng hoảng tỉ lệ sinh ở Trung Quốc. Năm 2022, tỉ lệ sinh tại quốc gia này ở mức thấp kỷ lục, chỉ 6,77 ca sinh/1.000 người. Điều này khiến dân số Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm trong hơn 6 thập kỷ qua.

 

 

 

Thảo Nguyễn (theo SCMP)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI